(GLO)- Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững nên bộ mặt nông thôn và đời sống người dân huyện Chư Pah, Gia Lai ngày một đổi thay.
Nông thôn khởi sắc
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Chư Pah khởi sắc nhanh chóng. Đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện có 2 xã Nghĩa Hưng và Ia Nhin đạt chuẩn NTM; xã Nghĩa Hòa phấn đấu cuối năm 2018 cán đích NTM.
Ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã huy động 128,274 tỷ đồng để triển khai làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng trường học, công trình thủy lợi, hội trường xã, nhà văn hóa thôn, nhà làm việc của Công an, Ban Chỉ huy Quân sự xã, mắc điện chiếu sáng và hoàn thiện hệ thống một cửa. Huyện cũng tập trung tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Ngoài ra, huyện còn thành lập được 2 hợp tác xã nông nghiệp, bước đầu hoạt động hiệu quả.
Một góc huyện Chư Pah. Ảnh: Đ.Y |
“Cái được lớn nhất trong phong trào xây dựng NTM là nhận thức của đa số người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực. Người dân thực sự phát huy quyền làm chủ theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Qua đó, nhiều cách làm sáng tạo được phát huy. Các tiêu chí NTM của các xã được nâng cao về số lượng và chất lượng. Người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông và đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng NTM. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, người dân trên địa bàn đã đóng góp được gần 2,7 tỷ đồng để xây dựng NTM”-ông Đặng Công Lâm cho biết thêm.
Một trong những xã có sự thay đổi rõ nét nhất là Nghĩa Hưng. Theo ông Nguyễn Công Minh-Chủ tịch UBND xã, người dân địa phương vui mừng vì việc xây dựng NTM mang lại lợi ích thiết thực. Họ thấy được trách nhiệm, vai trò của mình trong xây dựng NTM, đó là trực tiếp theo dõi, quản lý, giám sát đầu tư các công trình trên địa bàn; chủ động góp ngày công và kinh phí để xây dựng các công trình... Nhờ đó, vệ sinh môi trường được cải thiện, an ninh nông thôn được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Nhiều hộ nghèo nỗ lực vươn lên
Năm 2018, Chư Pah phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên (tương đương với 634 hộ nghèo). Ông Rơ Châm Giang-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện-cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020, từ những chính sách hỗ trợ, đời sống của hàng ngàn hộ nghèo và cận nghèo được cải thiện, các dịch vụ xã hội cơ bản được đáp ứng, thu nhập được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giảm được 313 hộ nghèo. Chương trình 135 cũng đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số... Chương trình còn giúp thực hiện giảm nghèo thông qua các dự án khuyến nông-lâm-ngư nghiệp; huy động thêm nguồn lực để xây mới, sửa chữa 26 căn nhà giúp hộ nghèo khó khăn về nhà ở.
Là một trong những hộ nghèo của làng Mrông Ngó 3 (xã Ia Ka), từ năm 2017 đến nay gia đình anh Rơ Châm Ghri đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập gần 80 triệu đồng từ cà phê, bời lời, lúa nước 2 vụ. Anh Ghri chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ giống cây trồng, tập huấn kỹ thuật trồng cà phê, bời lời, lúa nước, không chỉ riêng tôi mà nhiều gia đình trong làng đã vượt qua đói nghèo”.
Tương tự, trước đây gia đình chị Ksor HPhưn (làng Brông, xã Nghĩa Hưng) thuộc diện nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Từ năm 2015, nhờ tham gia mô hình “Hỗ trợ giống heo rừng cho thanh niên” do Huyện Đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thực hiện và được hỗ trợ giống cà phê tái canh, được tập huấn trồng xen cây ăn quả trên diện tích cà phê tái canh, gia đình chị HPhưn giờ đây có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Đinh Yến