Chuẩn bị khởi công 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các chủ đầu tư, ban QLDA đang rốt ráo triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu để khởi công 14 dự án.
 

 
Sau hơn 10 năm khai thác, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp chưa được đại tu nâng cấp, mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa không đáp ứng yêu cầu vận tải. Ảnh: Gia Minh
Sau hơn 10 năm khai thác, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp chưa được đại tu nâng cấp, mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa không đáp ứng yêu cầu vận tải. Ảnh: Gia Minh



Đây là 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.

Đường bộ tiên phong, bắt đầu khởi công từ tháng 9/2019

Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi xuyên 4 tỉnh miền Tây gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là một trong 14 công trình giao thông quan trọng cấp bách đang được Bộ GTVT giao Ban QLDA 7 triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng với mục tiêu cải tạo, tăng cường kết cấu mặt đường toàn bộ 112km bằng bê tông nhựa nóng, đầu tư thêm một đơn nguyên cầu Cái Nhúc đoạn qua nội đô TP Cà Mau… thay cho mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 cho biết, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu được xây dựng năm 2005 và đưa vào khai thác từ năm 2009 đã phá thế độc đạo của QL1, rút ngắn quãng đường khoảng 50km từ Cần Thơ đến Cà Mau. Tuy nhiên, sau 10 năm sử dụng, chưa một lần được đại tu nâng cấp nên chất lượng khai thác của tuyến, nhất là mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa hiện nay không đáp ứng được nhu cầu vận tải do lưu lượng phương tiện lưu thông tăng nhanh và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

“Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp rất cấp bách. Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 3/2019 với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng và đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Dự kiến, trong quý IV/2019, dự án sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành trong năm 2020”, ông Khánh nói.

Một dự án giao thông quan trọng cấp bách khác tại miền Tây cũng do Ban QLDA 7 làm đại diện chủ đầu tư là công trình cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn dài 52km, tổng mức đầu tư 1.202 tỷ đồng. “Dự án đang trong giai đoạn thiết kế, công tác GPMB cũng đã được tích cực triển khai, hiện chỉ còn vướng mắc một vài km. Dự kiến, trong tháng 9, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu xây lắp để khởi công dự án trong tháng 10/2019”, ông Khánh chia sẻ.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, dự án cải tạo tuyến đường nối hai QL4C - 4D cũng đang được Ban QLDA6 gấp rút triển khai sau gần 10 năm công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ. Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban QLDA 6) cho biết, trước đây, dự án được phê duyệt có chiều dài 98km và đã thi công hoàn thành 49km, còn khoảng 30km thi công dang dở và 20km chưa đầu tư do bị đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ.

“Vừa qua, dự án đã được Quốc hội chấp thuận thông qua đưa vào danh mục 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách và được bố trí 430 tỷ đồng để triển khai tiếp 30km thi công dang dở trước đây. Do dự án bảo lưu hợp đồng với các nhà thầu trước đây nên chúng tôi đang trình Bộ GTVT xem xét, quyết định. Dự kiến, dự án sẽ khởi công, triển khai thi công trở lại từ tháng 9/2019”, ông Thịnh nói.

Chậm nhất tháng 9/2019, Bộ GTVT phê duyệt 4 dự án đường sắt


 


Điểm danh 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách


- 10 dự án đường bộ (TMĐT: 8.000 tỷ đồng): Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; Dự án QL27 đoạn tránh Liên Khương; Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; Dự án đường nối QL4C và 4D (Km238 - Km414); Dự án QL3B (Km0 - Km 66+600); Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; Dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày.


- 4 dự án đường sắt (TMĐT 7.000 tỷ đồng): Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM".

Theo Nghị quyết của 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách có 4 công trình đường sắt. Trong đó, có tới 3 công trình được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA đường sắt đảm nhiệm vai trò đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt cho biết, hiện cả 3 dự án đều đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến Bộ GTVT sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 9 - 10/2019. “Sau khi dự án được phê duyệt đầu tư, chúng tôi mới tiến hành thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, một số gói thầu đầu tiên của dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM sẽ khởi công vào cuối năm 2019, hai dự án còn lại sẽ khởi công vào quý I/2020”, ông Phương nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 8 dự án đường bộ, còn lại 2 dự án đường bộ (QL24, QL25) và 4 dự án đường sắt sẽ được phê duyệt trong tháng 8 - 9/2019. “Đối với 8 dự án đường bộ đã được phê duyệt dự án đầu tư, hiện đang triển khai công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Dự kiến nhiều gói thầu của 8 dự án này sẽ khởi công từ nay đến cuối năm 2019”.

“Hiện nay, chỉ còn 6 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư. Trong đó, hai dự án nâng cấp, cải tạo QL24 và QL25 sẽ được Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 8/2019 và 4 dự án đường sắt phê duyệt chậm nhất trong tháng 9/2019. Đối với 6 dự án nhóm này, sau khi được phê duyệt dự án đầu tư sẽ triển khai các bước tiếp theo như: Thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công… và phấn đấu cuối năm 2019 sẽ khởi công một số gói thầu”, ông Lâm nói.

Cũng liên quan đến tiến độ của các dự án, tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh các bước tiếp theo. “Chậm nhất, trong năm 2020 phải hoàn thành toàn bộ 10 dự án đường bộ, còn lại 4 dự án đường sắt hoàn thành trước 30/6/2021”, Bộ trưởng yêu cầu.

Ngân Anh (baogiaothong)
 

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.