(GLO)- Được người quen mách nước, tôi đến địa chỉ: tổ 12, phường Phù Đổng (131/15 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku) gặp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn thuộc cộng đoàn Đồng Tâm Gia Lai đang trực tiếp làm nhiều công việc có ích cho người nghèo là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nặng, người dân tộc thiểu số và những người lao động nghèo đang phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ấm áp những phần cơm từ thiện
Nữ tu phụ trách cộng đoàn Đồng Tâm-Nguyễn Thị Thu Sương (62 tuổi), vừa nấu thức ăn vừa trò chuyện, giọng chậm đều: “Hàng ngày bà con được phục vụ 2 bữa ăn trưa và chiều, suất ăn gồm cơm và một loại thức ăn, thường là bí đỏ nấu với đậu khuôn và thịt heo hoặc cá biển kho với dưa cải, hoặc rau xanh xào với thịt… nói chung là mùa nào thức nấy, khẩu phần chừng 10 ngàn đồng. Mỗi bữa phục vụ khoảng 50 suất, chỉ riêng gạo mỗi ngày nấu hơn 30 kg. Có người nhận cùng lúc đến 5 suất hoặc hơn nữa, là vì đồng bào dân tộc thiểu số có lệ rủ cả làng, cả họ đi thăm nuôi người bệnh. Người chuẩn bị xuất viện mách chỉ người mới đến, thế nên số lượng suất/bữa gần như ổn định”.
Bà con chờ nhận suất cơm mang về. Ảnh: Đình Phê |
Mới 9 giờ 30 phút đã thấy bà con cà mèn lủng lẳng trên tay lục tục kéo đến nhận cơm. Chúng tôi tranh thủ bắt chuyện, thăm hỏi. Bà Kpă H’Mlem, làng Ia Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, nói: “Mình nuôi thằng con sinh năm 1987 bị suy tủy nằm ở đây lâu lắm, nhiều lần lắm. Nó phải được truyền máu, mỗi lần hết 500 ngàn đồng. Không có máu nó đau lắm, mệt lắm. Nhiều con bò, con heo của nó, của mình phải bán rồi mà vẫn không khỏi bệnh. Người làng thương nó nhà nào cũng cho tiền. Mình nhận cơm về cho cả nó nữa”.
Hầu hết bà con là người nhà bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày hoặc bệnh tái phát, “nằm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà” nên tỏ ra rất vui khi được nhận những phần cơm ở đây.
Nhiều việc làm có ích khác
Không chỉ phục vụ cơm từ thiện, các nữ tu ở đây còn cấp phát quần áo cũ cho người có nhu cầu. “Tuy là đồ cũ nhưng xem ra còn dùng được lắm. Đủ loại, đủ kích cỡ. Mỗi lần phát ra, người nhận hơn nửa bao mang về, tùy mục đích mà sử dụng”-nữ tu Trương Thị Minh Đức (72 tuổi), phụ trách công việc cho biết.
Thời gian rỗi các nữ tu còn đi thăm, động viên bệnh nhân. Có gia đình người bệnh vì quá nghèo, bệnh nặng phải chuyển viện hoặc rơi vào tình trạng hấp hối, tử vong… còn được giúp tiền xe đưa đến tận nơi. Không ít người nuôi bệnh nhân lại mắc bệnh như tiêu chảy, cảm sốt nhẹ cũng được cho thuốc uống, là vì 2/3 người trong số họ vốn là điều dưỡng. Câu chuyện đang dở, nữ tu Nguyễn Minh Trân (28 tuổi) đưa một người đàn ông và một người phụ nữ dắt, bế con bị bệnh sứt môi, hở hàm ếch về. Bắt chuyện sang, nữ tu Trân cho biết, mỗi năm vài đợt dẫn các cháu cùng đại diện cha, mẹ mỗi cháu xuống Quy Nhơn giải phẫu. Anh Nguyễn Văn Tân ở huyện Chư Prông, chẳng may có 2 con đều mắc bệnh sứt môi, hở hàm ếch đang dắt tay cậu con trai 4 tuổi, nói: “Cháu đã được vá môi từ 2 năm trước. Lần này nhờ các nữ tu đưa đi phẫu thuật hàm ếch cho cháu. Gia đình quá khó khăn, cũng may nhờ vào việc làm từ thiện này nên đỡ tốn kém rất nhiều”. “Em là người Công giáo?”-tôi hỏi. “Dạ không”-anh Tân trả lời.
Về nguồn kinh phí, nữ tu Sương cho biết: Kể từ khi bắt đầu công việc vào năm 2005 đến nay, kinh phí có được chủ yếu từ Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông-Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum, Giám đốc Ban Bác ái xã hội-Caritas Kon Tum. Ngoài ra, các nhà hảo tâm trong tỉnh có biết đến, khi thì gửi cho vài tạ gạo, khi thì thịt cá, rau xanh hoặc tiền mặt cũng tùy. Còn đồ cũ thì nhận từ TP. Hồ Chí Minh, chuyển về mỗi lần cả xe tải. Ngoài ra nhiều cá nhân, tổ chức trong tỉnh mách nhau, thu gom cứ thế mà mang đến. “Tất cả được chứa ở gian nhà kho này”-nữ tu Minh Đức bước chân chậm đưa tay chỉ cho tôi gian phòng diện tích 4 x 6 mét chất đầy những bao tải xác rắn cỡ tạ chứa quần áo cũ.
Chỉ thông qua 3 nữ tu mà chuyển tải được nhiều công việc ăm ắp tình người. Thật đáng quý!
Đình Phê