Đẩy lùi hủ tục ở buôn làng - Kỳ 1: Bước qua lời nguyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bao đời nay, nhiều tập tục trên các lĩnh vực: tang ma, lễ hội, cưới hỏi… đã tồn tại, chi phối mạnh mẽ cuộc sống con người ở vùng đất Tây Nguyên. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều tập tục trở thành rào cản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Với sự chung tay và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiều hủ tục, vấn nạn đang được đẩy lùi, bài trừ, làm cơ sở để xây dựng nếp sống văn minh ở buôn làng.

Người dân tộc thiểu số bản địa ở Gia Lai quan niệm rằng, khi ai đó chết đi, họ sẽ được tái sinh ở thế giới bên kia. Chính vì vậy, việc lo hậu sự cho người đã khuất luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, kéo theo khá nhiều tập tục liên quan. Trải qua hàng thập kỷ kiên trì tuyên truyền, vận động và cả đấu tranh, một số hủ tục “rùng mình” như chôn chung, chôn con theo mẹ từng phổ biến ở một số vùng đã được xóa bỏ.

Đoạn tuyệt với tục chôn chung

Một ngày cuối tháng 9, theo chân ông Rcom Dzuy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trok (huyện Ia Pa), chúng tôi về lại khu nhà mồ cũ của 9 hộ dân làng Bôn Tông Sê nằm cạnh khuôn viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Không gian nơi này lặng lẽ, trầm mặc. Cách đây nửa năm, 9 gia đình có mộ người thân ở khu nhà mồ này đã quyết định tổ chức lễ bỏ mả để đoạn tuyệt với tục chôn chung từng tồn tại bao đời.

Ngày bỏ mả, bà Ksor H'Loát (SN 1957) sụt sùi nói lời tiễn biệt 11 người thân đang nằm trong cùng một huyệt mộ. Tiếc nuối, xót thương, nhẹ nhõm đan xen trong buổi đưa tiễn linh hồn người chết. Đội cồng chiêng tấu lên một âm điệu trầm buồn mênh mang. Sau buổi lễ, theo đúng lời cam kết với chính quyền địa phương, bà H'Loát cũng như 8 gia đình còn lại sẽ không lui tới khu nhà mồ này nữa.

Khu nghĩa địa mới được xã Ia Trok (huyện Ia Pa) bố trí cho các hộ dân ở làng Bôn Tông Sê  chôn cất người chết. Ảnh: Phương Linh
Khu nghĩa địa mới được xã Ia Trok (huyện Ia Pa) bố trí cho các hộ dân ở làng Bôn Tông Sê chôn cất người chết. Ảnh: Phương Linh


Tất thảy người dân trong làng đều không rõ tục chôn chung có từ khi nào, chỉ biết nó được truyền từ đời này sang đời khác. Năm 1973, bà H'Loát là người đầu tiên chôn cất mẹ mình ở khu nhà mồ này. Sau đó, có tới 10 người thân của bà H'Loát lần lượt được an táng chung trong phần mộ của mẹ bà. Đây là ngôi mộ chôn chung nhiều người nhất làng. Gần 50 năm trôi qua mà khu nhà mồ chỉ tăng thêm 4 phần mộ dù đây là nơi an nghỉ của tổng cộng 21 người. Theo quan niệm của người Jrai, người trong cùng gia đình, dòng họ khi chết phải chôn chung để vẫn được gần nhau. Ông Rơ Ô Đak-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bôn Tông Sê vẫn còn ám ảnh khi nhắc lại cái lần ông giúp một gia đình chôn người chết vào mộ chung. “Mấy thi thể chồng lên nhau, có thi thể chưa kịp phân hủy hết. Tôi mất đến mấy ngày không thể ăn uống gì được vì ám ảnh. Vẫn biết đó là tập tục nhưng đời sống giờ khác rồi. Phải bỏ tục này thôi vì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc học tập của các cháu học sinh”.

Nói thì đơn giản, làm được mới khó. Tập tục đã tồn tại lâu đời, đâu dễ thay đổi ngày một ngày hai. Ông Rcom Dzuy nhớ lại: “Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức hàng chục cuộc họp, hàng trăm lần tới lui từng nhà để nói chuyện, phân tích cho bà con hiểu nhưng đều bất thành. Người dân vẫn nhất mực muốn giữ khu nhà mồ và tục chôn chung”.

Ở cái tuổi 77, cũng có người thân chôn chung trong khu nhà mồ trên, những tưởng bà Ksor H'Điu sẽ khó chấp nhận từ bỏ tập tục truyền thống. Vậy nhưng, bà lại là người tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục này. Bà H'Điu kể lại: “Gia đình tôi có một phần mộ chung chôn mẹ và người cậu. Năm 2016, khi chồng tôi mất, con gái tôi là Ksor Chrin hiện làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) không đồng tình chôn chung nữa mà làm một phần mộ riêng. Nó nói chôn chung không tốt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe mọi người. Thấy con nói phải nên tôi nghe theo”. Vậy là sau bao đời, một bước tiến mới ở Bôn Tông Sê đã được xác lập nhưng vẫn khó lay chuyển tư tưởng một số người khác trong làng.

Năm 2020, không chấp nhận “bất lực” trước hủ tục chôn chung ở Bôn Tông Sê, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa đã nhận trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc giải quyết dứt điểm vấn đề này. Qua các buổi đối thoại, nhận thấy sức ảnh hưởng của gia đình bà H'Điu đối với dân làng, ông Hương tìm đến nhà người đầu tiên dám từ bỏ tục lệ để gặp gỡ, trò chuyện. Bà H'Điu và con gái vui vẻ đồng ý phối hợp tuyên truyền, giải thích cho bà con cùng hiểu, tiến tới bỏ tục chôn chung, trả đất của khu nhà mồ cho trường học. Đồng thời, xã Ia Trok bố trí diện tích đất khác để bà con làm nghĩa địa. Cuối cùng, cả 9 hộ dân đều đồng thuận. Để giúp họ tổ chức lễ bỏ mả, lãnh đạo các phòng, ban của huyện, cán bộ xã, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Ban tự quản thôn đóng góp gần 36 triệu đồng, trong đó, cá nhân ông Hương ủng hộ 5 triệu đồng.  

Và người dân Bôn Tông Sê đã không thất hứa. Vừa qua, bà Siu H'Tlôh đã thực hiện đúng cam kết: Sau khi mẹ qua đời, bà đưa về an táng ở khu nghĩa địa mới. Cùng với lễ bỏ mả cuối cùng ở khu nhà mồ Bôn Tông Sê, có thể nói hủ tục này gần như đã được xóa bỏ trên địa bàn tỉnh.

Hồi sinh những phận người

“Một người đang sống mà bị đem đi chôn, chỉ nghĩ thôi đã thấy thật khủng khiếp”-bà H'Nơn mở đầu như thế trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi vào một sáng cuối tuần tại quán cà phê của gia đình ở làng Tuơh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa.

Chân dung vợ chồng bác sĩ Blum-H'Nơn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chân dung vợ chồng bác sĩ Nay Blum-H'Nơn. Ảnh: Hoàng Ngọc


Bà H'Nơn chưa bao giờ quên buổi sáng ngày 20-8-1995. Một người đàn ông khắc khổ chạy chiếc xe máy cũ kỹ lao thẳng vào cổng nhà bà. Quẳng chiếc xe ngã chỏng chơ, người này run rẩy nói: “Bác sĩ ơi cứu vợ mình! Nó băng huyết từ đêm qua đến giờ, cứu nó!”. Không chút chậm trễ, nữ hộ sinh H'Nơn và chồng là bác sĩ Nay Blum vội mang túi dụng cụ, thuốc men theo người đàn ông kia về thẳng làng Hlang, xã Hnol. Theo lời của gia đình, sản phụ sinh con từ 18 giờ hôm trước và bị băng huyết. “Lúc vợ chồng mình đến, sản phụ đã tím tái, dù làm mọi cách nhưng không thể cứu sống”-bà H'Nơn vẫn xúc động mạnh khi nhớ lại. Lát sau, vợ chồng bà được dẫn ra gốc nhãn trước nhà. Đứa trẻ nằm đó, thoi thóp, không mảnh vải giữ ấm.

Bế đứa bé đỏ hỏn trên tay, bà làm vệ sinh dây rốn, lau người, quấn khăn ủ ấm rồi bật khóc nức nở. Bà nói với chồng và gia đình sản phụ rằng đứa trẻ sinh non, đang rất yếu, phải được chăm sóc đặc biệt. Vừa dứt lời, bà đã thấy người làng kéo đến rất đông. Ai nấy đều trong tâm thế chuẩn bị tiễn mẹ con sản phụ về thế giới atâu. Dù đứa trẻ còn sống hay đã chết đều phải chôn theo mẹ, đó là lệ tục bao đời nay. Bởi họ quan niệm, nếu không để đứa trẻ đi theo, hồn ma người mẹ sẽ cứ mãi buồn thương, quanh quẩn, không siêu thoát được.

Bằng trách nhiệm của người thầy thuốc và hơn hết là tình yêu từ trái tim người mẹ, bà một mực phản đối hành động này. Bà ôm đứa trẻ đứng giữa vòng vây và lớn tiếng khẳng định: “Đứa trẻ không có tội. Dân làng quyết đem nó chôn sống theo mẹ là vi phạm pháp luật”. Bà vừa giải thích vừa khẩn cầu. Nhưng không ai khác, chính bà ngoại đứa trẻ lại là người phản đối quyết liệt nhất, còn cha cháu bé cũng lẳng lặng đồng tình. Nhiều giờ trôi qua, người chết vẫn nằm đó, đứa trẻ thì khát sữa khóc ngằn ngặt, còn vợ chồng bà H'Nơn thì bị bao vây. Nhìn lướt các khuôn mặt, bà thoáng thấy sự ngập ngừng ở già làng nên tiếp tục thuyết phục: “Mình hứa sẽ đưa cháu bé về để chữa trị. Nếu cháu sống, mình nhận làm con và chăm sóc, lo lắng như con đẻ. Còn nếu nó chết, mình mang về trả gia đình để chôn theo mẹ”.

Tấm lòng của vợ chồng bà đã lay động được “thủ lĩnh” làng. Chính ông đã đứng ra mở vòng vây để họ và cháu bé rời đi. 4 tháng sau, như lời hứa, vợ chồng bà đưa cậu bé được đặt tên là Nay Thuym về lại làng để gặp người thân. “Ông bà nội-ngoại và bố nó khóc nhiều lắm! Ai cũng xấu hổ về chuyện cũ nên không dám nhìn con, cháu”-bà H'Nơn nhắc lại. Trước đông đảo dân làng, bà ngoại và bố Nay Thuym xin già làng mổ heo để cảm ơn, đồng thời giao luôn Thuym cho vợ chồng bác sĩ nuôi dưỡng.

Sau lễ bỏ mả ở khu nhà mồ cũ, người dân Bôn Tông Sê (nhỏ) xã Ia Trôk, huyện Ia Pa cam kết không chôn chung người chết nữa. Ảnh: Phương Linh
Sau lễ bỏ mả ở khu nhà mồ cũ, người dân làng Bôn Tông Sê (nhỏ) xã Ia Trok, huyện Ia Pa cam kết không chôn chung người chết nữa. Ảnh: Phương Linh


Cậu bé Nay Thuym giờ đây đã trưởng thành, có cuộc sống gia đình riêng ấm áp với vợ và 2 con. Chị Kei-vợ anh Nay Thuym-chia sẻ: “Trước khi cưới, mình đã nghe chuyện của anh Thuym nên càng thương anh nhiều hơn. Mình cảm ơn ba Blum, mẹ H'Nơn vì nhờ có ba mẹ mà mình mới có một gia đình như hiện nay. Vợ chồng mình ở cùng làng nên thường xuyên qua lại, ba mẹ cũng chia cho tụi mình một mảnh vườn để trồng cà phê”. Thi thoảng, họ vẫn về làng cũ thăm họ hàng, người thân và chẳng nghe nói gì về hủ tục ngày nào.

Cũng như bà H'Nơn, đã 17 năm trôi qua nhưng chị Y Byen (SN 1990, làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) vẫn nhớ như in cái đêm chị cùng cha mẹ tức tốc vượt quãng đường hơn 50 km về xã Đê Ar (huyện Mang Yang) khi nghe tin một đứa trẻ sơ sinh sắp bị chôn theo người mẹ không may qua đời. Rẽ đám đông dân làng đang vây quanh, Y Byen không còn nghĩ được gì khác ngoài việc chạy tới bế đứa bé vừa chào đời đang nằm cùng người mẹ đã mất trong quan tài. Ôm ghì đứa trẻ vào lòng, Y Byen lạc giọng: “Cháu sẽ nuôi đứa bé này, mong mọi người đồng ý”. Không ai có thể ngờ một cô bé chỉ vừa 14 tuổi lại can đảm đến vậy. Có lẽ điều ấy đã lay động mạnh mẽ cảm xúc của gia đình và dân làng. Lưỡng lự, bàn bạc hồi lâu, họ đồng ý để Y Byen và cha mẹ đem cậu bé về nuôi dưỡng.

 Cậu bé Y Song (bên phải) được chị Y Byen cứu khỏi bị chôn theo người mẹ không may qua đời. Ảnh: Phương Linh
Cậu bé Y Song (bên phải) được chị Y Byen cứu khỏi bị chôn theo người mẹ không may qua đời. Ảnh: Phương Linh



17 năm trôi qua, cậu bé Y Song ngày nào đã trưởng thành. “Không mang nặng đẻ đau nhưng mình coi Song như con ruột. Lần đầu tiên con cất tiếng gọi mẹ, mình đã khóc trong hạnh phúc. Song rất hiểu chuyện, ngoan ngoãn, yêu thương gia đình hết mực”-chị Y Byen tâm sự. Mặc cho người đời dị nghị, cô ca sĩ Y Byen (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) đã dũng cảm bước qua hủ tục khi tuổi còn rất trẻ. “Giờ nghĩ lại lúc ấy, mình vẫn còn run. Đứa bé đâu có tội gì, sao phải bắt nó chết cùng người mẹ xấu số. Thật mừng khi bây giờ hủ tục ấy đã không còn nữa. Mình cũng thường đưa Y Song về gặp gỡ họ hàng ruột thịt để gắn kết tình thân”-chị Y Byen hạnh phúc bộc bạch.
 

NHÓM PHÓNG VIÊN
 

--------------
Kỳ 2: Cất đi “gánh nặng” lệ tục

 

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.