Vừa qua Báo Gia Lai nhận được đơn của ông Siu Veng đại diện cho 15 hộ dân sống tại các thôn: Ksing A, B, C, Kmek thuộc xã Ia Piar, huyện Phú Thiện khiếu nại việc ông Trần Ngọc Khuyến ở tổ 6, thị trấn Phú Thiện và ông Nguyễn Tiến Hải ở thôn Ksing B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện đã tự ý mở một con đường đi qua đất sản xuất của dân để vào bãi khai thác cát. Quá trình xe chở cát đã vương vãi, đổ dầu mỡ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của dân làng…
Qua xác minh chúng tôi nhận thấy sự việc cụ thể như sau: Ngày 8-1-2010, UBND xã Ia Piar đồng ý cho DNTN Phương Đông của ông Trần Ngọc Khuyến làm đường đi xuống sông Ayun để khai thác cát. Sau đó, ông Trần Ngọc Khuyến và ông Nguyễn Tiến Hải đã mở một con đường rộng 10 mét, dài 500 mét từ đoạn gần chân cầu 42 đi men theo bờ sông Ayun xuống bãi cát để khai thác cát. Con đường đi sát vào cuối bờ ruộng của dân đang sản xuất.
Theo hiện trạng thì mặt ruộng lúa của dân cao hơn mặt đường chừng 2 mét. Nền đường ngăn cách với bờ ruộng bởi một rãnh thoát nước rộng chừng 1,5 mét; ngăn cách giữa rãnh thoát nước với bờ ruộng của dân có nhiều đoạn bờ rào bằng hàng cây tre cao hơn chục mét. Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, hiện trạng con đường so với ruộng lúa của dân đang sản xuất vào thời điểm hiện tại là không có ảnh hưởng gì. |
Con đường và bờ ruộng bị ngăn cách bởi rãnh thoát nước rộng chừng 1,5 mét. Ảnh: Đ.P |
Để tìm hiểu thêm sự việc trên, chúng tôi đã làm việc với ông Mai Chí Toan-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện, ông Toan cho biết từ ngày 3 đến ngày 9-6-2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Ia Piar, đại diện DNTN Phương Đông và 15 hộ dân khiếu kiện trên tiến hành hòa giải và đi đến kết luận sẽ thống nhất kiểm tra bề rộng lòng sông Ayun tại bản đồ và trên thực tế. Qua kiểm tra trên bản đồ cho thấy khu vực DNTN Phương Đông khai thác cát có chiều rộng lòng sông lớn nhất là 163 mét và nhỏ nhất là 158 mét. Qua đo đạc thực tế thì tổng chiều ngang đo được (từ mép sông Ayun phía xã Ia Yeng đến mép rẫy Ma Hyong-phần đất tranh chấp) là 168,5 mét. Ông Toan nói: “Quá trình đo đạc giữa thực tế và bản đồ sai lệch là 3,26%. Do đo trên bản đồ theo một đường thẳng nhưng khi đo thực tế (đo bằng dây căng ngang qua sông có độ võng) có sự sai lệch 3,26% nằm trong ngưỡng cho phép. Thế nhưng sau khi đo đạc xong các hộ dân đã bỏ về không ký biên bản về việc đo đạc trên. Qua các buổi làm việc trên, việc 15 hộ dân khiếu kiện DNTN Phương Đông làm đường đi lấn vào đất của các hộ dân là chưa đủ cơ sở”.
Tuy nhiên, theo ông Toan cho biết thêm, xét về yếu tố lịch sử thì phần đất từ cuối mép ruộng xuống đến bờ sông Ayun (có cả con đường xuống bãi cát đang xảy ra tranh chấp) lâu nay thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước. Từ năm 2009 trở về trước các hộ dân nói trên đã trưng dụng phần đất này để trồng trọt làm kinh tế phụ nhưng không đóng thuế, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Từ năm 2009 khi chính quyền cấp phép cho DNTN Phương Đông khai thác cát và làm đường ra bãi cát khiến cho người dân bị thiệt hại một số cây trồng, mất đi nguồn thu nhập kinh tế phụ là có thật. Nhưng trên thực tế chỉ có 10 hộ dân bị ảnh hưởng, còn 5 hộ khác đã cùng ký tên trong đơn khiếu nại trên là không bị thiệt hại gì”- ông Toan nói.
Ngày 31-7-2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện đã phối hợp với UBND xã Ia Piar, tiến hành hòa giải giữa DNTN Phương Đông với 10 hộ dân khiếu kiện vì có quyền lợi bị ảnh hưởng nói trên. Theo biên bản thỏa thuận, cả 10 hộ dân nói trên đã thống nhất “nhận thấy rằng việc tranh chấp đòi lại đất vệ dòng sông Ayun với DNTN Phương Đông đang khai thác vận chuyển cát là sai, vì đất trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước. Nay DNTN Phương Đông đã đồng ý hỗ trợ cho 10 hộ, mỗi hộ 1 triệu đồng thay cho việc thiệt hại số hoa màu”.
Đến nay các hộ dân đã thống nhất rút lại đơn khiếu nại, không yêu cầu giải quyết tranh chấp nữa.
Đức Phương