Chư Prông: Hiệu quả từ các tổ hòa giải ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải nên những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân được các tổ hòa giải và chính quyền địa phương thuộc huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) giải quyết ngay từ cơ sở.
Gần 5 năm làm Trưởng thôn 1 (xã Thăng Hưng), ông Nguyễn Văn Mật đã cùng với các hội, đoàn thể địa phương hòa giải thành công hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân trong thôn.
“Có những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết kịp thời sẽ nảy sinh phức tạp, thậm chí vi phạm pháp luật. Là thành viên tổ hòa giải thôn, tôi luôn có mặt hòa giải kịp thời khi có xích mích xảy ra; kiên trì phân tích, thuyết phục mọi người bớt nóng giận, bình tĩnh cùng nhau bàn bạc tìm ra hướng xử lý tốt nhất”-ông Mật chia sẻ.
Nhờ những người tiên phong như ông Mật nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Thăng Hưng tỷ lệ hòa giải thành công các vụ việc phát sinh trong nhân dân đạt khoảng 80%.
Do tranh chấp đất nên gia đình ông Rơ Mah Tân và ông Nguyễn Văn Thuấn (cùng trú làng Chư Kó, xã Ia Púch) thường to tiếng với nhau, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Sau khi nắm thông tin, UBND xã Ia Púch đã thành lập tổ hòa giải gồm đại diện chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tiến hành hòa giải. Sau quá trình phân tích và căn cứ vào bản đồ địa chính cũng như nhân chứng, tổ hòa giải xác định: Nguồn gốc phần đất là của hộ ông Tân. Khi đó, ông Thuấn mới công nhận việc tranh chấp của mình là không đúng. Từ đó, mâu thuẫn giữa 2 gia đình được giải quyết.
Các thành viên tổ hòa giải thôn 1 (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) trao đổi kinh nghiệm công tác. Ảnh: Thiên Thanh
Các thành viên tổ hòa giải thôn 1 (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) trao đổi kinh nghiệm công tác. Ảnh: Thiên Thanh
Từ đầu năm đến nay, 163 tổ hòa giải với 850 hòa giải viên trên địa bàn huyện Chư Prông đã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 81 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp. Kết quả, đã hòa giải thành công 76 vụ việc. Để đạt được kết quả đó, thời gian qua, UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2021”.
Theo đó, UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập đội ngũ cán bộ tham gia tập huấn viên về hòa giải cơ sở cấp huyện gồm 5 người. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban và xã, thị trấn tập trung kiện toàn các tổ hòa giải theo quy định; tập huấn chuyên môn, kỹ năng và kiến thức pháp luật cho hòa giải viên. Hướng dẫn công chức Tư pháp xã, thị trấn phối hợp củng cố, kiện toàn hoạt động hòa giải ở các thôn, làng.
Nói về công tác hòa giải trên địa bàn, ông Trần Hiếu-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Prông-cho biết: “Hiện nay, thị trấn có 9 tổ hòa giải với 46 thành viên, trong đó có 7 thành viên là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, đội ngũ này đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần giữ vững an ninh trật tự, thắt chặt tình đoàn kết của người dân. Chúng tôi luôn xác định, để làm tốt công tác này thì đội ngũ hòa giải viên khi giải quyết các mâu thuẫn, phải nắm rõ các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của khu dân cư để từ tốn phân tích, chỉ rõ cho các bên nhận ra cái đúng-sai của từng người rồi thông cảm, làm hòa với nhau”.
Trên thực tế, nhiều tổ hòa giải có không ít khó khăn khi đối mặt với những trường hợp người dân không thông cảm vì cho rằng hòa giải viên đang “lo chuyện bao đồng” xen vào chuyện riêng tư của gia đình họ. Trong khi các mâu thuẫn thường đa dạng và phức tạp nên phải tập trung nghiên cứu, nắm rõ, phân tích sự việc có lý, có tình thì mới đạt kết quả cao. Xác định những khó khăn đó, nhiều năm qua, huyện Chư Prông đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên đồng thời bố trí kinh phí để các tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Nghị-Trưởng phòng Tư pháp huyện-cho hay: Thông qua công tác hòa giải, bằng sự khéo léo của các hòa giải viên, nhiều vụ cãi vã, tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn được giải quyết triệt để, thấu tình, đạt lý. Qua đó, góp phần ngăn ngừa những việc có thể dẫn tới vi phạm pháp luật, hạn chế được việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, giữ bình yên trong nhân dân; đồng thời, tăng cường tình đoàn kết buôn làng.
THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.