Mỗi khi nghĩ về quãng tuổi thơ êm đềm và tràn đầy màu sắc của mình, tôi lại thấy tội cho những đứa con của tôi và không ít những đứa trẻ ở xung quanh tôi.
Ảnh minh họa |
Đời sống hiện đại đã vô tình làm cuộc sống của nhiều đứa trẻ thiếu đi sự bình yên, trong sáng và ngây thơ cần phải có. Hãy nhìn vào không gian sống của con em chúng ta xem: những bức tường kín trong những ngôi nhà ở thành phố, những phòng học với những kiến thức siêu phàm, thế giới ảo mênh mông của điện thoại, laptop, Internet...
Có một thực trạng đáng buồn là con em chúng ta đang phải oằn mình gánh những kiến thức không đúng độ tuổi. Nhiều phụ huynh có quan niệm càng học sớm càng tốt nên ngay từ khi chưa đến tuổi tới trường đã bắt con đi học các lớp tập viết, luyện chữ, đến lúc đi học lại căng mình học thêm những kiến thức mới.
Chúng ta cho rằng con mình phải học thật giỏi, phải có điểm số thật cao thì mới mong sau này được thành danh hơn người. Từ đó, chúng ta đã đánh cắp đi tuổi thơ của các em, đánh cắp những kỳ nghỉ chính đáng của con em mình.
Những mùa hè của tuổi thơ cũng bỗng nhiên bị biến thành những kỳ học tăng cấp, nâng cao theo nhu cầu của chính người lớn.
Hãy nhìn trẻ em ở các nước bằng tuổi con em chúng ta đang học như thế nào?
Ở Thụy Điển, các em đến trường chỉ áp dụng hai bộ sách giáo khoa (một bộ để ở nhà và một bộ để ở trường) nên đi học chỉ mang chai nước.
Ở Nhật Bản, trẻ em mầm non đến trường chỉ cần học xách túi mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ, học thay quần áo, mặc quần soóc vào mùa đông... Từ tấm bé, trẻ em Nhật đã được tập cho bản tính tự lập, biết cười nhiều hơn, biết cảm ơn khi nhận sự giúp đỡ và đặc biệt biết rèn luyện sức khỏe để trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn trong cuộc sống.
Còn những bà mẹ Mỹ, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho con các kỹ năng tự phục vụ bản thân, bao gồm: buộc dây giày, mặc quần áo, cài cúc áo, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm...
Còn Việt Nam mình thì sao? Chúng ta đang chăm chăm dạy cho con những thứ kiến thức cao siêu, nhưng ít chú trọng việc dạy cho con những kỹ năng cơ bản nhất như chào hỏi, tự đi giày, tự xúc cơm ăn...
Chúng ta chỉ lo chỉ bảo con những suy nghĩ ở tầm “người lớn” mà lại tự làm thay hết thảy những công việc ở độ tuổi các con cần phải biết, đơn giản như xách túi, cài cúc áo, đánh răng...
Và hậu quả tất yếu là con em chúng ta đang quên đi chính độ tuổi của mình. Chúng ta có nên hãnh diện không khi các con đang phát ngôn theo kiểu người lớn, ăn cũng theo kiểu người lớn, thậm chí vui chơi cũng theo kiểu người lớn?...
Giữa cuộc sống xô bồ này, cảm giác bình yên và hạnh phúc đôi khi chỉ là được nghe những câu nói ngây ngô của những đứa trẻ, được ngắm nhìn các em chạy nhảy, hay vui chơi những trò chơi đích thực của trẻ con...
Tôi cũng tin có nhiều đứa trẻ ở cuộc sống hiện tại đang mơ một giấc mơ tưởng chừng như quá giản dị là được sống đúng độ tuổi và được trải nghiệm tuổi thơ đúng nghĩa của mình.