Chư Nghé: Nửa thế kỷ hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bố phòng hết sức kiên cố, có lực lượng và hỏa lực mạnh với hệ thống lô cốt, hầm hào, công sự vững chắc, Tiểu đoàn 80 Biệt động quân (Quân đoàn 2 ngụy) từng tự tin tuyên bố về cứ điểm biên phòng Chư Nghé: “Khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược, con cóc mọc râu thì Chư Nghé mới thất thủ”. Vậy nhưng, ngày 22-9-1973, cứ điểm này bị xóa sổ bởi tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3).

Ký ức hào hùng

Sáng 22-9, tại hội trường UBND xã Ia Krai, UBND huyện Ia Grai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé (22/9/1973-22/9/2023). Tham dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo HĐND tỉnh, đại diện các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành cùng đông đảo cựu chiến binh Trung đoàn 48 và cán bộ, người dân xã Ia Krai.

Đáng tiếc, vì lý do sức khỏe, một số cán bộ từng tham gia chỉ huy trận đánh không đến tham dự được, trong đó có Trung tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320. Gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Ngọc Chung-nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, người trực tiếp chỉ huy trận đánh cứ điểm Chư Nghé trân trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: L.N

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: L.N

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng ôn lại ký ức hào hùng của trận đánh có ý nghĩa đặc biệt. Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Ia Grai là địa bàn chiến lược quan trọng của cả ta và địch trên chiến trường Gia Lai, Kon Tum và cả Tây Nguyên. Sau khi ký kết Hiệp định Paris 1973, nhằm ngăn chặn quân ta mở rộng vùng giải phóng, địch một mặt tăng cường lùng sục các căn cứ cách mạng, mặt khác thành lập các cụm trung tâm phòng thủ. Trong số này, địch cho xây dựng căn cứ Chư Nghé trên một đồi cao (cứ điểm Lệ Ninh, nay thuộc làng Doch Ia Krót, xã Ia Krai, cách trung tâm thị trấn Ia Kha khoảng 38 km), được bố phòng hết sức kiên cố, nghiêm ngặt, có yểm hộ phi pháo.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 320 đã mở đợt tiến công vào khu vực phía Tây của thị xã Pleiku nhằm phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 giữ vững phía Bắc thị xã Kon Tum và các đơn vị đánh địch lấn chiếm trên các trục đường 19, 14. Đầu tháng 9-1973, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 mở đợt tấn công địch, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé. Sau đó, Sư đoàn 320 chính thức giao cho Trung đoàn 48 làm nhiệm vụ phối hợp với du kích địa phương và người dân trên địa bàn huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krai) quyết tâm xóa sổ cứ điểm này.

Triển lãm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Lam Nguyên

Triển lãm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Lam Nguyên

Vào lúc 13 giờ ngày 22-9-1973, Thiếu tá Trần Ngọc Chung-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 hạ lệnh tiến công. Bị bất ngờ, địch lúc đầu hoảng loạn, nhưng sau chống trả quyết liệt, gọi phi pháo và máy bay yểm trợ, đánh trả. Tuy nhiên, nhờ sự dũng cảm, mưu trí và hiệp đồng tác chiến hiệu quả của các binh chủng, thế trận bao vây cứ điểm Chư Nghé ngày càng siết chặt, mọi cuộc phản công của địch đều bị thất bại. Đến 16 giờ 40 phút cùng ngày, Trung đoàn 48 đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Toàn bộ Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị ta bắt sống và tiêu diệt gọn; quân ta còn thu 50 tấn đạn và nhiều vũ khí, trang bị khác.

Chiến thắng Chư Nghé được xem là đòn trừng trị thích đáng, là lời cảnh cáo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình chống lại nguyện vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc, phá hoại Hiệp định Paris. Chiến thắng này còn giúp ta mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng đường hành lang tiếp vận chiến lược lương thực, tạo khí thế mới cho quân và dân trong tỉnh cũng như cả mặt trận Tây Nguyên, góp phần giữ vững vùng giải phóng, đảm bảo hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Ở khía cạnh quân sự, chiến thắng này còn đánh dấu bước phát triển nhiều mặt trong phương thức tác chiến tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa bàn rừng núi.

Nói cách khác, Chiến thắng Chư Nghé đã “nhổ một cái gai cắm sâu” giữa vùng giải phóng của ta, động viên các lực lượng, các cấp, địa phương kiên quyết và chủ động tấn công địch trên các mặt. Chiến tranh du kích từ đây lại bùng lên mạnh mẽ và diễn ra khắp các nơi tiếp giáp với địch… Đối với vùng giải phóng Tây Nam Pleiku và vùng hành lang chiến lược, việc xóa căn cứ Chư Nghé có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Những con đường chiến lược chi viện cho mặt trận phía Nam, đường ống dẫn dầu vào Đông Nam Bộ được mở gấp qua vùng này đã được giữ bí mật cho đến mùa xuân năm 1975.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 16-11-2018, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Kế thừa, phát huy truyền thống

Để có được chiến thắng Chư Nghé, ngoài khả năng nắm bắt, dự đoán tình hình, sự chỉ đạo tài tình của chỉ huy Sư đoàn 320 và Trung đoàn 48 còn có sự tham gia và ủng hộ to lớn của bộ đội địa phương cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ia Grai. Họ tham gia vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men, che giấu cán bộ, bộ đội, cung cấp thông tin về tình hình quân địch, làm nhiệm vụ chỉ đường, hoa tiêu, giúp cho bộ đội ta tiếp cận và bao vây căn cứ Chư Nghé, bố trí công sự hoàn toàn bí mật cho đến lúc tiến công, giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất.

Từng là du kích địa phương tham gia trận đánh, ông Phơn xúc động bày tỏ: “Ngày hôm nay là kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé. Mình và đồng đội tự hào về chiến thắng này”. Tại lễ kỷ niệm, ông là 1 trong 14 cá nhân được tri ân vì đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu làm nên chiến thắng Chư Nghé cũng như có thành tích trong công tác lập hồ sơ, xây dựng, bảo tồn di tích.

Từng vài lần trở lại thăm chiến địa xưa, song dịp lễ trọng này gợi lên trong lòng Đại tá Nguyễn Thế Tân-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, hiện là Phó Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 những xúc cảm sâu sắc khi trở về trong những cái ôm thân tình đồng đội, giữa tiếng cồng chiêng rộn rã đón chào của người dân địa phương. “Sau nửa thế kỷ, tôi nhận thấy những đổi thay lớn lao ở vùng đất từng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Chiến thắng Chư Nghé là niềm tự hào rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ia Grai, do đó sẽ là động lực thúc đẩy địa phương phát triển”-ông Tân chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-khẳng định: Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thế hệ trẻ huyện Ia Grai thành kính dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Lam Nguyên

Thế hệ trẻ huyện Ia Grai thành kính dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Lam Nguyên

Theo Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ia Grai luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giữa nhiệm kỳ đa số đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả. Đáng chú ý, vùng dân tộc thiểu số ngày càng thay da đổi thịt; chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế có nhiều chuyển biến rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đều qua các năm. Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện các năm trở lại đây luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh, thể hiện khát vọng và quyết tâm trong phát triển huyện nhà.

Nói về việc đầu tư, tôn tạo Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé, ông Lê Ngọc Quý cho hay, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 để di tích quy mô hơn, khang trang hơn. “Tuy nhiên, do nguồn kinh phí ngân sách còn hạn hẹp nên huyện mong được các doanh nghiệp, cá nhân cùng đồng hành, chung tay tôn tạo để nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều du khách, các bạn trẻ, học sinh trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc”-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.