Chiếc đồng hồ 40 năm vun đắp thêm tình bạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một người lính Mỹ trước lúc rời Hội An - nơi đơn vị đồn trú - đã ôm một cậu bé 9 tuổi người Việt và hứa rằng ngày trở lại sẽ tặng cậu một chiếc đồng hồ đeo tay.
Ngày gặp lại để trao món quà sau 40 năm là một chiếc đồng hồ của ông Phil dành cho ông Lê Đình Cẩm - Ảnh: T.B.D. chụp lại
Ngày gặp lại để trao món quà sau 40 năm là một chiếc đồng hồ của ông Phil dành cho ông Lê Đình Cẩm - Ảnh: T.B.D. chụp lại
Lời hứa ấy phải mất 40 năm để thành hiện thực. Một ngày cuối năm 2007, người lính Mỹ đã trở lại. Trên tay ông là chiếc đồng hồ và một tình bạn đã nảy nở từ đó.
Nhớ Cam - cậu bé trung thực
Người lính Mỹ trong câu chuyện là ông Phil Seymour, hiện 74 tuổi, sống cùng người vợ tại một bang của miền Bắc nước Mỹ. Phil đến Việt Nam vào tháng 12-1966. Cậu bé mà Phil mang theo lời hứa quá nửa đời người là Lê Đình Cẩm - ông Phil gọi cậu là "Cam", hiện có nhà tại tổ 8, khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu (TP Hội An).
Trong hồi ký của mình, Phil kể rằng những năm 1966-1967 đơn vị của ông đóng quân tại Hội An. Trong đám trẻ gần đồn lính, Phil đặc biệt quý mến Lê Đình Cẩm - cậu bé 9 tuổi bởi Cẩm thật thà và giàu lòng tự trọng. Cẩm thường ra nơi toán lính của Phil để chơi nhưng không bao giờ cậu lấy đồ đạc của người lớn mà không được phép.
Phil nói rằng vào tháng 6-1967, ông phải di chuyển theo đơn vị qua Thái Lan. Vì sợ Cam sẽ buồn, Phil không tiết lộ việc đó. Buổi trưa trước ngày Phil lên đường, Cam ra chơi như thường lệ. Thấy một bộ đồ của Phil cáu bẩn, cậu bé Hội An đem ra bờ kênh để giặt. Cam đã mê mẩn hàng chục phút khi thấy trong túi áo mà Phil mặc có một chiếc đồng hồ đeo tay bằng inox thật đẹp. "Tôi thật sự rất thích chiếc đồng hồ ấy nhưng tôi không lấy nó mà để lại nguyên trong túi áo của Phil. Có lẽ điều đó đã làm ông ấy xúc động" - ông Lê Đình Cẩm nhớ lại.
40 năm ray rứt mang một lời hứa
Phil biết câu chuyện người bạn nhỏ của mình là Cam rất thích chiếc đồng hồ của ông. Nhưng vì đó là kỷ vật của cha mẹ tặng nhân dịp sinh nhật, ông không thể tặng Cam được. Ngày hôm sau, khi chuẩn bị lên xe để rời Hội An, người lính Mỹ đã tới vỗ vai Cam rồi nói rằng: "Lúc trở lại, tôi sẽ mua tặng cậu chiếc đồng hồ giống như của tôi đang có".
Một lời hứa, một "tình bạn" tưởng như nhòa lẫn và chẳng mấy ai nhớ tới, ngay cả cậu bé ngày đó nay là ông Lê Đình Cẩm bảo cũng quên ngay sau đó nhưng lại day dứt và theo từng giấc ngủ đối với ông Phil suốt hơn 40 năm. Phil nói rằng ngay khi qua Thái Lan, ông đã tìm mua được một chiếc đồng hồ mới và chờ ngày trở lại. Nhưng cuộc chiến kéo dài khiến Phil không thể thực hiện được dự định. Khi giải ngũ ông quay trở về Mỹ sinh sống, lấy vợ, có việc làm ổn định. Cách đó nửa vòng trái đất, Cam cũng lớn lên và cậu chẳng nhớ gì về chiếc đồng hồ mà người lính Mỹ hứa.
Phil nói rằng cậu bé Cam có thể quên chuyện chiếc đồng hồ nhưng với ông thì không. Bởi đó là một lời hứa với một đứa trẻ - một người bạn nhỏ tuổi mà ông đã từng rất quý mến. Ông vẫn giữ chiếc đồng hồ đã mua cho Cam trong balô, lời hứa với cậu bé vẫn làm ông ray rứt. Và hành trình tìm Cam đã bắt đầu...
Ông đây sao, Cam Hoi An 1967?
Mùa đông giáp tết năm 2007, chuyến bay chở theo đoàn khách từ Mỹ qua Việt Nam du lịch có hành khách tên Phil Seymour. Ông cùng vợ qua Việt Nam du lịch nhưng thật sự cũng rất muốn đi tìm Cam. Và chuyện vui đã đến.
Ông Lê Đình Cẩm vẫn xúc động khi kể lại giây phút ông lớ ngớ khi đứng trước mặt Phil. Trước giây phút ấy, ông đang làm ruộng thì có một người bà con chạy ra bảo ông về nhà, có người cần gặp. Ông không kịp giội lớp bùn quấn trên ống quần, cứ thế cuốc bộ tới khách sạn nhỏ trên đường Cửa Đại (TP Hội An). Khoảnh khắc thấy ông, một người đàn ông tóc bạc, cao lớn liền lao tới rồi òa khóc. "Cam! Cậu chính là Cam của Hoi An 1967, cậu còn nhớ tôi không? Phil - bạn của cậu năm xưa đây!".
Thấy ông Cẩm lúng túng, Phil lôi chiếc đồng hồ để sẵn trong túi rồi đưa lên ngang ngực của ông Cẩm. "Cậu còn nhớ không? Tôi đã mua nó ở Thái Lan và giữ nó suốt 40 năm nay, tôi đợi ngày này để tặng cậu" - Phil Seymour nói. Nhìn chiếc đồng hồ, ông Cẩm nhận ra ngay và trong đầu hiện về những hình ảnh ký ức mà ông đã cùng Phil nói chuyện bên bờ ruộng tại Hội An ngày nào.
Kết cục đẹp của một tình bạn
Hai người bạn cũ gặp nhau sau 40 năm và giờ ai cũng khác. Cậu bé Cẩm 9 tuổi năm nào giờ cũng đã lên chức ông với năm người con và nhiều cháu ngoại, nội.
Chị Lê Thị Kim Vy, cô con gái đầu của ông Cẩm, cho biết không ai có thể nghĩ ông Phil lại "nặng nợ" với lời hứa suốt mấy chục năm để rồi cố gắng lần tìm tung tích bạn mình. Lúc gặp lại nhau, Phil Seymour và Cam không rời nhau. Hai người đàn ông tóc bạc đã kể cho nhau về hành trình từ khi xa nhau, cùng ra khu rừng dừa để tìm lại nơi ngày xưa đồn lính Mỹ mà Phil đóng quân ở đó. Sau lần trở lại đầu tiên vào 2007 thì năm 2012 Phil cùng vợ tiếp tục trở lại Hội An thăm ông Cẩm.
Chuyện bạn bè của ông Cẩm và Phil còn tiến triển tốt đẹp hơn sau đó. Ông Phil nhận lời giúp chị Vy nối lại chuyện học hành sau nhiều năm dang dở để đi làm thuê nuôi các em. Phil đã về Mỹ rồi kể chuyện cho bạn bè, họ xúc động và cùng giúp Vy. Cũng chính ông Phil đã kết nối để Vy được vào một trường học nghề du lịch tại TP.HCM. Nhờ có sự giúp đỡ của Phil, chị Lê Thị Kim Vy đã tốt nghiệp, ra trường và tìm được việc làm ổn định tại TP.HCM.

Qua Mỹ gặp ân nhân

Những ngày này, chị Lê Thị Kim Vy đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để lên máy bay qua Mỹ tìm gặp cựu binh Phil Seymour - người bạn của cha chị nhưng cũng là người đã giúp chị thay đổi số phận. Chị Vy nói rằng nếu không có tình bạn đặc biệt giữa cha chị với Phil Seymour thì chị giờ đây hẳn vẫn còn ngồi ở đâu đó một quầy vải tại Hội An để bán cho khách mua chứ không thể có công ăn việc làm ổn định trong ngành du lịch như chị đã ước ao.

Ông Cẩm cùng con gái mình là Lê Thị Kim Vy với những kỷ vật mà ông Phil đã gửi tặng gia đình - Ảnh: T.B.D.
Ông Cẩm cùng con gái mình là Lê Thị Kim Vy với những kỷ vật mà ông Phil đã gửi tặng gia đình - Ảnh: T.B.D.

"Gia đình tôi và ông Phil Seymour vẫn liên lạc hằng ngày với nhau qua mạng xã hội. Ông ấy đã qua thăm bố tôi nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn chưa đi qua Mỹ thăm ông ấy được lần nào. Mới đây nghe tin ông ấy phải nhập viện sau tai nạn, hai vợ chồng không có con nên ba mẹ hối thúc tôi làm thủ tục để qua Mỹ lần đầu thăm Phil Seymour. Chuyến đi này tôi cũng muốn cảm ơn những người Mỹ là bạn của ông ấy đã quyên tiền, giúp tôi nối lại việc học hành đã đứt đoạn do hoàn cảnh khó khăn trước đây" - chị Vy nói.


Một câu chuyện "khó tin"
Anh Lưu Trung Kiên, quản lý điều hành Công ty du lịch OAT (Hà Nội) - người đã trực tiếp gặp Phil và giúp ông tìm được ông Lê Đình Cẩm sau 40 năm - kể rằng lúc trên máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi Hội An, ông Phil gần như không chợp mắt. Trên tay ông vẫn ôm hộp đồng hồ. "Thỉnh thoảng ông ấy lại lôi những bức ảnh đã chụp cùng ông Cẩm và bảo rằng thời gian không còn nhiều, ông muốn gặp lại Cẩm trước lúc qua đời. Thấy vậy tôi xúc động vô cùng và hứa với ông ấy rằng sẽ cố hết sức để giúp ông toại nguyện" - anh Kiên nhớ lại.
Anh Kiên cho biết ngay khi cùng Phil đặt chân tới Hội An, anh cố chạy đi xác định "tọa độ" nơi ngày xưa đơn vị của Phil đóng quân để lần mò người trong ảnh. Khi biết đồn lính Mỹ ngày xưa giờ là một mô đất ở xã Cẩm Thanh, cách phố cổ Hội An khoảng 6km thì anh cầm những bức ảnh mà Phil đưa rồi dò hỏi bà con trong khu vực đó. Những người dân ở Hội An đã nhận ra ông Cẩm cùng cha ông dù đã qua 40 năm. Họ đã chạy đi báo tin cho ông Cẩm.
Theo THÁI BÁ DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.