Quản Bạ (HàGiang): Sự "cô đơn" lạnh người của côgiáo cắm bản giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Nhất là khi đêm về, xung quanh chỉ toàn một màu đen đặc của đêm tối. Thêm tiếng hú của những con thú từ bốn bề mênh mông núi rừng đua nhau vọng lại. Chỉ có cách chùm chăn kín đầu ngủ cho quên bớt hoảng sợ”.
Sau 1 tiếng đi xe máy và 4 tiếng đi bộ men theo những vách núi đá treo leo sâu trong cánh rừng già đại ngàn. Chúng tôi có mặt tại điểm trường Xà Phìn, trường mầm non Bát Đại Sơn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang.
Bám bản giữa đại ngàn biên giới.
Con đường độc đạo vào điểm trường Xà Phìn, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm sâu hun hút.
Con đường độc đạo vào điểm trường Xà Phìn, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm sâu hun hút.
Đi từ xa đến, điều đầu tiên tôi nghe thấy tiếng đọc chữ ê a của các em lớp mầm 4, 5 tuổi vang lên, len lỏi qua từng tảng đá to chừng bằng nửa gian nhà cấp bốn. Rồi những âm thanh đó lại nhanh chóng hòa tan vào màn sương khói chiều buông. Ấy là nhằm miêu tả sự hiu quạnh của lớp học giữa rừng sâu.
Bên ngoài lớp học, từng con gió vẫn thi nhau thổi rít vào, luồn qua khe cửa “xông” vào lớp học chừng 10 mét vuông với 15 em nhỏ đang ngồi co lại để gắng gượng với từng đợt gió thổi.
Giữa trời thu nắng đến 35 độ C như vậy thì khó ai có thể ngờ tới nơi địa đầu Tổ quốc này lại có thời tiết khác biệt đến vậy.
Cô giáo Lưu Thị Hằng (28 tuổi).
Cô giáo Lưu Thị Hằng (28 tuổi).
6 năm bám trụ giữa nơi khắc nghiệt này, cô giáo Lưu Thị Hằng (28 tuổi) đã quá quen với cái lạnh như vậy, cô mặc một chiếc áo cộc tay màu xanh nõn chuối đứng bên hiên nhà đón chúng tôi. Vừa nhìn thấy có người đi tới, nước mắt cô như đã trực chờ để lăn xuống, “thấy mọi người lên thăm mừng lắm, bớt cô đơn, bớt cảnh lủi thủi vào ra một mình”. Chúng tôi trêu cô Hằng, ở lâu trong rừng, bị chứng bệnh thèm người, thế rồi tất cả cùng cười vui vẻ theo cô bước vào lớp học.
Điểm trường Xà Phìn cách trường chính chừng 20km nhưng chỉ có thể đi bộ, không phương tiện nào di chuyển được ngoại trừ cưỡi ngựa hoặc cưỡi bò. Cô Hằng ở một mình trong ngôi nhà 3 gian trát bằng bùn và rơm; gian giữa dành làm lớp học, gian kế bên vừa làm phòng ngủ, phòng kho để đồ. Ngoài cùng là chiếc bếp nhỏ, được lợp tạm bợ từ vài mảnh bạt, đi lại phải khom lưng nếu không sẽ chạm vào “nóc” bếp.
Lớp học nằm đơn độc trên một quả đồi cao, cách xa khu dân cư.
Lớp học nằm đơn độc trên một quả đồi cao, cách xa khu dân cư.
Cô Hằng rót nước mời chúng tôi, cô kể, từ khi ra trường là xung phong lên đây cắm bản dạy trẻ. Khi ấy chưa từng nghĩ sẽ đến những nơi hiểm trở như thế này. Mới đầu, ở một mình giữa rừng sâu nước hiểm hãi lắm. “Nhất là khi đêm về, xung quanh chỉ toàn một màu đen đặc của đêm tối. Thêm tiếng hú của những con thú từ bốn bề mênh mông núi rừng đua nhau vọng lại. Chỉ có cách chùm chăn kín đầu ngủ cho quên bớt hoảng sợ”.
Những lúc ở một mình không biết nói chuyện với ai, lủi thủi ra vào, hết cắt dán đồ chơi; soạn giáo án; rồi lại ca hát ngêu ngao. Đêm nào có trăng sáng thì rủ học sinh gần đó đến chơi với cô, cứ thế ngày qua ngày rồi cũng thành quen, cô Hằng hóm hỉnh kể.
Cô trò sưởi ấm cho nhau
“Điều khó khăn nhất với các em ở đây là điều kiện kinh tế. Thương những em nhỏ đi học có khi phải leo đường rừng 2 đến 3km mới đến được lớp. Cách duy nhất để đến được lớp đó là đi bộ, men theo những con đường lưng chừng vách núi, tôi gọi đó là con đường độc đạo. Ngộ nhỡ bị trượt chân ngã xuống vực, coi như “xong đời”, cô Hằng lắc đầu.
Lớp học nhỏ với 15 học sinh từ 4 đến 5 tuổi.
Lớp học nhỏ với 15 học sinh từ 4 đến 5 tuổi.
Trẻ đa phần đều là dân tộc Dao, còn nhiều hủ tục: thầy cúng chữa bệnh; người chết cũng để 1 tháng mới chôn; không cần đi học ở nhà đi nương tốt hơn…thành thử, cô giáo phải đi vận động các em đến trường nhiều. Vài ngày không thấy học sinh đến lớp là phải đến nhà hỏi thăm, động viên gia đình ngay. Nếu không các em theo bố mẹ đi nương, đi rừng cả tuần, cả tháng mới về quên hết chữ với số.
“Lí do dễ dàng thuyết phục phụ huynh cho con đến lớp là để có tiền trợ cấp sách vở, ăn uống đối với trẻ lớp mầm non 5 tuổi. Nhiều khi có phụ huynh nửa đùa nừa thật, cho con đi học, lấy tiền trợ cấp đủ nuôi cả nhà. Trong khi mỗi cháu được vài chục nghìn/tháng, với số tiền đó thì mua được gì chứ nhưng giữa rừng sâu thế này thì đâu cần mua gì đâu, tí gia vị, tí đồ dùng cá nhân là tốt rồi, còn lại gạo ngô, thịt đều là tự sản xuất”, cô Hằng vừa cười vừa nói.
Thời tiết ở bản Xà Phìn một ngày có 4 mùa, sáng ấm, trưa nóng, tối lạnh run người. Khắc nghiệt nhất là mùa đông, năm nào cũng có tuyết rơi có khi lạnh quá phải để cô trò vào bếp ôm nhau đốt lửa sưởi run cầm cập cùng nhau.
“Nhiều khi trời quá lạnh, nhưng các trò vẫn đến lớp sưởi ấm với cô giáo vì ở nhà thì cũng không được bố mẹ cho mặc ấm. Có lẽ đến lớp chúng sẽ được ấm áp hơn là ở nhà. Mỗi lần nhìn những đôi chân sưng u lên vì lạnh tôi lại càng thấy xót các trò hơn”, cô Hằng trầm ngâm, thở dài.
Đêm dài như nỗi nhớ con.
“Mùa đông đến, điện để thắp sáng một cái bóng đèn nhỏ cũng không có, sóng điện thoại không, có lẽ vậy mà đêm lại cứ thế thành ra dài hơn bao giờ hết. Đêm dài thì cũng chỉ biết chui vào chăn, nằm nhìn trần nhà, nghĩ miên man về con, về chồng rồi thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay”.
Cứ thế theo mạch chuyện, chúng tôi không hỏi, cô Hằng vẫn say sưa kể. Lên đây được mấy năm, có quen được một thầy giáo cũng xung phong lên dạy tiểu học. Ông trời dun dủi thế nào lại nên duyên vợ chồng. Ấy thế mà giờ con trai đã 3 tuổi rồi. Bố mẹ đi dạy trên rừng, đành phải gửi con cho ông bà nội nuôi ở tận Yên Bái.
Kể đến đây, mắt cô Hằng bắt đầu dưng dưng, hai vợ chồng dạy xa nhau, cuối tuần muốn gặp thì đi bộ 3, 4 tiếng đến nơi. Còn con thì một tháng, có khi hai, ba tháng mới được về thăm con.
“Đi từ điểm lẻ ra trường chính mất gần buổi sáng, bắt chuyến xe về nhà với con cũng coi như là hết một ngày. Thời gian đầu, con được gần 1 tuổi, tôi phải tiếp tục đi dạy. Có khi mẹ đi vài tháng, về nhà con trai quên mất mặt mẹ, bế không theo, cứ khóc đòi bà. Lúc đó thấy tủi trong lòng, đến con mình không theo thì day dứt biết bao. Dỗ dành mãi nó quen hơi được một đêm thì hôm sau lại phải xa con lên trường. Đêm nào nằm ngủ, cũng mơ thấy giọng con gọi “Mẹ Hằng ơi!, mẹ Hằng ơi!”.
Nói đến đây, câu chuyện dường như không thể tiếp tục được nữa, cảm xúc của cô vỡ òa thật sự. Cô khóc nấc như một đứa trẻ tội nghiệp. Chắc hẳn nỗi nhớ con của cô dài như những đêm đông nơi biên giới này.
Không thể bỏ nghề
Tất cả không gian trong căn phòng gọi là nơi nghỉ ngơi của cô gần như tĩnh mịch lạ thường vì tiếng nấc nghẹn ngào ấy. Lắng nghe câu chuyện ấy, chúng tôi đều đã khóc. Tôi chợt thấy thầy giáo Tuân (một thầy giáo dẫn đường) quay mặt đi, lau vội những giọt nước mắt đồng cảm với cô.
“Trường nằm đơn độc trên ngon đồi cao, cứ mỗi chiều các em tan học, chào tạm biệt trở về nhà. Tôi lại đứng dựa vào cột nhà, nhìn theo các em đến khi khuất bóng sau nhưng ngọn đá. Trò về nhà, tôi lại nén tiếng thở dài quay lại nhìn căn phòng nhỏ với 4 bức tường. Cứ ngày này qua ngày khác, hi vọng cho mau hết tuần, hết tháng để được nghỉ hè về với chơi với con. Nỗi nhớ cứ triền miên chẳng biết bao giờ kết thúc”, cô Hằng đượm buồn.
 
Kết thúc buổi gặp gỡ ngắn ngủi, cô Hằng buồn bã níu giữ chúng tôi ở lại một đêm cho cô đỡ buồn. Vừa vẫy tay tạm biệt nước mắt cô lại không ngừng tuôn rơi nhìn theo chúng tôi.
Nhiều khi ở một mình buồn không muốn nấu cơm, ăn tạm gói mì, quả trứng cho xong bữa. Những đêm mưa bão, thân gái một mình giữa nơi rừng hoang cứ ngồi trước bếp vừa ăn cơm vừa chan nước mắt mà tự thấy thương cho chính mình.
Khi được hỏi về động lực bám bản, gieo con chữ vất vả, cô Hằng lau nước mắt cười, nhìn các em thấy thương lắm, vẫn vô tư cười nói suốt ngày nhưng đâu có hiểu được tương lai vất vả ra sao. Có lúc cũng nản trí lắm, lúc con ốm, lúc mưa bão, lúc mình ốm đau… chỉ muốn bỏ lại tất cả để về dưới xuôi.
Nhưng rồi các trò lại tặng cô bông hoa dại, tặng cô quả trứng, mong cô nhanh khỏi ốm, lại thấy vui trong lòng. Dẫu biết khắc nghiệt nhưng vẫn không thể bỏ nghề được. Vì đâu phải nghề nào cũng được trẻ, bà con dân bản yêu quý đâu, cô Hằng lạc quan chia sẻ.
Hà Cường (Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.