Họa sĩ Trần Ngọc Linh: Kể chuyện bằng màu sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một hành trình dọc dài tuổi trẻ loay hoay với câu hỏi đâu là bản ngã, đâu là đam mê, đâu là con đường riêng dành cho mình..., họa sĩ Trần Ngọc Linh (33 tuổi)-hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã đi tìm câu trả lời từ chính những tác phẩm tranh sơn mài truyền thống.
“Muốn được là chính mình”
Trần Ngọc Linh-cựu học sinh niên khóa 2002-2005 Trường THPT Pleiku-sinh ra trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật. Vì vậy, trong mắt cha mẹ, việc Linh theo đuổi nghệ thuật là lựa chọn đầy tính phiêu lưu. Họ mong muốn con gái sẽ theo hình mẫu như bao người: học đại học, xin việc, đi làm và lấy chồng, chăm con. “Tôi thì khác, tôi muốn đi theo sự lựa chọn từ chính bản thân mình”-Linh chia sẻ.
 Trần Ngọc Linh bên một số tác phẩm sơn mài trưng bày tại triển lãm cá nhân (Ảnh nhân vật cung cấp).
Trần Ngọc Linh bên một số tác phẩm sơn mài trưng bày tại triển lãm cá nhân (Ảnh nhân vật cung cấp).
Hoàn tất năm học đầu tiên tại một trường đại học nhưng cảm thấy không như kỳ vọng, Linh rẽ ngang, quyết tâm thi lại vào Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Tranh sơn mài truyền thống hấp dẫn cô ngay từ khi bước vào đào tạo chuyên ngành, tức khoảng năm 3. Linh cho hay: “Không chỉ có tạo hình mang đậm phong cách Việt, sơn mài Việt Nam còn có chất sơn rất độc đáo, tính mỹ thuật cao. Đó là lý do vì sao tôi đặc biệt yêu thích và muốn thử thách mình ở dòng tranh này”.
22 tuổi, khi đang là sinh viên năm 3 đại học, được sự động viên của thầy cô, bạn bè, Linh đã mạnh dạn gửi tác phẩm đầu tiên tham dự Triển lãm Nghệ thuật trẻ lưỡng niên lần thứ I năm 2009. Đó là bức tự họa chính cô trong tà áo dài truyền thống dân tộc. “Tôi yêu tà áo dài. Nó rất thích hợp khi thể hiện trên nền tạo hình bằng chất liệu sơn mài. Áo dài mang tính ẩn dụ cao, chất chứa tinh thần và văn hóa dân tộc. Sự kết hợp đó không chỉ hài hòa từ ngôn ngữ chất liệu, ngôn ngữ tạo hình mà còn thống nhất ở tinh thần”-Linh kể lại. Bức tranh này đã may mắn có người đặt mua ngay tại triển lãm với giá 500 USD-một số tiền không nhỏ đối với cô sinh viên thời điểm đó.
Va đập tuổi trẻ

Họa sĩ Nguyễn Lâm-cố vấn Hội đồng Nghệ thuật thẩm định tranh của Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh: “Trần Ngọc Linh là nhân tố quý. Linh có nền tảng, có tố chất và đam mê. Đặc biệt, cô còn có sức trẻ, có sự hiện đại trong phong cách sáng tác. Nếu chuyên tâm và nỗ lực, Linh sẽ còn đi xa, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế. Thế hệ chúng tôi muốn gầy dựng để những họa sĩ trẻ như Linh kế tục, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh sơn mài truyền thống”.


Thắng lợi ngay từ “phát súng” đầu tiên, Linh tin hơn vào lựa chọn của mình và tiếp tục miệt mài tham dự hàng chục triển lãm chung khác và gặt hái một số thành quả nhất định. Với người làm nghệ thuật như cô, những đột phá, những bước đi mới, không lặp lại chính mình là đòi hỏi bức thiết. Mải miết đi theo một hành trình rồi cũng có lúc thấy nhàm chán, bế tắc. “Mọi thứ lặp đi lặp lại quá lâu khiến tôi rơi vào khủng hoảng. Tôi chạy trốn phòng tranh, chạy trốn bạn bè, gia đình… Ở cái tuổi muốn khẳng định bản thân nhất, tôi lại rơi vào bế tắc. Về Gia Lai vẫn thấy mất phương hướng. Sau nhiều trăn trở, chọn lựa, tôi về lại TP. Hồ Chí Minh bởi nhận ra chỉ có nơi này mới là đất sống phù hợp với mình”-Linh tâm sự.
Cô họa sĩ trẻ quyết định thi cao học để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về con đường mình đã theo đuổi. Lựa chọn này đã giúp Linh thoát khỏi bế tắc khi gặp được những người thầy mới, bạn mới giúp cô thắp sáng lại đam mê, nâng tầm hiểu biết về hội họa. Cũng chính khóa học cao học mỹ thuật đã dẫn dắt Linh đến với triển lãm tranh cá nhân đầu tiên được tổ chức từ ngày 22 đến 30-11-2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Triển lãm tranh cá nhân đến với Linh một cách hết sức tình cờ và chỉ có vỏn vẹn 3 tháng để chuẩn bị. 30 bức tranh sơn mài là kết tinh sáng tạo suốt 3 năm lao động miệt mài của một cô gái tỉnh lẻ đơn độc ở Sài Gòn hoa lệ, nhà còn phải đi ở thuê nhưng lại trót đam mê dòng tranh vô cùng tốn kém. Vì vậy, phía sau hành trình này là không ít gian truân. Nguyên liệu làm tranh sơn mài đều rất đắt đỏ, từ sơn, màu vẽ cho đến các loại vật liệu đắt tiền đi kèm như vàng, bạc… Để có tiền trang trải và “nuôi” đam mê, Linh từng phải làm thêm công việc hướng dẫn viên du lịch, giáo viên tại cơ sở giáo dục quốc tế… “Đến công đoạn xin cấp phép cho triển lãm, tôi đã gần như cạn kiệt tài chính vì đã dồn hết cho sáng tác. Đang tính vay tiền mẹ thì may thay có 2 vị khách tìm đến đặt mua 2 bức tranh sơn mài. Số tiền họ trả là 10.000 USD/m2 tranh”-Linh phấn chấn tỏ bày. 
Câu trả lời cho hành trình đi tìm bản ngã
Triển lãm còn đem đến cho Linh nhiều hơn một cơ hội đáng giá…
Tranh sơn mài vốn kén người xem, người chơi. Tranh sơn mài trừu tượng lại càng kén khách. Trong khi, người làm tranh sơn mài cũng vất vả, tốn kém nào ít. “Trung bình, để sáng tạo một bức tranh sơn mài, tôi phải vẽ lớp chồng lớp chừng 5-7 lần. Mỗi lần vẽ xong luôn phải đợi 3-5 ngày cho khô sơn rồi mài bóng và tiếp tục vẽ lớp tiếp. Chưa kể công đoạn cẩn vỏ trứng, gắn vàng, bạc… trang trí. Họa sĩ sáng tạo tranh sơn mài như một người thợ vậy. Nhưng đây là người thợ đầy tâm hồn sáng tạo, có cảm xúc, có tư duy màu sắc, hình khối và đặc biệt là một trái tim luôn đầy ắp năng lực cảm thụ”-Linh ví von. 
Trần Ngọc Linh giới thiệu  cho khách tham quan về tranh sơn mài tại triển lãm cá nhân (Ảnh nhân vật cung cấp).
Trần Ngọc Linh giới thiệu cho khách tham quan về tranh sơn mài tại triển lãm cá nhân (Ảnh nhân vật cung cấp).


Họa sĩ Trần Ngọc Linh: “Thiên hoàng Nhật Bản Naruhito chia sẻ rất ấn tượng về tranh của tôi nói riêng và tranh sơn mài truyền thống Việt Nam nói chung. Ngài có lời mời tôi sang Nhật Bản tổ chức triển lãm cũng như bày tỏ việc sẵn sàng hỗ trợ trong kết nối giao lưu, trao đổi với một số họa sĩ tranh sơn mài nổi tiếng khác của đất nước này”.

Linh cũng cho hay, cô là một phật tử, tín ngưỡng tôn giáo in đậm trong tâm trí, tư duy, tình cảm và chi phối sáng tác của cô. Họa sĩ trẻ chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tác: “Tôi luôn nhìn sự vật, hiện tượng ở chiều sâu thẳm nhất để xem gốc rễ mọi câu chuyện, vấn đề là gì và đưa vào sáng tác. Bởi vậy, mọi thứ sẽ vô cùng trừu tượng, sẽ không còn hiển hiện là cái vỏ vật chất nguyên xi, hiện hữu mà chỉ là khoảnh khắc, một lát cắt để người xem tự suy tư, triết lý về nó”.
Họa sĩ Nguyễn Lâm-cố vấn Hội đồng Nghệ thuật thẩm định tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, một trong những họa sĩ hàng đầu về tranh sơn mài ở Việt Nam-đã dành những lời ngợi khen cho nữ họa sĩ trẻ Trần Ngọc Linh: “Hàng chục năm sống trong nghề, tôi chưa từng thấy ai ở tuổi Linh đã mở được triển lãm tranh sơn mài cá nhân với quy mô, tầm vóc như vậy. Linh rất có tố chất và dù khá trẻ nhưng thái độ học tập, làm việc luôn nghiêm túc, cầu thị và nỗ lực”.
Trong số các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, “Tiết xuân” là bức tranh Linh dồn nhiều tâm huyết nhất. Bức tranh có kích thước 1,6x2,4 m, được ghép lại từ 4 tấm nhỏ, phải mất 4 tháng trời ròng rã mới hoàn thành. Bức tranh mô tả cảnh mùa xuân với khung cảnh lễ hội, dòng người đi chơi xuân tấp nập. Đặc biệt, tại triển lãm tranh, Linh đã may mắn được đón tiếp nhiều vị khách quý có niềm yêu thích đặc biệt với tranh sơn mài, trong đó có Thiên hoàng Nhật Bản Naruhito. “Thiên hoàng Naruhito ghé triển lãm tranh của tôi một cách tình cờ khi ngài đến thăm Việt Nam. Ngài tới tham quan tranh như bao người bình thường khác, không giới thiệu về bản thân cho đến cuối buổi xem. Và lời đề nghị của ngài về một triển lãm tranh sơn mài cá nhân tại xứ sở mặt trời mọc khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Ngoài Thiên hoàng Nhật Bản, một nhà sưu tầm tranh có tiếng tại Thái Lan cũng đã mua tranh và ngỏ ý mời tôi tham gia mở một triển lãm tranh sơn mài cá nhân tại Thái Lan. Tôi biết đây là những cơ hội lớn. Bởi vậy sẽ nghiêm túc chuẩn bị, sẵn sàng cho việc bước vào vùng trời mới”-Linh chia sẻ quyết tâm.
Về lâu dài, nữ họa sĩ tài hoa này đang dự định sẽ tiến tới làm nghiên cứu sinh sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ. “Sự học là vô hạn. Họa sĩ sáng tác theo cảm xúc nhưng cần có nền tảng căn bản để phát triển. Do vậy, tôi luôn đặt cả hai thứ song hành trong mỗi bước đi. Tôi cũng cảm thấy bản thân thật may mắn khi luôn gặp được những người thầy trong nghề nghiệp và cuộc sống, những người đã giúp tôi định hướng để có những bước đi vững chắc và phù hợp”-Linh tâm sự.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.