Hôm 18-4, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe chia sẻ bài viết "Khi khó khăn mới biết ai là bạn", sau khi nhận 100.000 khẩu trang là quà tặng từ Việt Nam gửi đến người dân Thụy Điển một ngày trước đó.
Lễ trao tặng vật tư y tế hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Nhật Bản - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO |
Bà Ann Måwe kể khi Việt Nam khó khăn nhất, Thụy Điển là đối tác tin cậy và người bạn tốt. Như Thụy Điển đã giúp đào tạo, nâng cao năng lực của các bác sĩ Việt Nam và chuyên gia y tế công cộng trong thời kỳ đổi mới.
Còn bây giờ, Thụy Điển gặp khó (13.216 ca nhiễm và 1.400 người chết tính đến chiều 18-4, giờ Việt Nam), bệnh viện có nhu cầu rất lớn về thiết bị y tế và bảo hộ. Bà Ann Måwe nói rất tự hào "khi Thụy Điển đang cần nhất, Việt Nam là một đối tác tin cậy và là người bạn tốt".
Trước đó, Việt Nam cũng tặng khẩu trang và vật tư y tế cho các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, những nơi đang bị thiệt hại nặng vì dịch bệnh.
Chia sẻ về món quà 250.000 khẩu trang của Việt Nam, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói đó là sự động viên tinh thần to lớn, gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau mà Việt Nam dành cho Mỹ. Còn thượng nghị sĩ Tom Cotton của Đảng Cộng hòa bày tỏ trên Twitter rằng: "Chúng tôi mãi biết ơn sự giúp đỡ từ những người bạn của chúng tôi ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn!".
Số khẩu trang trên có giá trị vật chất không lớn nhưng thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam "một miếng khi đói bằng một gói khi no" và tinh thần đoàn kết quốc tế khi dịch bệnh hoành hành.
Tinh thần này cũng được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh truyền tải trong cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh vì chủ nghĩa đa phương ngày 16-4 do Đức chủ trì. "Tăng cường đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO); tăng cường hiệu quả hoạt động của WHO nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ các nước đang phát triển. Trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ đóng góp vào nỗ lực này và sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế 'made in Vietnam'" - Phó thủ tướng nêu.
Ngoài "cho và nhận" các thiết bị y tế, Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng tích cực "cho và nhận" thông tin và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho các nước ở các cuộc họp song phương lẫn diễn đàn đa phương.
Trong nguy có cơ. Đại dịch này sẽ giúp chúng ta nhận ra những người bạn tốt đích thực khi giúp chúng ta trong lúc khó khăn. Đại dịch cũng giúp chúng ta nhận ra sự đoàn kết quốc tế sẽ giúp thế giới nhanh chóng vượt qua đại dịch, và ngược lại chia rẽ quốc tế sẽ là thảm họa.
Chúng ta chỉ an toàn khi đoàn kết. Hành tinh này chỉ an toàn khi các quốc gia an toàn. Hiện châu Âu và Mỹ có số ca nhiễm mới và tử vong giảm dần nhưng ở châu Phi, theo WHO, trong tuần qua số ca nhiễm tăng hơn 50%, số tử vong tăng hơn 60%. Sẽ là thảm họa nếu dịch bùng phát mạnh ở lục địa đen, vì hệ thống y tế tại đây còn "mỏng manh". Hãy giúp nhau cùng vượt qua dịch bệnh. Trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương là một quy luật cuộc sống.
Theo QUỲNH TRUNG (TTO)