Chiếc tủ rỗng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
1. Lam ngồi bần thần trước cánh tủ mở toang, bên trong rỗng không. Lam không tin vào mắt mình. Cô cố nhìn kỹ lại xem có sự nhầm lẫn nào đó từ phía nhãn quan mình. Nhưng rõ ràng bên trong khoang tủ trống rỗng. Gọi là tủ, nhưng nó chỉ như chiếc hộp nhỏ, vuông vắn chừng hai gang tay, màu gỗ đậm. Chiếc tủ ấy, mẹ để ở đầu giường bao nhiêu năm nay nhưng chỉ con cháu hay người thân vào phòng mới biết.

1. Lam ngồi bần thần trước cánh tủ mở toang, bên trong rỗng không. Lam không tin vào mắt mình. Cô cố nhìn kỹ lại xem có sự nhầm lẫn nào đó từ phía nhãn quan mình. Nhưng rõ ràng bên trong khoang tủ trống rỗng. Gọi là tủ, nhưng nó chỉ như chiếc hộp nhỏ, vuông vắn chừng hai gang tay, màu gỗ đậm. Chiếc tủ ấy, mẹ để ở đầu giường bao nhiêu năm nay nhưng chỉ con cháu hay người thân vào phòng mới biết.

Minh họa: VĂN TIN

Minh họa: VĂN TIN

Bữa chiều đó, trong lúc mẹ thấy người mệt, mẹ còn nhớ ra tờ di chúc để nói với Lam. Lam cũng tranh thủ mở cánh tủ, thấy có tờ giấy mẹ để sẵn đó. Lam chưa kịp lấy thì mẹ lên cơn, mắt trợn ngược, người co giật từng cơn. Anh em Lam chẳng còn nghĩ được gì, vội đưa mẹ vào bệnh viện. Mẹ nằm viện thêm vài ngày nữa rồi đi.

Vậy mà giờ, chỉ vừa sau đám tang mẹ thôi, tờ giấy trong chiếc tủ biến mất. Cảm giác của Lam lúc này là sợ. Sợ chứ sao không? Người lấy đi tờ giấy ấy hẳn phải cùng nhà, thở cùng không gian với Lam. Mình đã sống cùng kẻ trộm. Vậy, ai là kẻ trộm trong số những người luôn thốt ra những câu từ yêu thương mình? Anh em Lam, họ hàng bên nội, hay họ hàng bên ngoại?

May sao trước ngày mẹ mất, Lam có về kề cận với mẹ. Đó là khoảng thời gian quý báu từ khi Lam lấy chồng ở miền Nam, ít khi về lâu với mẹ. Mẹ bảo có ghi lại vài dòng cho anh em Lam. Mẹ còn nói mẹ biết anh em con thương nhau, nhường nhịn nhau không hết nên chẳng thể nào xảy ra sóng gió như những gia đình mẹ từng xem trên báo chí, phim ảnh. Với lại, mẹ có gì đâu ngoài căn nhà này và ít tiền dành dụm cho người ta vay chưa lấy lại kịp. Nên mẹ cũng ghi rõ số tiền, địa chỉ, điện thoại người mượn để anh em con biết mà nhận lại.

Số tiền đó không phải là quá nhiều, nhưng Lam biết mẹ tích góp cả đời mới có được. Mẹ Lam sống tiết kiệm. Không dám tiêu xài gì. Thời còn trẻ đi làm ra tiền đã vậy, đến khi về hưu, mẹ giữ đồng tiền càng chặt hơn. Mẹ nói, thời này người khôn của khó, mình cứ phải có tiền cho yên tâm con ạ. Đến cả tô phở trong quán ăn có máy lạnh, năn nỉ mấy mẹ cũng không bước chân vào. Vì mẹ biết thể nào cũng đội giá lên gần gấp đôi so với quán ăn bình dân.

Năm ngoái, mẹ bảo sẽ vào Nam một chuyến thăm anh em Lam. Lam nói sẽ đặt vé máy bay cho mẹ. Mẹ nằng nặc không chịu, đưa hết lý do này đến lý do khác. Nào là không quen đi máy bay, ra đó làm thủ tục lớ ngớ, rồi thì mẹ muốn đi xe để còn ngắm khung cảnh bên ngoài, lâu một chút nhưng dù sao mẹ đang rảnh, cũng vui mà.

Cứ như vậy, con cái cho tiền để mẹ sống thoải mái, ăn uống, mua sắm hay du lịch với bạn bè… miễn làm gì mẹ thích. Nhưng thứ mẹ thích nhất có lẽ là nhìn số tiền tích góp ngày càng nhiều lên. Lam chịu, nói mãi cũng vậy nên chẳng biết cách nào. Nhiều lúc gắt với mẹ, rằng mẹ già rồi, biết sống được bao nhiêu nữa mà tích góp làm gì. Mẹ nhẩm tính, nói bà ngoại Lam gần 90 tuổi mới mất. Nếu mẹ giống ngoại, chẳng phải ngoài 20 năm nữa mới chết đó sao? Với lại, đời đâu phải sống cho riêng mình, còn có con, có cháu… Cứ phải có tiền mới an toàn con ạ!

Một lần, mẹ gọi điện nói có họ hàng của một người trong xóm cần số tiền lớn, họ vay trả lãi nên mẹ cho mượn hết rồi.

Lam đã không nghĩ đến kết cục này: số tiền mẹ tích góp cả đời cuối cùng rơi vào tay người khác. Và giờ thì cả tờ di chúc của mẹ cũng không biết đang nằm trong tay ai.

2. Ngoài ba anh em Lam thường vào phòng mẹ, mẹ còn một người em kế, là dì Thơm. Dì Thơm ở trên mảnh đất bà ngoại để lại, cách nhà mẹ Lam một đoạn đường ngắn. Vì vậy mà dì Thơm thường sang chơi với mẹ. Những ngày mẹ bệnh, con cái ở xa nên một tay vợ chồng dì Thơm lo cho mẹ. Lam biết ơn dì Thơm nhiều lắm. Dì cũng hao hao giống mẹ nên mỗi lần gặp dì, Lam lại càng nhớ thương mẹ.

“Dì thương con!” - đó là câu comment thường xuyên nhất của dì ở những status của Lam. Mẹ mất hơn một năm, Lam vẫn chưa tin vào sự thật. Điều ấy khiến cô càng đau đớn hơn. Phải chi Lam có thể như mọi người chung quanh, đón nhận cái chết của người thân một cách nhẹ nhàng nhất. Rồi Lam nhận ra, họ đón nhận nhẹ nhàng vậy vì đã sống trọn vẹn nhất với người đã qua đời, điều gì làm được cũng đã làm rồi…

Lam thì chưa, ngay cả việc bỏ thời gian để về với mẹ, cô cũng so đo, tính toán. Điều đó khiến cô đau lòng mãi. Phải chi Lam có thể bỏ tất cả mà về với mẹ sớm hơn, ở cạnh mẹ lâu hơn… Tiền của, sự nghiệp có lừng lẫy đến đâu giờ cũng chẳng chữa lành vết thương là nỗi ân hận trong lòng Lam. Chẳng biết nó sẽ theo Lam cho đến khi nào.

Chồng Lam nói hôm mẹ mất, lúc mọi người đang tất bật bên ngoài, anh em Lam cũng gào khóc rũ rượi khi chứng kiến cảnh liệm mẹ, thì thấy dì Thơm ở trong phòng mẹ lâu lắm. Lam gạt đi, dì Thơm không phải người như vậy đâu. Dì thương mẹ Lam, thương anh em Lam như con dì vậy. Kinh tế gia đình dì cũng ổn…

Ngoài số tiền người ta nợ mẹ, mẹ để lại cho con cháu, Lam còn muốn biết mẹ có nhắn nhủ gì thêm với anh em Lam không. Kể cả nội dung chẳng có gì quan trọng thì Lam cũng muốn giữ mảnh giấy di chúc ấy, coi như nâng niu từng nét chữ sau cùng của mẹ. Riêng điều đó thôi cũng đã thôi thúc Lam phải tìm cho ra tờ di chúc.

Trong số ba anh em, Lam có niềm tin tuyệt đối ở họ. Một người anh trai hiền lành từ nhỏ và cô em gái lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho người khác. Vậy nếu không phải một trong ba anh em Lam, không phải dì Thơm, thì tờ di chúc có thể vào tay ai?

Nhà dì Thơm có đứa con bằng tuổi Lam, tên Kiên. Kiên bị nghiện ma túy từ lúc đang học cấp ba. Vật vã đến khi lên đại học, mọi thứ trong nhà bị Kiên mang bán hết. Dì phải đưa con vào trại cai nghiện. Cứ vào rồi ra, rồi vào lại. Nghe đâu hôm đám tang, Kiên cũng có mặt. Ngoài những lúc lên cơn phải có ngay thuốc, những lúc bình thường, Kiên cũng là chàng trai tình cảm. Thỉnh thoảng Kiên hay phụ giúp mẹ thay bóng đèn, sửa lại ống nước bị bể. Lam biết mẹ cũng thương Kiên và Kiên cũng vậy.

Nghĩ một hồi, Lam thấy chẳng ai đáng để hoài nghi. Nghi oan cho họ cũng là cái tội. Em gái Lam thẳng tính hơn, nó nói, mình hỏi thẳng dì Thơm đi chị. Biết đâu dì dọn phòng cho mẹ, thấy tờ di chúc giữ đó mà quên đưa thì sao?

Nó còn nói nếu chị ngại không hỏi thì để em.

3. Qua điện thoại, từ âm thanh loa ngoài, Lam vẫn hình dung được nét mặt mỗi khi cáu giận hay có chuyện không hài lòng của dì Thơm:

- Tờ di chúc gì? Dì không biết gì cả. Mà sao con có thể nghĩ là dì đang giữ?

Em gái Lam giọng cũng đanh lại:

- Có người thấy dì dọn phòng cho mẹ con mà, không là dì thì tại sao tờ di chúc biến mất?

- Ơ hay, con bé này, sao có thể ăn nói hỗn hào như vậy? Đừng để thiên hạ nói mẹ mất đi không ai dạy mày…

Đây không phải lần đầu em gái Lam đụng chuyện với dì Thơm. Có lẽ khi Lam đi lấy chồng, nó ở nhà lâu hơn nên cũng biết nhiều chuyện. Vì vậy mà nó chẳng mấy kính nể dì.

Lần trước, thằng Toán, đứa con lớn của dì Thơm ở cạnh nhà mẹ Lam. Có lần nó sang nói mẹ Lam cho nó xin hai mét đất ngang làm chỗ đậu ô tô. Nhà mẹ Lam đất thênh thang, con cái chẳng ai ở nên đâu màng gì đến một hai mét đất với con cháu trong gia đình. Mẹ Lam vui vẻ cho Toán. Ai ngờ lúc anh trai Lam về, thấy thằng Toán đã lấn sang nhà mẹ đến bốn mét. Chạy dài gần năm mươi mét xuống vườn luôn chứ không phải chỉ là chỗ để ô tô trước nhà.

Thằng Toán khôn ranh, đầu tư hàng rào kẽm chạy dài từ đầu đến cuối đất, tính ra cũng gần hai trăm mét đất mà nó xin ngọt sớt như vẫn chạy sang vườn mẹ xin trái xoài, mớ rau.

Vậy mà dì Thơm chỉ cười xuề xòa với mẹ Lam: “Cái thằng, tại nó cứ thích ở trên này chứ đất nhà em đầy, muốn lấy bao nhiêu chả được”.

Lam cũng chỉ nghĩ đơn giản, con cháu trong nhà mà có đến ở thì nhà càng ấm áp, chứ tiếc gì mảnh đất vườn. Nhưng sau đó không bao lâu, khu nhà mẹ Lam đất lên vùn vụt. Người ta phân nền mỗi lô cũng chỉ chừng 4 - 5 mét ngang mà bán giá cả tỷ đồng.

Sau cuộc điện thoại của em gái gọi cho dì Thơm, Lam nói thôi, coi như khép lại vụ này, vì mình cũng đâu thấy tận mắt mà đổ cho dì. Hơn nữa, chị em mình còn phải sống cho hiện tại chứ. Cứ đau đáu đi tìm thứ đã mất, có phải chỉ hao tốn thêm năng lượng của mình không?

4. “Dì thương con!” - dì Thơm comment bên dưới tấm hình Lam đăng. Đó là bức ảnh tuổi thơ duy nhất Lam chụp với mẹ, trong ảnh còn có dì Thơm. Lúc đó chắc mẹ với dì Thơm cũng trạc tuổi chị em Lam bây giờ. Họ đang nói cười gì đó mà trông vui lắm!

Lam hình dung ra dì với mẹ cũng thân thiết nhau như anh em Lam bây giờ. Chẳng phải mỗi người đều nhờ có những tình thân mà đi qua cuộc sống này một cách nhẹ nhàng hơn đó sao?

Buổi chiều, gió lồng lộng. Lam lên sân thượng thấy chồng đang hối hả bón phân cho cây, nói phải tận dụng mùa gió này, vào phân, cây gặp nước mưa sẽ tốt hơn. Lam đứng hứng cơn gió phả vào mặt, có hơi nước như thể đã mưa ở đâu đó chung quanh, mát lạnh. Tự nhiên Lam thấy lòng nhẹ tênh, hình như những chuyện hôm qua cũng đã theo gió bay đi rồi!

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.