(GLO)- Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là địa điểm để người ta có thể tìm hiểu một cách chân thực, sống động nhất về đời sống văn hóa của người dân địa phương, là nơi để người mua tìm kiếm những sản vật đặc trưng của vùng miền.
Được hình thành cách đây khoảng gần 40 năm, do một người phụ nữ tên Định, gốc người Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp và buôn bán, chợ Bà Định (đường Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) tuy không lớn, quy mô như một số chợ được quy hoạch trên địa bàn, song lại có nhiều đặc sản được lấy từ làng ra bán ở chợ và rất khác so với những chợ mà chúng tôi biết.
Từ mờ sáng chợ Bà Định đã tấp nập người bán và người mua. Người bán phần lớn là bà con dân tộc thiểu số trong làng Pleiku Roh (TP. Pleiku) và những làng thuộc xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), còn người mua thì đủ mọi thành phần từ người nông dân cho đến cán bộ, công chức nhà nước. Chợ Bà Định là nơi tập trung khá nhiều đặc sản của bà con dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt là gà ta, cá, tôm, tép đồng và trái cây phong phú được trồng từ vườn nhà. Người mua ở đây cảm thấy rất yên tâm về giá cả và chất lượng hàng hóa, vì đều là những sản phẩm sạch.
Tôi cũng là một trong những khách hàng thường xuyên chọn chợ Bà Định để mua: rau, củ, quả, tôm, tép, cua, cá đồng và gà của bà con dân tộc thiểu số. Hầu hết thực phẩm tươi sống bán ở chợ Bà Định đều là những sản phẩm sạch không sợ bị bà con “tẩm độc” thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu. Do vậy, khi ăn rau hay hoa quả của bà con bán ở chợ, đều cảm nhận được hương vị rất ngọt và đậm đà so với những rau, quả mua ở nơi khác. Còn gà ta được chính bà con nuôi, có khi nuôi cả năm, gà cũng chỉ nặng khoảng 1 kg hay 1,2 kg, thế nhưng thịt gà thì chắc nụi và ăn rất thơm, ngọt. Đối với loại gà này, bà con trong làng không cần đem ra chợ bán, mà hàng ngày, có một nhóm chị em người Kinh từ sáng sớm đã đạp xe dạo quanh các làng để tìm người bán gà, nên giá cả bị đẩy lên cao từ 130.000 đồng đến 140.000 đồng/kg, so với gà ta khác đắt hơn 50.000 đồng/kg. Song là đặc sản, nhiều khách hàng muốn mua cũng phải đi đúng giờ (từ 9 giờ 30 phút sáng mỗi ngày trở đi) còn đi sớm hơn hoặc muộn hơn khoảng tiếng đồng hồ là hết gà để mua.
Không chỉ là những đặc sản từ làng bán ở chợ mà nếu dạo một vòng quanh chợ, chúng ta còn có dịp khám phá nhiều điều thú vị ở đây. Từ sự mộc mạc của một ngôi chợ quê ở hai bên đường với cách bán buôn khá nhẹ nhàng cho đến những nét văn hóa đặc trưng mang đậm tính làng. Người bán luôn vui vẻ và nở nụ cười tươi trên môi, còn người mua rất vui khi mua hàng hóa ở đây mà không phải cò kè bớt một thêm hai. Tôi cảm nhận được giữa người bán và người mua rất gần gũi với nhau như người trong nhà. “Mua rau đi em”-lời mời từ người bán, còn người mua hỏi: “Bao nhiêu một bó?”. “3.000 đồng/bó”. “Vậy để cho mình một bó”. Cứ nhẹ nhàng trao đổi với nhau như thế, chợ không xô bồ, bon chen, giành giật. Đôi tay còn lấm lem, chị Siu Prem (ở làng Preng II, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) gùi một gùi bắp còn tươi rói trên lưng. Chưa tìm được chỗ đặt gùi bắp xuống thì đã có vài chị em đứng túm lại hỏi mua. Và chỉ khoảng chưa đầy 15 phút, gùi bắp nếp của chị Prem đã được bán hết.
Đang là giữa mùa mưa nên tôm, cá, cua, ốc, tép đồng cũng được bà con bày bán khá nhiều. Riêng những thứ tôm, cua, cá đồng bà con không bán theo cân mà chia thành từng món, mỗi món chỉ hơn chục ngàn đồng là cả nhà có bữa thức ăn tươi ngon trong ngày… Chợ Bà Định chỉ bán buôn từ tờ mờ sáng cho đến giữa trưa, còn chiều không họp chợ, bởi thế, nếu sáng sớm người dân Phố núi muốn mua những thứ ngon, rẻ thì thường rủ nhau đi chợ Bà Định.
Đinh Yến