Đồng hành cùng lịch sử 65 năm Ngân hàng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào ngày 6-5-1951, tại chiến khu Việt Bắc-”Thủ đô kháng chiến” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây chính là mốc khởi đầu lịch sử xây dựng và trưởng thành của Ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời là chủ trương đúng đắn của Đảng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống tiền tệ-tín dụng độc lập, tự chủ và thống nhất của một nhà nước có chủ quyền.

Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai
Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai

Thực tế chứng minh 65 năm qua, ngành Ngân hàng (NH) đã góp phần to lớn và xứng đáng vào việc củng cố nền độc lập, tự chủ; phục vụ đắc lực sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ngành NH đã gắn bó với công cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, lớn lên cùng đất nước trong suốt chặng đường lịch sử đã qua và ngày nay đang là nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới của đất nước, là huyết mạch của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hành trình vẻ vang đó, những người công tác trong ngành NH Gia Lai có chung niềm tự hào vì những đóng góp vào sự phát triển của ngành, của đất nước. Tiền thân là Tiểu ban Ngân tín được thành lập tại mật khu kháng chiến chống Mỹ, những cán bộ Ngân tín thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận tiền tệ, tín dụng vừa làm công tác NH vừa cầm súng chiến đấu và có người đã anh dũng hy sinh. Nối tiếp truyền thống đó, hai tháng sau ngày tỉnh Gia Lai giải phóng, ngành NH Gia Lai được thành lập và bước vào một thời kỳ mới. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, ngành NH vừa tích cực tổ chức bộ máy, xây dựng cơ sở vật chất vừa đẩy mạnh các mặt hoạt động góp sức vào công cuộc ổn định kinh tế, đời sống xã hội trong hoàn cảnh đầy những khó khăn, phức tạp.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI năm 1976: “Ổn định đời sống, sản xuất, khai hoang xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi, định canh định cư cho đồng bào dân tộc, đón dân xây dựng vùng kinh tế mới”, cán bộ NH đã bám địa bàn, có mặt trên công trường khai hoang xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, thực hiện công tác đầu tư tín dụng, hướng dẫn đồng bào cấy trồng, chăn nuôi, sản xuất. Đến năm 1985, hệ thống cơ sở vật chất NH từ tỉnh đến huyện đã được xây dựng hoàn chỉnh. Đội ngũ cán bộ từ 44 người trong chiến khu về năm 1975 đã tăng lên gần 700 người vào năm 1985 với 20% cán bộ có trình độ trung học và đại học chuyên ngành.

Ghi nhận công sức đóng góp và thành tích của ngành trong những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà nước đã tặng thưởng cho ngành NH Gia Lai-Kon Tum trước đây, trong đó có NH Gia Lai hôm nay, Huân chương Lao động hạng ba năm 1982 và Huân chương Lao động hạng nhì năm 1986. Ngành cũng được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc.

 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Khi lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, ngành NH cũng trải qua không ít gian nan. Riêng ngành NH Gia Lai nói riêng đã gặt hái được nhiều bài học kinh nghiệm quý để bước vào thời kỳ đổi mới theo đường lối của Đảng. Từ một nền kinh tế có mức lạm phát 774,7% năm 1986, đến năm 1990 đã giảm xuống còn 64,4% và năm 1995 giảm xuống mức 12,7%. Nền kinh tế đều đặn giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao. Kết quả đó chứng minh sự đúng đắn của đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là thành tựu to lớn, đưa nước ta cơ bản thoát ra khỏi khủng hoảng. Trong thành tựu to lớn đó, có sự đóng góp xứng đáng của ngành NH, thể hiện qua việc thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng NH linh hoạt và hiệu quả.

Lịch sử trưởng thành của ngành NH trong công cuộc đổi mới được ghi nhận bằng việc ra đời 2 Pháp lệnh NH tháng 5-1990, chuyển hệ thống NH một cấp thành hệ thống NH hai cấp với sự phân định rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước của NH Nhà nước và chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ NH của ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tín dụng; đưa hoạt động NH từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau đó, ngày 12-12-1997, Luật NH Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 26-12-1997, là thành tựu lớn nhất của ngành NH Việt Nam trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Với ngành NH Gia Lai, giai đoạn này đặt trước nhiều thử thách, phải tự đổi mới theo yêu cầu của tiến trình chung để đảm đương nhiệm vụ trong điều kiện chưa có tiền lệ ở địa bàn một tỉnh miền núi Tây Nguyên còn nghèo nàn, lạc hậu. NH Gia Lai lại rà soát cải tổ về tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn vừa bảo đảm yêu cầu năng lực hiệu quả đối với công tác vừa giữ vững nguyên tắc dân chủ, công bằng về quyền lợi. Kết quả, bộ máy của NH Nhà nước cũng như các NHTM tinh gọn hơn, tăng cường được sức mạnh, bảo đảm sự đoàn kết, giành thắng lợi ngày một to lớn hơn.

Nếu năm 1995, ngành NH Gia Lai chỉ có Chi nhánh NH Nhà nước, Chi nhánh NH Nông nghiệp và PTNT, Chi nhánh NH Đầu tư và Phát triển cùng với Công ty Vàng bạc đá quý thì nay, hệ thống NH trên địa bàn đã được xây dựng và hình thành khá đầy đủ. Hiện tại, ngoài Chi nhánh NH Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động NH ở địa phương, trên địa bàn tỉnh đã có 20 chi nhánh NH và 6 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ NH, với mạng lưới 115 địa điểm giao dịch. Đội ngũ cán bộ năm 1991 là 594 người (11% có trình độ đại học) thì nay là hơn 2.000 người (trên 80% có trình độ đại học và trên đại học).

Với công tác huy động vốn, nếu như năm 1991 chỉ đạt gần 20 tỷ đồng, năm 1995 là 258 tỷ đồng, thì cuối năm 2015 vốn huy động của các NH trên địa bàn đạt 24.700 tỷ đồng và đến cuối tháng 3-2016 đạt 26.100 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 1995 là 425 tỷ đồng thì đến cuối năm 2015 đã lên đến 55.644 tỷ đồng và cuối tháng 3-2016 đạt trên 57.800 tỷ đồng, đứng thứ hai khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Nợ xấu duy trì ở mức dưới 1% trên tổng dư nợ. Tín dụng NH Gia Lai đã và đang góp phần quan trọng đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển; tín dụng tăng trưởng nhanh và ổn định là nhân tố bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh tăng bình quân luôn cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước trong nhiều năm qua. Cùng với đầu tư tín dụng, ngành NH Gia Lai chú trọng phát triển các dịch vụ tiện ích NH; sản phẩm dịch vụ ngày càng hoàn thiện và đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng về thanh toán.

 

Ghi nhận đóng góp và thành tích của ngành trong những năm đổi mới, Nhà nước đã tặng thưởng cho NH Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai Huân chương Lao động hạng ba năm 2007 và Huân chương Lao động hạng nhì năm 2012. Các đơn vị như Chi nhánh NH TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh, Chi nhánh NH Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Chi nhánh NH TMCP Công thương tỉnh… đã và đang là những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của ngành.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ do tình hình đặt ra nên từ sau sự kiện biểu tình bạo loạn năm 2001, bên cạnh nhiệm vụ chính, NH Nhà nước tỉnh còn được Tỉnh ủy phân công phối hợp phụ trách xã trọng điểm an ninh chính trị Ia Glai (huyện Chư Sê). Cộng đồng trách nhiệm, NH Nhà nước tỉnh đã cử nhiều lượt cán bộ bám sát địa bàn, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể địa phương củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng-an ninh và đảm bảo trật tự xã hội. Trách nhiệm với cộng đồng, ngành NH tỉnh còn có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Chỉ trong 5 năm qua, ngành NH đã vận động đóng góp, ủng hộ 237 tỷ đồng để tài trợ các chương trình an sinh xã hội. Trong đó, xây dựng trường học 35,9 tỷ đồng; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà truyền thống 107,7 tỷ đồng; hỗ trợ trang-thiết bị và xe cứu thương cho bệnh viện 25,2 tỷ đồng; xây dựng nhà tình nghĩa 47,2 tỷ đồng… Riêng trong năm 2015, ngành NH tỉnh đã đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên 90 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng trường học 22 tỷ đồng; hỗ trợ trang-thiết bị y tế và xe cứu thương cho bệnh viện 20,6 tỷ đồng; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài, đài tưởng niệm 38 tỷ đồng; xây dựng nhà tình nghĩa 6 tỷ đồng… Nhiều NH tích cực tham gia công tác này như NH TMCP Công thương tỉnh 28 tỷ đồng, NH TMCP Bưu điện Liên Việt tỉnh 15 tỷ đồng, NH TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh 15 tỷ đồng, NH TMCP Ngoại thương tỉnh 7 tỷ đồng...

Phát huy truyền thống và kết quả đạt được, ngành NH Gia Lai nhận thức rõ thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi phải bám sát các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ và NH Nhà nước Việt Nam để đề ra chương trình hành động phù hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, tạo cơ sở vững chắc cho việc hội nhập và cạnh tranh với hệ thống ngân hàng khu vực và thế giới.

Nguyễn Văn Cư
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai

Có thể bạn quan tâm