Chuyển biến lớn về an toàn vệ sinh lao động ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho công nhân lao động ở Đắk Lắk đã có chuyển biến lớn. Cơ quan chức năng địa phương liên tục kiểm tra, xử phạt hành chính những đơn vị không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân theo quy định hoặc không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Trong những năm qua, công nhân ở một số doanh nghiệp lớn tại Đắk Lắk luôn được chủ doanh nghiệp quan tâm, đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình lao động sản xuất. Ảnh: Bảo Trung

Trong những năm qua, công nhân ở một số doanh nghiệp lớn tại Đắk Lắk luôn được chủ doanh nghiệp quan tâm, đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình lao động sản xuất. Ảnh: Bảo Trung

Môi trường làm việc được đảm bảo

Tính đến đầu tháng 3.2023, số lượng công nhân lao động ở Cụm công nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã lên đến gần 6.000 người, tăng khoảng 400% so với cùng kỳ năm 2022. Khảo sát tại khu vực này, đa phần người lao động đều được chủ doanh nghiệp trang bị các thiết bị bảo hộ.

Đại diện Công ty TNHH Đăng Phong, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công cơ khí, chia sẻ: “Công ty có khoảng 200 công nhân lao động. Chúng tôi cung cấp quần áo, giày dép... thường xuyên để bảo vệ cho công nhân. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sắm luôn các máy móc để bảo vệ từ xa cho người lao động, tránh vật liệu cứng va vào người. Trong lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp, đã có một số trường hợp người lao động bị tai nạn nghề nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp tuyệt đối không bỏ rơi người lao động khi khó khăn. Khi bị tai nạn nghề nghiệp, họ được hưởng 70% lương, chế độ BHXH vẫn đảm bảo và nhận thêm một số hỗ trợ khác từ lãnh đạo công ty”.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2.9 Đắk Lắk - cho hay, đơn vị đang có 3 nhà máy sản xuất, chế biến nông sản với tổng cộng 150 công nhân. Tất cả đều được trang bị áo quần bảo hộ lao động mỗi năm 2 bộ và được khám sức khỏe định kỳ. Là một doanh nghiệp nhà nước nên công ty luôn luôn tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng, môi trường làm việc cho người lao động. Thực tế, nhờ trang thiết bị được đầu tư, cải tiến đồ bảo hộ được đảm bảo nên việc công nhân bị tai nạn trong quá trình làm việc là điều hiếm khi xảy ra.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ

Công đoàn ngành Công Thương Đắk Lắk hiện có 55 CĐCS, với 3.129 đoàn viên. Trong tháng 5.2023, Công đoàn ngành Công Thương Đắk Lắk sẽ triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Mục đích của chuỗi sự kiện trên nhằm đẩy mạnh thực hiện kiểm soát các nguy cơ, rủi ro và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng ngừa tai nạn lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời cho người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kĩ thuật, điều kiện làm việc, nâng cao năng suất và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk vừa xử phạt vi phạm hành chính một số doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định hoặc không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Trong đó, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk bị phạt 24 triệu đồng; Công ty Cổ phần Điện gió Đắk Lắk 1 bị phạt 15 triệu đồng; Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải bị phạt 15 triệu đồng vì không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định.

Có thể bạn quan tâm