(GLO)- Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, nhân dân cả nước trong tuần là việc ông Đinh La Thăng-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, bị cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì liên quan đến 2 vụ án lớn xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thời ông còn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Sự kiện cho thấy quyết tâm đấu tranh tới cùng với nạn tham nhũng của Đảng ta.
Ảnh internet |
Đây là hình thức xử lý tiếp theo, khi trước đó, ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh do những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian ông đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Khi ấy, trả lời cử tri quận Ba Đình (TP. Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đây mới chỉ là xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, còn vấn đề hình sự vẫn đang làm và tiếp tục làm, sẽ xử lý hàng loạt cán bộ giữ các vị trí chủ chốt của Tập đoàn, trên tinh thần kiên quyết thải loại những cán bộ tự diễn biến, tự chuyển hóa, những người có trách nhiệm liên quan đến sai phạm nghiêm trọng này”.
Trên tinh thần ấy, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng-chống tham nhũng, cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, kết luận về 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, khi gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Đại Dương và vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định tạm dừng sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy đối với ông Đinh La Thăng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tước quyền miễn trừ của ông, theo các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an.
Không phủ nhận những điều ông Đinh La Thăng đã làm được khi giữ những chức vụ quan trọng sau này. Nhưng ông cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của người đã từng đứng đầu một tập đoàn kinh tế lớn của đất nước mà lại để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, để cho nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn mặc thức tham ô, vơ vét tiền của Nhà nước, làm lợi cho bản thân, gia đình, phe nhóm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, để rồi chính bản thân ông cũng không thoát khỏi vòng xoáy của tiền bạc-chức quyền-bổng lộc ấy.
Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ 12 đến nay, Đảng ta đã kỷ luật không dưới 20 cán bộ cao cấp từ mức khiển trách trở lên. Đó là những cán bộ lãnh đạo đương chức ở các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Hậu Giang và cán bộ lãnh đạo các bộ: Công thương, Nội vụ và lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam. Không những thế, một số cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật do những sai phạm trong thời gian đương chức ở các tỉnh, thành: Hậu Giang, Bình Định, Gia Lai, Hải Phòng và nguyên lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ngoài ra, hàng loạt cán bộ đương chức hay từng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc của một số tập đoàn kinh tế lớn cũng bị xử lý kỷ luật, có người đã bị khởi tố hình sự.
Luật pháp bất vị thân, khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi đảng viên phải tuân thủ Điều lệ Đảng và đều bình đẳng trước pháp luật. Ai có sai phạm cũng phải xử lý, sai đến đâu xử đến đó, không phân biệt chức quyền địa vị, không phân biệt quan hay dân. Cán bộ chức càng cao, càng phải chịu trách nhiệm lớn hơn trước pháp luật, trước Đảng, trước nhân dân. Khi những sai phạm được làm rõ, khi đã có những hình thức kỷ luật tương xứng, thấu tình đạt lý, sẽ khẳng định được tính nghiêm minh của luật pháp, sự nghiêm túc, trong sạch của Đảng, cho thấy cam kết “nói đi đôi với làm”, không có vùng cấm trong Đảng đã được thực hiện.
Việc quyết tâm làm rõ những sai phạm của ông Đinh La Thăng cho thấy một điều rõ ràng rằng, khi “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không nói chỉ để làm vui lòng cử tri mà ông làm thực. Quyết tâm ấy đã khơi dậy mạnh mẽ niềm tin trong nhân dân vào Đảng, vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng bài bản, nghiêm minh mà cũng rất nhân văn của người đứng đầu Đảng ta.
Việc kỷ luật và khởi tố ông Đinh La Thăng cũng cho thấy công tác bố trí, quản lý, giám sát, xử lý, đánh giá cán bộ còn nhiều vấn đề. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần nghiêm khắc nhìn nhận đúng thực tế vấn đề để rút ra những bài học sâu sắc trong công tác cán bộ, để một bộ phận cán bộ của Đảng không có điều kiện lún sâu vào sai lầm nghiêm trọng; để người đứng đầu Đảng ta không còn phải khổ tâm, đau xót khi phải xử lý kỷ luật những cán bộ từng là đồng chí, đồng đội của mình.
Nguyễn Vân