Chư Sê: Đường liên xã xuống cấp nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuyến đường từ xã Kong Htok đến xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn đối với việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nền đường đoạn qua cánh đồng bong tróc, sụt lún nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Ảnh: Minh Phương

Nền đường đoạn qua cánh đồng bong tróc, sụt lún nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Ảnh: Minh Phương

Qua lại hàng ngày trên tuyến đường từ xã Kông Htok đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu (xã Ayun), thầy Lê Đình Ngọc cho biết: Ngày nắng thì bụi mù nhưng còn nhìn thấy hố sâu để tránh. Còn mùa mưa thì những hố sâu này như ao nước chắn ngang đường rất nguy hiểm, chỉ cần thiếu quan sát là lập tức bị sập hố. Những lúc thấy xe lớn chạy qua thì xe máy phải tìm chỗ tránh. Tuy nhiên, mặt đường vốn nhỏ hẹp lại bị các hố sâu cản trở nên không biết né vào đâu. Mỗi khi đến đoạn đường này, người dân muốn di chuyển phải luồn lách để né các ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Cũng dạy học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu, thầy Trần Đăng Thành cho hay: Tuyến đường bị hư hỏng như hiện nay là do xe chở cát thường xuyên qua lại. Xe tải trọng lớn trong khi nền đường yếu nên sụt lún tạo thành những hố sâu. Đáng lo ngại nhất là vào mùa mưa, nhiều hố sâu đọng nước rộng đến vài mét, sâu hàng chục centimet.

“Khi các ổ gà đầy nước thì trở thành những “cái bẫy” chực chờ, rất nguy hiểm cho người đi đường. Tôi cũng nhiều lần bị ngã xe trên đoạn đường này. Vậy nhưng không thấy đơn vị nào đứng ra sửa chữa, nhất là đoạn đường đèo Tung Ke hiện nay đang bị hư hỏng nặng. Đèo có độ dốc cao nhưng rất nhiều ổ gà chắn ngang. Vì vậy, nhiều xe bị tắt máy khi đến gần đỉnh đèo. Điều này rất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao”-thầy Thành bức xúc.

Còn anh Đinh Choi (làng A Chông, xã Ayun) cho biết: Mỗi lần di chuyển qua đoạn đường đèo Tung Ke, người dân rất lo sợ. Đường hư hỏng nặng nhiều năm nay nhưng không được duy tu, sửa chữa. Hiện tại, mặt đường bong tróc, đất đá lởm chởm.

“Đường thì hẹp nhưng xe chở cát đá qua lại tạo thành những hố sâu nguy hiểm. Mình cũng từng bị trượt ngã do sụp xuống ổ gà. Mong Nhà nước quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện hơn”-anh Choi kiến nghị.

Mùa mưa, những hố sâu ngập nước chắn ngang đường rất nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: M.P

Mùa mưa, những hố sâu ngập nước chắn ngang đường rất nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: M.P

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: Tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân trên địa bàn xã. Nghiêm trọng hơn là đã có nhiều vụ va chạm giao thông do né xe lớn, tránh ổ gà hay bị sụp hố sâu. Nếu không kịp thời đầu tư nâng cấp, sửa chữa thì nguy cơ mất an toàn giao thông ở đoạn tuyến này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Chiến-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê-cho hay: Tuyến đường bị xuống cấp là do xe quá tải lưu thông nhiều. Huyện đã bỏ kinh phí vá trám tạm thời những ổ gà đoạn đỉnh đèo cho người dân đi lại, tránh nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng thời, lực lượng Công an thường xuyên tuần tra, xử lý xe quá tải trên đoạn đường này nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê thông tin thêm: Dù bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong đi lại của người dân nhưng huyện không bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa vì tuyến đường này đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 392/NQ-HĐND ngày 17-6-2021. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, kinh phí đầu tư làm đường từ xã Kông Htok đi xã Ayun khoảng 27 tỷ đồng.

“Đoạn tuyến có chiều dài khoảng 6 km, chúng tôi đang chuẩn bị tập trung máy móc, vật liệu để triển khai thi công từ đầu năm 2024. Trong đó, ưu tiên làm trước đoạn đường đèo để tạo điều kiện thuận lợi cho dân đi lại vì hiện đoạn này bị hư hỏng nặng, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao”-ông Chiến nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Xe đưa đón cán bộ công chức xuống Quy Nhơn làm việc

Nhu cầu đi lại tuyến Pleiku-Quy Nhơn tăng đột biến sau khi sáp nhập tỉnh

(GLO)- Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai đặt trụ sở hành chính tại phường Quy Nhơn. Nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Gia Lai (cũ) đến nơi làm việc mới cũng tăng mạnh, kéo theo hoạt động vận tải hành khách tuyến Pleiku-Quy Nhơn và ngược lại cũng tăng đột biến.

Suối Bứa lại tiếp tục bị băm nát

Suối Bứa lại tiếp tục bị băm nát

(GLO)- Hoạt động khai thác cát trái phép tại suối Bứa (đoạn qua xóm 2, thôn Long Thành, phường Quy Nhơn Tây) tưởng chừng đã chấm dứt nay lại tiếp tục diễn ra rầm rộ bằng các loại máy móc phương tiện khiến người dân lo lắng, bất an.

null