Chợ đen tiền ảo và những giao dịch không dấu vết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong các hội nhóm kín, những giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo tại Việt Nam vẫn diễn ra âm thầm, hằng ngày, hằng giờ mà không chịu bất cứ kiểm soát nào từ phía cơ quan chức năng. Câu chuyện đặt ra bài toán bức thiết phải có những chế tài, khung pháp lý để có thể quản lý thị trường này đồng thời đảm bảo cho an ninh tiền tệ quốc gia.

 Mua bán, trao đổi tiền ảo vẫn diễn ra hằng ngày mà không bị kiểm soát. Ảnh: Đ.T
Mua bán, trao đổi tiền ảo vẫn diễn ra hằng ngày mà không bị kiểm soát. Ảnh: Đ.T



Khi tiền ảo lên ngôi

Có một thực tế dù chưa được pháp luật công nhận nhưng nhiều thống kê đã cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có mức độ phổ biến về tiền ảo cao cùng với lượng giao dịch rất lớn.

Gần đây, báo cáo của Chainalysis, một đơn vị phân tích blockchain hàng đầu cho biết, trong khu vực Châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số liệu ước tính của Chainalysis, các nhà đầu tư Việt đã kiếm được 0,4 tỉ USD trong năm 2020 nhờ đầu tư vào Bitcoin.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, tổng lượng giao dịch tiền ảo của Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê của coin.dance, trang web chuyên về đo lường giao dịch tiền ảo cho thấy, năm 2018, khi đồng Bitcoin tăng vọt về giá trị, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam có lúc đã lên hơn 4.600 tỉ đồng. Những tuần trong năm 2021, con số đo lường cũng cho thấy lượng giao dịch lên tới hơn 2.000 tỉ đồng mỗi tuần.

Những con số nêu ra để nhìn nhận một hiện trạng, tiền ảo vẫn đang âm thầm len lỏi và trở thành “cơn sốt" không thể phủ nhận tại thị trường Việt Nam. Và thị trường đó, cũng tồn tại với vô vàn những đồng tiền ảo, lôi kéo nhà đầu tư vào cuộc chơi bất tận, cho một niềm tin đến một ngày đồng tiền mình sở hữu được lên ngôi “hóa rồng".

Những đồng tiền ảo “hot”, vốn hóa lớn nhất và được giao dịch nhiều nhất phải kể đến như Bitcoin, Ethereum, Binance Coin, Tether (USDT),... Đây là những đồng tiền được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng nhất vì độ đảm bảo tài sản cao. Những đồng này thường có giá trị quy đổi so với tiền ngoài thực tế rất cao.

Bên cạnh đó, cũng có những người chọn đầu tư vào các loại tiền điện tử nhỏ hơn, dân trong nghề thường gọi là “coin rác”. Họ đầu tư vì những đồng này không đòi hỏi vốn lớn với hy vọng những đồng coin này vào một ngày nào đó sẽ bất ngờ tăng vọt giá trị. Đó là những đồng coin từng gây sốt hồi đầu năm nay như: Dogecoin, Shiba Inu, Elongate,...

Cách đây vài tháng, người dân cũng “sốt xình xịch” với hoạt động đào tiền ảo Pi Network. Theo đó, những người muốn tham gia kiếm tiền từ tiền ảo Pi chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại thông minh, tạo tài khoản, đăng nhập và mỗi ngày đều đặn vào ứng dụng bấm nút. Việc đào tiền ảo sẽ do hệ thống và ứng dụng đảm nhiệm. Khi đó có những trang đã quy đổi 1 đồng Pi ngang giá tới 100 nghìn đồng tiền Việt. Sau đó, cơn sốt này cũng nhanh chóng qua đi khi dự án Pi Network được chỉ ra với nhiều điểm bất thường, các rủi ro về bảo mật và an toàn nghiêm trọng.

Nhìn thấy lợi nhuận từ tiền ảo, nhiều người dân cũng đã bỏ tiền đầu tư vào card đồ họa, tậu “trâu cày" đào tiền ảo qua hệ thống máy tính. Giới công nghệ hồi đầu năm nay cũng cho biết, card đồ họa liên tục rơi vào tình trạng khan hàng tại Việt Nam do dân đào Bitcoin tranh thủ gom hàng khi đồng này tăng giá. Thậm chí, trong thời điểm giãn cách do dịch bệnh COVID-19, một số quán net đã chuyển sang hoạt động đào tiền ảo.

"Khi có chỉ thị giãn cách xã hội do COVID-19, quán buộc phải đóng cửa. Cùng lúc đó, giá Bitcoin tăng mạnh, bạn bè khuyên tôi chuyển sang đào tiền ảo vì máy móc để lâu không hoạt động sẽ phát sinh lỗi. Mình đào được bao nhiêu, bán ngay trong ngày bấy nhiêu. Lợi nhuận tuỳ thuộc giá tiền ảo nhưng cao hơn nhiều so với kinh doanh game online như trước" - chị Đinh Thị Mỹ Lệ, chủ một quán game online ở quận 3, TPHCM nói với báo chí về hướng kinh doanh mới của mình.

Bán mua không vết dấu

Theo ghi nhận của PV, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay tràn lan các hội nhóm kín mua bán, trao đổi tiền ảo. Các hội nhóm này hoạt động mạnh mẽ nhất trên Facebook, Zalo và Telegram. Những hội nhóm có tới cả trăm nghìn thành viên với những cái tên như: "Chợ đen Bitcoin Remitano USDT", "Cộng đồng Trade Coin Việt Nam", "Trade Coin - Kiếm tiền số",...

"Nhận giao dịch USDT-BTC-ETH mọi số lượng, giá tốt nhất thị trường, giao dịch tiền mặt, chuyển khoản 24/7, cam kết giá cả cạnh tranh"; "Em vẫn phục vụ hằng ngày cho các anh chị mua bán thanh khoản số lượng lớn USDT, ETH, BTC. Mua bán mọi số lượng, giá rẻ. Nhận giao dịch trực tiếp tiền mặt tại Hà Nội"... đó là nội dung chủ yếu trong những hội nhóm kín chuyên dành để mua bán, trao đổi tiền ảo.

Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền ảo, PV đã bắt mối với đầu buôn chuyên nhận mua loại tiền này. Ngày sau khi biết được nhu cầu của khách muốn đổi từ đồng USDT - một dạng tiền ảo sang tiền VND, người này nhanh chóng cho hay: "Bên em nhận thu mua USDT hằng ngày, số lượng bao nhiêu cũng mua. Có hai cách thức, có thể giao dịch trực tiếp hoặc giao dịch online. Nếu giao dịch online, hai bên chốt giá và số lượng. Sau đó anh gửi em địa chỉ ví của anh, em sẽ chuyển khoản luôn".

Bày tỏ mong muốn được giao dịch trực tiếp cho an toàn, PV được người này hẹn tới giao dịch tại một chung cư nằm trên quận Hà Đông (Hà Nội). Ở đây, một quy trình chuyển đổi tiền nhanh đến kinh ngạc đã diễn ra. PV được yêu cầu cài một ứng dụng qua điện thoại được coi là một loại ví chuyên dành chứa các loại tiền điện tử.

"Nay 1 USDT chỉ đổi sang được 23 nghìn VND thôi, qua lúc anh nhắn em nó lên được gần 24 nghìn. Giờ anh đổi 1.500 USDT là được 34 triệu rưỡi anh nhé. Anh chuyển em xong em sẽ chuyển khoản luôn" - người mua tiền điện tử cho hay.

Theo đó, bên mua sẽ chuyển cho bên bán một đoạn mã code, chính là địa chỉ của ví điện tử. Người bán theo đó chỉ cần điền số tiền và địa chỉ ví điện tử này vào là sẽ chuyển được đồng USDT dễ dàng trong vài giây. Ngay sau đó, bên mua sẽ chuyển lại tiền VND qua tài khoản ngân hàng.

Những giao dịch dễ dàng, chớp nhoáng như vậy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và không chịu bất cứ một sự kiểm soát nào. Giá trị quy đổi các đồng tiền hoàn toàn là thỏa thuận giữa hai bên. Và cũng từ đây, do đặc thù trên môi trường mạng, việc chuyển tiền ra nước ngoài với loại hình này cũng gần như không chịu sự giám sát nào từ cơ quan chức năng.

Những nét phác thảo sơ qua để thấy bức tranh tiền ảo tại Việt Nam đang tồn tại với muôn hình vạn trạng, thiếu vắng những chế tài quản lý mạnh mẽ, đảm bảo cho an ninh tiền tệ. Nhưng đó cũng là một thị trường đầy tiềm năng và cơ quan chức năng với việc đặt vấn đề nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo trong thời gian tới sẽ giúp khai thác tốt thị trường này, ngăn chặn các hành vi lừa đảo, lợi dụng nó để trục lợi, phá hoại thị trường.

https://laodong.vn/kinh-te/cho-den-tien-ao-va-nhung-giao-dich-khong-dau-vet-930909.ldo
 

Theo ĐÌNH TRƯỜNG (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.