Chư Sê: Khốn khổ vì hệ thống thoát nước không hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Một số hộ dân ở tổ 5 (thị trấn Chư Sê, Gia Lai) đang khốn khổ vì nước mưa từ hệ thống thoát nước của đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê và quốc lộ 25 (đường 17-3) dồn về gây hư hại công trình xây dựng, nhà cửa, tài sản của họ.
Mặc dù mới chỉ có vài cơn mưa đầu mùa nhưng một số hộ dân tại khu vực nút giao nhau giữa tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê với quốc lộ 25 đã “mất ăn, mất ngủ” vì nước mưa tràn vào nhà, phá hủy công trình hạ tầng, gây hư hại tài sản. Ông Phạm Thế Phương (tổ 5, thị trấn Chư Sê) cho biết: Hôm 11-5, mưa mới chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, nước đã ầm ập dồn về phá vỡ hệ thống tường rào được xây kiên cố bằng gạch, có kè đá móng của gia đình ông. “Cách đây 3 tháng, nhìn cách bố trí hệ thống cống thoát nước với đầu xả ngay trước phần đất của gia đình, tôi đã thấy lo nên bỏ ra gần 40 triệu đồng xây tường rào, đổ đất chèn… Vậy mà, ngay những trận mưa lớn đầu mùa, chuyện này đã xảy ra”-ông Phương nói.
 Phần tường bao, sân phơi của gia đình ông Phạm Thế Phương (tổ 5, thị trấn Chư Sê) bị nước cuốn làm hư hại, nứt vỡ. Ảnh: L.H
Phần tường bao, sân phơi của gia đình ông Phạm Thế Phương (tổ 5, thị trấn Chư Sê) bị nước cuốn làm hư hại, nứt vỡ. Ảnh: L.H
Sau sự cố này, gia đình ông Phương đã bỏ tiền đổ 2 xe tải đất để chặn dòng nước xối thẳng vào hông nhà. Tuy nhiên, trận mưa tiếp sau đó vào ngày 22-5, nước đổ về quá nhiều, tiếp tục phá hủy hệ thống tường rào phía sau. Chưa hết, nước mưa còn tràn vào nhà, làm hư hại tài sản, ngập một số tiện nghi được để tại tầng hầm căn nhà của gia đình. Như vậy, sau 2 trận mưa, gia đình ông Phương đã bị nước mưa phá sập gần 20 m tường rào, gây hư hại phần lớn khu vực sân phơi vừa được gia cố đất nền. Nghiêm trọng hơn, phần sân phơi được láng xi măng trước đó cũng bị sụt lún, nứt vỡ; nhà ở cũng bắt đầu xuất hiện các vết nứt trên tường, dưới nền… Ông Phương lo lắng: “Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, tôi lại đang đau bệnh. Mỗi lần trời kéo cơn mưa, tôi lại lo đến mất ăn, sợ nước lớn đổ về. Đêm hôm ai biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Ở cách nhà ông Phương không xa, hộ ông Mai Đình Đãng và anh Nguyễn Văn Bảy (cùng ở tổ 5, thị trấn Chư Sê) cũng bị nước mưa cuốn sập hàng chục mét tường rào, gây ngập và hư hại nông sản cất trữ trong nhà. Điều đáng nói, các hộ dân này không ở gần miệng cống xả như gia đình ông Phương, thế đất cũng cao ráo hơn. Ông Đãng cho hay: “Nước cống trên đường 17-3 thoát không kịp, tràn ra đường. Khu vực ngã tư nút giao với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê không khác gì một dòng sông, nước chảy rất xiết. Nước và rác chảy vào nhà tôi, cuốn sập 33 m tường gạch kết hợp lưới B40 và làm ngập kho chứa nông sản với 7 tạ cà phê, 4 tạ hồ tiêu”. Cũng theo ông Đãng, sau khi nước rút, lớp bùn đọng lại trên sân nhà ông dày khoảng 30 cm. Số nông sản bị ngập nước, ông phải đem phơi lại và bán vội vì sợ để lâu sẽ ẩm mốc, hư hỏng. Tương tự, hộ anh Bảy cũng bị nước cuốn sập 10 m tường gạch kết hợp lưới B40. “Đến nay, quanh khu nhà chúng tôi có 4 hộ bị nước mưa làm sập tường rào. Không biết ít bữa nữa vào mùa mưa thì sẽ ra sao. Lo nhất là mưa gió diễn ra vào ban đêm, mọi người say giấc thì rất nguy hiểm”-anh Bảy nói.
Theo chia sẻ của các hộ dân, hàng chục năm sinh sống tại khu vực này, họ chưa bao giờ rơi vào cảnh ngập lụt như hiện nay. Ông Phương cho biết: “Khu vực này địa hình trũng thấp, nước lại đổ về từ hệ thống thoát nước của cả 2 tuyến đường lớn. Vì vậy, khi mưa lớn, nước dồn về gây ngập và hư hại nhà cửa, tài sản của chúng tôi. Nếu chủ đầu tư, đơn vị thi công xem xét kỹ đến các yếu tố này và có giải pháp phù hợp thì chúng tôi đâu chịu thiệt hại như hiện nay”.
Sau khi sự cố xảy ra, các hộ bị ảnh hưởng đã báo cáo với chính quyền địa phương, đề nghị vào cuộc xử lý sớm. Ông Trương Thanh Hoài-quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của bà con tổ 5 và báo cáo lên các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân triển khai các giải pháp ứng phó tạm thời. Địa phương cũng đã làm việc với chủ đầu tư, đơn vị thi công để tìm giải pháp xử lý về lâu dài”.
Được biết, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê được khởi công từ giữa tháng 5-2018. Công trình có chiều dài 10,8 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông-Vận tải) làm chủ đầu tư. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục thi công và chờ nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.