Chỗ đứng của hoang phế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong vô số bức ảnh chụp sen tươi tắn và rực rỡ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Bích (TP. Hồ Chí Minh) còn để tâm chụp những đóa sen tàn. Lạ thay, sự phai úa lại gợi lên trong lòng người xem những cảm thức, rung động mạnh mẽ. Khi hiểu rõ vòng tròn “thành-trụ-hoại-diệt” trong trời đất, ta ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp của những điều chẳng còn rực rỡ. Có lẽ đó cũng là lý do một số điểm đến dù hoang phế nhưng vẫn thu hút du khách tìm tới. 
1. Đã gần 20 năm kể từ ngày người dân làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) chuyển về nơi ở mới cách làng cũ chừng 3 km. Một vài người già không nỡ rời xa nơi họ từng lớn lên nên quyết ở lại, dù nơi này không có điện và những tiện nghi khác.
Ngôi làng vẫn “sống” theo cách của nó, vô cùng lặng lẽ. Nhà rông dựng từ năm 1987 vẫn sừng sững, hàng chục ngôi nhà sàn truyền thống với mái tranh, vách đan bằng tre hoặc đất sét trộn rơm được người dân quay về quét tước, dọn dẹp sạch sẽ.
Đó là ngôi làng Bahnar hoàn toàn nguyên bản với lối kiến trúc, sắp xếp hài hòa, đẹp đẽ đến khó tin. Qua năm tháng, nhiều ngôi nhà không hơi người bắt đầu xuống cấp, có căn đổ sập. Năm 2015, một tia sét đã thiêu rụi nhà rông và vài căn nhà gần đó. 
Dù không còn lưu giữ vẻ đẹp ban sơ nhưng làng Kon Sơ Lăl cũ (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) vẫn thu hút một số du khách tìm về. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Dù không còn lưu giữ vẻ đẹp ban sơ nhưng làng Kon Sơ Lăl cũ (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) vẫn thu hút một số du khách tìm về. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Làng bây giờ rơi vào cảnh tiêu điều. Có vẻ như khi nhà rông mất đi, người ta không còn muốn chăm chút cho làng cũ nữa. Cỏ dại mọc tràn lan. Bậc thang dẫn lên nhiều ngôi nhà đã mục nát. Vài căn cửa nẻo trống huơ. Tất cả gợi cho khách ghé thăm nỗi bùi ngùi, trống vắng. Vậy nhưng chẳng để tâm đến những vô tình của nhân thế, thời gian, mùa này, nhiều loại cây ăn quả lâu năm trong làng vẫn vô ưu ra hoa, kết trái sum suê: me, vú sữa, xoài, thanh long, chùm ruột…
Anh Khyơn-Trưởng thôn Kon Sơ Lăl-cho hay: Thỉnh thoảng vẫn có nhóm phượt tìm đến làng cũ. Họ dạo bước giữa làng xưa hoang vắng, thăm vài người già còn ở lại, chụp mấy bức ảnh kỷ niệm. 
Quanh quẩn trong làng, chúng tôi gặp ông Dyai, trên 70 tuổi, đang ngồi vót nan tre đan gùi. Những chiếc gùi ông làm ra, mấy người con ở làng mới mang đi bán, giúp ông có thêm ít thu nhập. Có lẽ, công việc này còn giúp ông thấy ngày bớt dài, lòng bớt trống trải. Ông kể, một số du khách đến đây đều ghé nhà hỏi chuyện, tìm hiểu về nghề đan gùi truyền thống. 
Nhiều người không khỏi tiếc nuối khi ghé thăm ngôi làng một thời trù phú. Chị Lý Thái Hằng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nghe nói đây từng là ngôi làng đẹp nhất Gia Lai nên tôi muốn một lần ghé thăm. Một số căn nhà sàn còn lại vẫn đẹp, kết cấu khá vững, nhiều chi tiết được giữ gìn chứng tỏ người dân vẫn dọn dẹp, chăm sóc. Nhưng trước cảnh đìu hiu quạnh quẽ, lòng tôi dâng lên cảm giác tiếc nuối. Tiếc một ngôi làng đẹp như vậy mà giờ đây như bị bỏ hoang, vắng bóng người và tiếng cười đùa trẻ thơ…”.
Đặc biệt, chị Hằng cho hay, điều đọng lại sau chuyến thăm là hình ảnh những cụ già ngồi bên hiên nhà, dù cô đơn nhưng vẫn cố bám trụ, như muốn níu giữ quá khứ đẹp đẽ của ngôi làng nơi họ từng lớn lên. 
2. Một điểm đến hoang phế khác cũng được không ít du khách tìm đến là nhà thờ cổ Hà Bầu, một kiến trúc tôn giáo cổ xưa nằm gần chân núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), được xây dựng từ năm 1908 đến 1912.
Sau hơn 1 thế kỷ, trải qua sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, nhà thờ chỉ còn giữ lại mặt trước và tháp chuông. Hiện nay, phía mặt trước vẫn còn một tấm bia có ghi dòng chữ “Kỷ Dậu niên”-năm nhà thờ được xây dựng. Đáng nói, gạch xây nên những ngôi giáo đường do chính giáo dân kỳ công cõng bộ theo đường rừng từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên tận nơi. 
Vẻ đẹp hoang phế và cổ kính của nhà thờ cổ Hà Bầu (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Vẻ đẹp hoang phế và cổ kính của nhà thờ cổ Hà Bầu (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Giờ đây, đứng trước dấu tích trăm năm của nhà thờ cổ Hà Bầu, khách phương xa rơi vào những bâng khuâng khó tả với những viên gạch vỡ, từng mảng tường rêu phong… Từ tháp chuông nhìn lên, một khoảng trời mở ra, xanh thẳm màu trời, màu lá. Thời gian đã phủ lên phần kiến trúc còn lại một vẻ đẹp hoang phế, đầy hoài niệm song cũng thật kiêu hãnh. 
Từng ghé thăm nơi này vài tháng trước, trong lòng chị Nguyễn Thị Việt Hương-giảng viên Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh-vẫn đọng lại những ấn tượng sâu đậm. Chị bày tỏ: “Tôi đã đi du lịch khá nhiều nơi, nhưng khi đến với nhà thờ cổ Hà Bầu thì cảm xúc rất lạ, không khí rất đặc biệt. Tôi không đến đây vì sự thôi thúc của tín ngưỡng mà chỉ vì những gì bản thân muốn kiếm tìm, đó là sự tĩnh lặng và hoài niệm”.
Chị Hương cho hay, chị thật sự ấn tượng trước vẻ hoang phế đầy tôn nghiêm của ngôi thánh đường cổ; khung cảnh thêm phần tự nhiên, lãng mạn với sự tô điểm của các loài hoa dại lác đác xung quanh. Càng thích thú hơn trước cảnh người dân Jrai trong vùng ghé đến đây coi sóc, cầu nguyện.
“Tôi không đi du lịch theo kiểu check-in, ngủ khách sạn 5 sao. Vì vậy, điểm đến này khiến tôi thấy rất thú vị”-chị Hương nói.
Từ sự tàn phai, ta nhận ra sự sống vẫn nhen nhóm, vươn mình. Ấy là quy luật ngàn đời. Không có gì mãi mãi, chẳng có gì ra đi một cách vô ích. Dù không thu hút lượng khách quá đông đảo nhưng những hoang phế vẫn có chỗ đứng riêng, kiêu hãnh cùng thời gian. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.