Chính thức khởi công, sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ tháng 12/2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 5.1, dự án sân bay Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.
 
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 12/2025. Ảnh KH
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 12/2025. Ảnh KH
Lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư là sự kiện quan trọng đầu tiên trong năm 2021 của ngành giao thông và cũng là dự án quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực hàng không từ trước tới nay.
Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.
 
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hiện công tác rà soát bom mìn đã triển khai được 1.200ha. Ảnh KH
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hiện công tác rà soát bom mìn đã triển khai được 1.200ha. Ảnh KH
Trao đổi với phóng viên, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành là dự án đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Về tiến độ dự án, ông Thanh cho biết hiện công tác rà phá bom mìn, tạo mặt bằng sạch đã triển khai được 1.200 ha và song song với việc rà phá bom mìn, ACV đang tiến hành san lấp mặt bằng, xây tường rào để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Ông Thanh khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia nên tiến độ và chất lượng dự án sẽ được thực hiện ở mức cao nhất.
 
Quy hoạch thiết kế sân bay Long Thành. Ảnh KH
 
Quy hoạch thiết kế sân bay Long Thành. Ảnh KH
Quy hoạch thiết kế sân bay Long Thành. Ảnh KH
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, tương đương 16 tỉ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, Dự án giai đoạn 1 được phân chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay; Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; Dự án thành phần 4 - Các công trình khác. Trong đó, dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV, bao gồm hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ôtô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME…); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh (số 1) có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 1 nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2, 1 Đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m và các hạng mục phụ trợ.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng các công trình phụ trợ, các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm cùng các công trình của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động trong Cảng hàng không như: Hải quan, Công an cửa khẩu, Công an địa phương, Kiểm dịch y tế, Cảng vụ hàng không; đơn vị quản lý khai thác cảng; đơn vị điều hành bay; các hãng hàng không; các đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không.
Về giao thông kết nối, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được kết nối với các tuyến giao thông gồm tuyến số 1 kết nối Cảng với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 kết nối Cảng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây, quy mô 4 làn xe và các nút giao.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111,742 tỉ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
KHÁNH HOÀ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.