(GLO)- Ngôi nhà sàn trống trải bằng gỗ mục với những bậc thang chông chênh-đó là tất cả những gì chúng tôi thấy khi đến thăm nhà em Kpă Mi (học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông). Em là một trong những học sinh được các chiến sĩ trong Cụm Cơ động huấn luyện chó nghiệp vụ (Trường Trung cấp 24 Biên phòng) nhận giúp đỡ trong năm học 2017-2018.
Trong suốt những năm qua, trên hành trình ươm mầm tri thức ở miền biên giới xa xôi, các thầy-cô giáo của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chưa bao giờ “lẻ loi”. Bên cạnh những nỗ lực tự thân, nhà trường còn có sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị đóng quân trên địa bàn xã, đặc biệt là đội công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Ia Mơr và Cụm Cơ động huấn luyện chó nghiệp vụ.
Đại diện Cụm Cơ động huấn luyện chó nghiệp vụ đến thăm và tặng quà em Rơ Mah Kim. Ảnh: L.H |
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi là một ngôi trường khá đặc biệt vì 100% học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi về đây đúng vào lúc đang diễn ra cuộc họp định kỳ giữa lãnh đạo nhà trường và đại diện các đơn vị kể trên nhằm trao đổi về công tác phối-kết hợp nhằm vận động học sinh đến trường vào những tháng cuối năm. Nghe các chiến sĩ trực tiếp trải lòng về những khó khăn trong công tác vận động quần chúng nói chung và vận động các em học sinh nói riêng, mới thấy hết được tâm huyết của những người tưởng như chỉ làm mỗi công việc là bảo vệ sự bình yên cho biên cương Tổ quốc.
Đại úy Lê Ôy Win-Phó Đội trưởng Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơr, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng ánh nhìn cương nghị của một người lính chất chứa nhiều suy tư: “Bên cạnh nhiệm vụ chính là nắm bắt và định hướng tư tưởng cho người dân trên địa bàn để họ chăm lo sản xuất và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì việc sát cánh cùng các thầy-cô giáo, giúp đỡ các em học sinh cũng là việc làm nhiều ý nghĩa”. Đại úy Win cũng nói thêm: “Có những ngày đi tuần tra biên giới, chúng tôi vô tình phát hiện nhiều em nhỏ theo bố mẹ lên rẫy rồi ở lại qua đêm, không về nhà và cũng không đến trường. Trước tình trạng đó, mặc dù lực lượng các chiến sĩ khá “mỏng” nhưng tôi vẫn cử một vài đồng chí đi theo để thuyết phục các em quay trở về trường”.
Được biết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr còn dành thời gian để giúp người dân làm kinh tế. Đặc biệt, các anh thường xuyên chủ động giúp đỡ các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn thu hoạch mùa vụ để các em yên tâm đến trường.
Ia Mơr vào những ngày cuối đông vẫn còn cái khô cằn, rát bỏng của nắng trời, thời tiết ở đây khắc nghiệt quanh năm. Chúng tôi theo chân 2 chiến sĩ trẻ của Cụm Cơ động huấn luyện chó nghiệp vụ xuống thăm nhà cậu học trò Rơ Mah Kim, học sinh lớp 6A của nhà trường, để trao đến em “món quà yêu thương” hàng tháng. Nhìn ánh mắt vui mừng của em và gia đình, chúng tôi hiểu rằng tấm lòng của các anh đã mang lại niềm động viên tinh thần thật sự lớn lao chứ không chỉ dừng lại ở giá trị của một số tiền nhỏ đủ để mua đồ dùng học tập. Thượng úy Phan Thanh Giang-Đội trưởng của Cụm, vừa xoa đầu Rơ Mah Kim vừa hào hứng: “Cán bộ, chiến sĩ ở đây đa phần là những người con xa xứ, công tác ở vùng đất Tây Nguyên cách quê nhà cả ngàn cây số, thế nên hay có cảm giác “thèm người”, thành ra rất quý các thầy-cô giáo và các em học sinh. Mặc dù công tác huấn luyện còn nhiều gian truân nhưng để cùng chung tay ươm những mầm xanh tri thức thế này, chúng tôi luôn sẵn lòng”.
Những nỗ lực của người chiến sĩ vùng biên cương được thầy giáo Nguyễn Thanh Cường-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi kể lại bằng niềm xúc động: “Được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị đứng chân trên địa bàn, chúng tôi thêm vững tin bước những bước thật dài trên sự nghiệp “trồng người”. Không chỉ nhận hỗ trợ hàng tháng cho 4 học sinh vượt khó (mỗi suất quà trị giá 500 ngàn đồng), các đồng chí ấy còn kịp thời động viên nhà trường như gửi hoa chúc mừng thầy cô, tặng hàng chục bộ quần áo, cặp sách cho các em học sinh mỗi dịp lễ Tết. Xin cảm ơn tấm chân tình của người chiến sĩ”.
Có lẽ không cần nói thêm điều gì nữa về những đóng góp thầm lặng của các thầy-cô giáo và đặc biệt là các anh chiến sĩ nơi miền biên giới xa xôi cho sự nghiệp chung của đất nước. Vẫn còn đâu đó các em học sinh cần được nâng bước trên con đường đi tìm cái chữ. Hành trình ươm mầm xanh cho tương lai sẽ còn rất dài và rất gian nan, nhưng tin tưởng rằng những con người sống tràn đầy nhiệt huyết như thế sẽ không ngại khó, ngại khổ.
Lữ Hồng