Chắp cánh ước mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn giúp các em nhỏ bớt khó khăn trên con đường đến trường, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: “Địa chỉ đỏ”, “Bếp ăn tình thương”… Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục phát động chương trình “Nâng bước em đến trường” để các em có thêm động lực vững tin trên con đường thực hiện ước mơ.

Vững tin đến trường
 

  Bộ đội Biên phòng trao tặng quỹ “Nâng bước em đến trường”.   Ảnh: A.H
Bộ đội Biên phòng trao tặng quỹ “Nâng bước em đến trường”. Ảnh: A.H

Nghèo khó, mồ côi cha, mẹ… đã khiến cho cuộc sống của nhiều em nhỏ trở nên vô cùng khó khăn, có em phải sống nương tựa vào họ hàng, bà con, vì vậy mà con đường đến trường của các em cũng có thể bị dừng lại bất cứ lúc nào. Thấu hiểu hoàn cảnh của các em nhỏ trên khu vực biên giới, đầu tháng 3-2016, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát động chương trình “Nâng bước em đến trường”. Đến nay, tất cả các đơn vị trong lực lượng đã nhận đỡ đầu 48 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 4 em học sinh của tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng/em. Được biết, số tiền này do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đóng góp và thời gian đỡ đầu tính từ lúc nhận cho đến khi các em học xong lớp 12.

Với các em nhỏ nơi biên giới, quỹ “Nâng bước em đến trường” chẳng khác nào những “chiếc phao” cứu sinh, giúp các em vững tin trên con đường thực hiện ước mơ cắp sách đến trường. Nhận số tiền 500 ngàn đồng từ tay cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), em Ksor Húk-học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Em sẽ đưa số tiền này cho mẹ để mua sách vở cho năm học mới”. Ksor Húk là người duy nhất trong 6 anh chị em của gia đình được cắp sách đến trường.

Nhà Ksor Húk vốn đã nghèo nay lại thêm nghèo vì 3 sào ruộng cuối cùng trong nhà cũng ra đi theo cơn bệnh của người cha. Những tưởng sau khi bán hết ruộng vườn chạy chữa, cha Húk sẽ khỏe lại và tiếp tục đi làm nuôi các con nhưng rồi cha vẫn ra đi để lại 7 mẹ con Húk sống trong khó khăn, chật vật. Mẹ Húk-chị Ksor Nhych, hàng ngày phải làm thuê, làm mướn và nhặt phân bò để có tiền mua gạo nuôi các con  qua ngày. Cuộc sống quá cơ cực khiến cho các anh chị của Húk cũng dần bỏ học, riêng Húk vẫn kiên trì đến lớp. Bởi lẽ Húk muốn thực hiện ước mơ “Em muốn học để sau này có thể trở thành bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người”.

Cùng chung nỗi đau mất cha giống như Ksor Húk là cô bé Lê Thị Huyền-lớp 7, Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Đức Cơ). Huyền là con út trong gia đình có 3 chị em gái. Hai chị gái của Huyền cũng sớm nghỉ học để phụ giúp gia đình. Trong suốt 6 năm qua, Huyền luôn cố gắng học tập và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Huyền bộc bạch: “Nhà em không có nương rẫy nên hàng ngày mẹ phải đi làm thuê mới có tiền nuôi ba chị em. Em rất thương mẹ, muốn học giỏi để sau này có công việc ổn định, có thể chăm sóc và giúp đỡ mẹ”. Với quyết tâm của mình cùng với sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng, hy vọng Lê Thị Huyền cũng sẽ thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Việt-Cam đoàn kết

Ngoài nhận đỡ đầu các em học sinh trên khu vực biên giới của tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn nhận đỡ đầu 4 em học sinh của tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

Dẫn cháu gái Puih Kênh (xã Bó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) sang Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để nhận hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em đến trường”, chị Puih Y-cô ruột của bé Puih Kênh đã không giấu được niềm vui xen lẫn sự xúc động. Cầm tay các cán bộ Biên phòng, chị Puih Y nói: “May có cán bộ Biên phòng Việt Nam hỗ trợ, giúp sức, gia đình cảm ơn nhiều lắm!”. Bố mẹ Puih Kênh mất từ khi em còn rất nhỏ nên hai anh em (anh trai Puih Lốp đang học lớp 5) đều sống dựa vào bà nội và cô. Nhưng vì bà nội đã già yếu nên mọi chi phí trong gia đình đều dồn lên vai của cô Puih Y. Cuộc sống khó khăn vì không có nhiều nương rẫy, các cháu lại còn nhỏ nên đến nay dù đã 23 tuổi, Puih Y vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện chồng con. “Cô sợ lấy chồng rồi sẽ không ai chăm sóc bà và hai anh em con. Con thương cô lắm!”-Puih Kênh chia sẻ.

Ông Rơ Châm Hlêch-Chủ tịch xã Bó Nhầy (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) vui mừng: “Bà con trong xã rất biết ơn tấm lòng của những người lính Biên phòng Gia Lai! Năm trước, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã giúp một số hộ nghèo trong xã được ở trong các nhà “đoàn kết-hữu nghị”. Năm nay, Bộ đội Biên phòng Gia Lai tiếp tục giúp 2 cháu học sinh được đến trường. Bộ đội Biên phòng Gia Lai rất tốt”.

Nói về chương trình “Nâng bước em đến trường”, Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho hay: “Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo, khó khăn vùng biên giới góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc trên biên giới. Món quà tuy nhỏ nhưng thực sự có ý nghĩa, bởi đó là tấm lòng, là sự sẻ chia, là tình thương mà Bộ đội Biên phòng dành cho các em, giúp các em có thêm động lực vững tin trên con đường thực hiện ước mơ”.

 Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.