"Cuộc chiến" giữ nhà cho voọc mông trắng (bài 2): Mỏ đá "lăm le" sát cửa "nhà" voọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên đường vào “nhà” voọc mông trắng, phóng viên Báo NTNN tận mắt chứng kiến những đại công trường khai thác đá “ăn” hết núi đá vôi này đến núi đá vôi khác. Tiếng máy khoan đá, máy xúc, xe ben chở đá hoạt động làm huyên náo cả một vùng...
Công trường sát "nhà" voọc
Với sự hỗ trợ của ông Lê Văn Hiên (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), các tổ chức quốc tế, các cơ quan chức năng trong nước đã ghi nhận loài voọc mông trắng trong các tài liệu chính thức. Những cá thể voọc chuyền từ cành này sang cành cây khác trong thung Cơm Tám, Ba Bậc, Đại Địa, Xồ Là Má, Thần Chết, Dứa… ở huyện Kim Bảng sẽ được hết thảy các cơ quan chức năng bảo vệ. Trên lý thuyết là thế, thực tế thì sao?
Tại khu vực thung Dứa, xã Thanh Sơn (tên do người dân địa phương đặt) hiện cũng đang khai thác đá nham nhở. Lớp thực bì, cây cối ở các ngọn núi cao bị lột bỏ, lộ ra lớp đá trắng xoá. Khu vực này, trước đây người dân đã ghi nhận một số cá thể voọc mông trắng. "Năm 2019, vào buổi trưa, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một số con voọc mông trắng kiếm ăn ở dãy núi gần công trường. Có hôm mưa rét, tôi còn thấy đàn voọc về hang ở gần thung Dứa ngủ vào buổi tối"- một bảo vệ làm việc tại công trường khai thác đá cho biết.
 
Hình ảnh voọc mông trắng ghi nhận tại khu rừng ở Hà Nam. Ảnh: N.Đ
Hình ảnh voọc mông trắng ghi nhận tại khu rừng ở Hà Nam. Ảnh: N.Đ
Bà N.T.L (ở xã Thanh Sơn) cho biết, đời sống của người dân ở xã Thanh Sơn bị đảo lộn bởi ô nhiễm, khói bụi. "Bụi bay vào nhà, bể nước khiến đời sống sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Người còn không chịu được, nói gì đến loài voọc sống gắn với tự nhiên" - bà L nói.
Theo tài liệu phóng viên Báo NTNN có được, khu vực rừng Kim Bảng đã được cơ quan chức năng cấp phép cho 15 công ty khai thác đá. Trong đó, có những vị trí khai thác được cấp phép lấn sâu vào nơi sinh sống của loài voọc mông trắng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Đức - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn xác nhận, từ năm 2005, một số công ty được Hà Nam cấp phép cho khai thác đá tại khu vực rừng Kim Bảng. Hằng năm, chính quyền xã thường xuyên làm việc với các công ty yêu cầu họ chấp hành về việc đảm bảo môi trường, che chắn khu vực khai thác để không ảnh hưởng tới người dân.
"Đối với loài voọc mông trắng, hiện Hà Nam đang rà soát dự kiến thành lập khu bảo tồn. Mỗi năm, chúng tôi vẫn tổ chức hội nghị tuyên truyền để người dân hiểu, không tham gia việc săn bắt các loài động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc mông trắng"- ông Đức nói.
Cần hành động khi chưa muộn
"Nhà" của loài voọc mông trắng ở Hà Nam quý giá đến mức nào? Theo nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), khu vực loài voọc mông trắng sinh sống là những dãy núi đá vôi nguyên sinh, xen kẽ với các đồi sa thạch, phiến thạch và thung lũng hẹp. Phần lớn diện tích là đất có rừng.
 
Từ năm 2005, một số công ty được cấp phép cho khai thác đá tại khu vực rừng Kim Bảng. Diện tích rừng sau đó bị thu hẹp, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật. Ảnh: N.Đ
Từ năm 2005, một số công ty được cấp phép cho khai thác đá tại khu vực rừng Kim Bảng. Diện tích rừng sau đó bị thu hẹp, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật. Ảnh: N.Đ
Theo khảo sát, nhà của voọc mông trắng cũng là nơi trú ngụ của 129 loài động vật, bao gồm 36 loài thú, 65 loài chim, 28 loài bò sát. Đặc biệt, có đến 24 loài hiện đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Chúng tôi may mắn có những ngày đêm được sống trong ngôi nhà đấy, được tận mắt những nhìn thấy những loài động vật trong Sách đỏ. Chẳng biết đến đến đời con cháu chúng tôi, những loài vật ấy còn nhảy nhót trong rừng Kim Bảng hay chỉ còn những hình ảnh trong sách báo, những clip trên truyền hình, YouTube?
Cơ quan chức năng cũng nhận ra sự quý giá của "báu vật" trong rừng đá vôi Kim Bảng. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức, nhiều văn bản đã được ban hành từ cấp độ Chính phủ đến địa phương. Các cuộc khảo sát thực địa tiếp tục được tiến hành sau khi có những ghi nhận chính thức của Tổ chức FFI về loài voọc mông trắng tại đây. Rồi các văn bản tiếp tục được ban hành.
Gần đây nhất, từ ngày 26/11 - 10/12/2020, Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng các khu mỏ đang hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với khu vực rừng trước đó đã ghi nhận loài voọc mông trắng.
Trong nửa tháng, đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát tại khu vực của 15 công ty đang khai thác khoáng sản giáp ranh với khu quy hoạch bảo tồn. Tại thời điểm khảo sát, 11 công ty vẫn đang thực hiện hoạt động khai thác, xay đá tại chỗ; 4 công ty chưa thực hiện hoạt động khai thác.
Trong quá trình đi rừng, đoàn tiếp tục ghi nhận 4 đàn, với tổng 25 cá thể voọc mông trắng (bằng hình ảnh và clip) xuất hiện tại khu vực giáp ranh phía đông của khu dự kiến bảo tồn với các khu vực mỏ khoáng sản.
Cụ thể, tại thung Đại Địa ghi nhận từ 6-8 cá thể voọc mông trắng; thung Xồ Là Má 3 - 4 voọc mông trắng; thung Cơm Tám và Ba Bậc 12 cá thể; thung Dứa 1 cá thể. Thảm thực vật trong khu vực rừng đang phục hồi và phát triển tốt.
Những đề xuất kiến nghị đã được đưa ra để nhằm bảo tồn "báu vật" trong rừng Kim Bảng. Cụ thể, Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam đã đề nghị UBND tỉnh Hà Nam xem xét, quyết định đối với các khu vực thung Cơm Tám; Ba Bậc; Xồ Là Má; Thần Chết - khu mỏ đá quy hoạch dự kiến cấp cho các công ty khai thác đá - đưa trở lại vào khu bảo tồn. Họp bàn là thế, đi thực tế cũng đã thấy rồi nhưng những hành động cấp thiết vẫn chưa được thực hiện. Như lời lãnh đạo Sở NNPTNT đã nói: "Chúng tôi đã khảo sát, đánh giá lại khu vực bảo tồn, nhưng còn một số vướng mắc chưa thể triển khai được".
Đúng là có những cái "khó, rất khó", những "vướng mắc cần tháo gỡ" nên đến giờ các mỏ đá vẫn hoạt động, những mỏ đá đã cấp phép vẫn còn nguyên hiệu lực, còn khu bảo tồn vẫn nằm trên giấy.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)

https://danviet.vn/cuoc-chien-giu-nha-cho-vooc-mong-trang-bai-2-mo-da-lam-le-sat-cua-nha-vooc-20210315161440966.htm

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.