Kbang xuất hiện chanh dây "điếc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều hộ nông dân huyện Kbang đang đau đầu bởi mua phải giống chanh dây kém chất lượng về trồng. Sau nhiều tháng chăm sóc, tỷ lệ cây phát triển và cho quả rất ít. Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng giống cây trồng kém chất lượng.

Khổ vì chanh dây “điếc”

Men theo con đường dốc, anh Nguyễn Trung Kiên (thôn 1, xã Sơ Pai) đưa chúng tôi đi xem vườn chanh dây hơn 200 gốc trồng từ tháng 9-2016. Trong khi các vườn khác đã cho thu hoạch thì chanh dây của gia đình anh Kiên vẫn èo uột. “Đất vườn nhà tôi là đất đỏ bazan rất tốt, trồng cà phê, bơ… đều cho năng suất cao. Tôi mua giống từ lời giới thiệu của một người quen trong xã. Họ bảo đây là giống chanh dây Đài Loan được nuôi cấy mô. Giá bán 38 ngàn đồng/dây, đắt hơn các loại dây giống khác khoảng 3 ngàn đồng/dây. Khi mới trồng, cây bén rễ nhanh, phát triển tốt nhưng khi leo chạm giàn thì bắt đầu xoăn lá và rất chậm phát triển”-anh Kiên nói.

 
 Vườn chanh dây èo uột, 8 tháng mới chỉ bám giàn của gia đình anh Kiên.              Ảnh: H.L
Vườn chanh dây èo uột, 8 tháng mới chỉ bám giàn của gia đình anh Kiên. Ảnh: H.L

Trong số 200 gốc chanh chỉ có một số ít leo chạm giàn, vươn ra được 1-2 mét; có cây bị chết. Anh Kiên chia sẻ: “Trước khi trồng đã xử lý đất kỹ càng, bón lót đầy đủ. Nhà tôi từng trồng chanh dây nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng cây chậm lớn như thế này”. Trong khi đó, dù trồng cùng đợt và cùng trên một thửa đất nhưng 300 gốc chanh dây giống khác đã cho thu đợt đầu được trên 10 tấn quả.

Tương tự, tại xã Đông, Nghĩa An cũng có nhiều hộ mua phải giống chanh dây kém chất lượng. Giữa tháng 10-2016 Âm lịch, anh Võ Duy Trinh (thôn 3, xã Đông) mua 300 cây chanh dây của Công ty cung cấp giống tại TP. Pleiku. Anh Trinh còn cẩn thận lên tận công ty này tham quan vườn chanh dây trình diễn, ưng ý mới quyết định mua giống. Thấy giới thiệu đây là giống chanh dây sạch, nhân giống theo phương pháp cấy mô nên anh tin tưởng còn đứng ra làm trung gian, nhập về 3.000 cây giống bán cho các hộ lân cận. Trong số 300 gốc chanh dây của vườn nhà anh thì chỉ khoảng 10 cây phát triển; số còn lại chậm lớn, có cây trái rất nhỏ, quả mềm, vỏ mỏng. Các vườn chanh dây khác cũng đều có biểu hiện tương tự. “Bà con xung quanh bức xúc và trách mình nhiều lắm. Tôi có phản ánh lên công ty, họ bảo sẽ đền giống nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Nhiều hộ thấy chanh dây không có quả đành phá bỏ trồng lại lứa khác”-anh Trinh nói. Bà Trương Thị Nhị (thôn 3, xã Đông)-hàng xóm mua giống chanh dây từ gia đình anh Trinh, chia sẻ: “Tôi tin Trinh vì lâu nay chú ấy làm ăn rất có uy tín với bà con nên thấy mua giống sạch về trồng, tôi cũng đặt niềm tin mua theo. Ai dè trồng tới tháng thứ 3, thứ 4 rồi mà 400 gốc chanh chậm lớn quá. Vốn đầu tư cho 400 gốc chanh dây này mất 50 triệu đồng, chưa kể công cán”.

Bà Mai Thị Cúc (thôn 5, xã Nghĩa An) cũng điêu đứng vì lỡ đứng ra làm đại lý cung cấp giống của công ty này. “Nhà tôi nhận về 7.000 dây giống. Số này tôi bán cho bà con xung quanh và đầu tư trồng 1.000 cây chanh dây. Bây giờ, nhiều gốc không có quả. Các hộ mua về trồng phản ứng dữ quá, tôi cũng chịu áp lực nhiều. Trong khi đó, tiền vật tư, giống chanh tôi đã hoàn trả cho công ty gần hết. Công ty bảo sẽ đền lại giống nhưng người dân không chịu. Họ nói vì giống dởm bị thiệt hại cả tiền đầu tư, công sức chăm sóc trong 6-8 tháng trời”-bà Cúc nói.

Do giống?

Ông Võ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Sơ Pai khẳng định: Xã đã nắm được tình trạng chanh dây không quả hoặc có quả không hạt xảy ra ở một số hộ dân tại thôn 1. “Hiện tại, chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan chuyên môn cấp huyện đề nghị hỗ trợ. Đồng thời, rà soát, nắm cụ thể tình hình từng hộ, diện tích để có giải pháp xử lý, cảnh báo cho các hộ khác”-ông Thanh chia sẻ. Theo ông Thanh, xã Sơ Pai có 18,5 ha chanh dây, chủ yếu do người dân trồng tự phát. “Nhiều hộ dân trồng chanh dây cho năng suất khá cao. Nếu chanh dây không lớn hoặc không có trái, có trái lại không có hạt thì địa phương mới đặt giả thuyết do giống kém chất lượng”-ông Thanh nói.

Bà Trần Thị Mai-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Kbang, cho biết: Gần đây, nhiều hộ dân tại các xã: Sơ Pai, Nghĩa An, Đông… phản ánh tình trạng giống chanh dây kém chất lượng. Đây là lần đầu tiên địa phương xuất hiện trình trạng này. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện ghi nhận khoảng 10,65 ha chanh dây không trái, trái nhỏ hoặc có trái nhưng không có hạt. Tuy nhiên, thực tế có thể còn lớn hơn. Hầu hết các vườn chanh dây này được trồng 7-8 tháng và đều giống Đài Loan.

Nói về nguyên nhân, bà Mai cho rằng, khả năng do giống chanh kém chất lượng. “Nhiều người hám lợi đã chiết cây giống không theo quy trình nhân giống để bán, do đó đã tạo ra giống cây kém chất lượng”-bà Mai lý giải. Hiện nay, huyện Kbang chưa có đơn vị cung ứng cây giống nào đạt tiêu chuẩn. Người dân trồng và tìm mua giống chanh dây theo tin đồn và phong trào, người nọ chỉ cho người kia. 1 ha chi phí đầu tư cây chanh, nếu rủi ro nông dân thiệt hại trên dưới 100 triệu đồng.

“Trước mắt, Trạm sẽ làm việc với các xã xảy ra tình trạng cây chanh dây không trái, trái không hạt; tập trung bà con lại để thông báo tình hình. Đồng thời, giới thiệu một số địa chỉ cung ứng giống có uy tín để bà con tìm mua sử dụng”-bà Mai chia sẻ.

 Hải Lê

Theo thống kê, toàn huyện Kbang hiện có 317,68 ha chanh dây của 410 hộ, trong đó có 222 ha chanh dây đang cho thu hoạch, còn lại 95,68 ha trồng mới và chăm sóc. Giống chanh dây đang được bà con trồng chủ yếu là giống Đài Loan và giống ghép do Việt Nam sản xuất. Năng suất chanh dây ước đạt 30 tấn/ha.

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.