Chuyện ông bầu bóng đá đầu tiên của Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, tại Pleiku, nhiều người trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X trở về sau thường chỉ biết đến bầu Đức-ông chủ đội bóng HA.GL. Nhưng câu chuyện của những người đứng tuổi tại Pleiku, đặc biệt là lứa cầu thủ trưởng thành trước và sau năm 1975, không lúc nào không sôi nổi khi nhắc về ông Mỹ Vị. Bởi ông là nhân vật rất đình đám: ông bầu bóng đá đầu tiên của vùng đất một thời tưởng chỉ lãng đãng với thi ca, nghệ thuật.

Người dân sống tại Pleiku trước 1975 hầu như ai cũng biết quán ăn Mỹ Vị chuyên bán cơm, phở và đặc biệt là món cà ri dê đậm chất Ấn. Quán nằm trên đường Phó Đức Chính (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi), gần đoạn giao với đường Nguyễn Thái Học; sau đó chuyển về góc ngã tư Nguyễn Thái Học-Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương). Không chỉ kinh doanh, ông chủ quán còn rất mê bóng đá, sẵn sàng bỏ tiền nuôi cả một đội bóng trong nhà hay mời cầu thủ các nơi về thi đấu trong màu áo của đội bóng Pleiku.

Ăn, ngủ cùng trái bóng

 

Ông bầu Mỹ Vị (người đeo kính đen) chụp ảnh lưu niệm cùng đội bóng trước năm 1975.                    Ảnh: Minh Trần (st)
Ông bầu Mỹ Vị (người đeo kính đen) chụp ảnh lưu niệm cùng đội bóng trước năm 1975. Ảnh: Minh Trần (st)

Một trong những danh thủ được xem là “con cưng” trong đội bóng của ông Mỹ Vị lúc bấy giờ là Phan Kim Lân, đá ở vị trí tiền vệ. Hiện ông Lân 66 tuổi, đang sống tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Nhắc đến ông Mỹ Vị, ông Lân dành những lời rất trân trọng: “Ông Mỹ Vị là con người phóng khoáng, hào hiệp, làm bóng đá một cách vô tư, không vụ lợi nên hầu như ai cũng thương quý. Có thể nói, chính ông là người đã gầy dựng phong trào bóng đá tại Phố núi thời kỳ trước 1975”.

Trong ký ức của ông Lân vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh người mà ông gọi là “bố già”: Đó là một người Việt gốc Ấn, tên Nguyễn Thế Hùng, nhưng ai cũng quen tên “ông Mỹ Vị”, thân hình thấp đậm, da sậm màu, mắt to, mũi to, đúng kiểu người Ấn. Ông sinh ra ở An Nhơn-Bình Định, sau này lên Pleiku làm ăn sinh sống. Đam mê bóng đá, ông trở thành ông bầu bóng đá từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đội bóng của ông quy tụ rất nhiều cầu thủ xuất sắc các nơi, nhất là từ Bình Định. Nhiều người đá bóng hay cũng được ông cưu mang vào đội bóng để… trốn quân dịch phía Việt Nam Cộng hòa, hoặc chỉ làm lính kiểng…

Năm 1971, ông Lân là giáo viên Tiểu học ở Tuy Hòa (Phú Yên), đá bóng rất hay từ năm 16 tuổi và từng đá cho đội tuyển Bình Định nên được ông Mỹ Vị biết tiếng. Do vậy, mỗi khi có các trận đấu tranh giải thì ông Lân lại được mời lên đá. Năm đó ông Mỹ Vị khoảng trên 40 tuổi, còn ông mới 19, được “bố già” ưu ái nhận làm con nuôi. “Nhiều tướng, tá của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời đó rất mê bóng đá nên cho gạo và nhu yếu phẩm mỗi tháng để nuôi đội bóng. Đội bóng không thuộc dạng quản lý của tỉnh, có khoảng hơn 20 cầu thủ, không biên chế, không hợp đồng, cũng không có chuyện chuyển nhượng như bây giờ. Được ra sân là vui rồi. Tất cả ăn ở, ngủ nghỉ tại nhà ông Mỹ Vị. Ông đứng ra lo toàn bộ, người nào đá hay thì kêu về, cưu mang như con cái trong nhà. Ngoài các trận đấu, cầu thủ cũng phụ ông trong việc kinh doanh quán ăn. Vì vậy, quán ăn hồi đó rất đông khách do nhiều người chọn đến quán Mỹ Vị ăn cơm, phở để được gặp các cầu thủ”-ông Lân nhớ lại.

Theo ông Lân, vợ ông Mỹ Vị là dân Tuy Phước-Bình Định, cũng rất mê bóng đá. Cầu thủ ít ai biết tên thật của bà mà thường gọi là má hoặc mẹ. Bà cũng chăm sóc cầu thủ tận tình, xem như con. Nhờ có “hậu phương” vững chắc như vậy nên ông Mỹ Vị mới có thời gian làm bóng đá. Trước mỗi trận đấu, anh em cầu thủ lại tập trung đến nhà ông, thay đồ rồi mới cùng nhau ra sân. Không ít lần ông còn dẫn cả đội bóng đi “chinh phạt” ở nhiều địa phương trong cả nước.

Nhưng với ông Lân, ông Mỹ Vị còn có vai trò đặc biệt khác. Chuyện là, gần nhà ông lúc ấy có một cô nữ sinh Plei Me duyên dáng tên Trần Thị Thu Thanh. Mỗi lần từ nhà ông Mỹ Vị ra sân đều phải ngang qua nhà cô Thanh nên danh thủ Phan Kim Lân không bỏ lỡ cơ hội làm quen. Và rồi, năm 1978, chính ông Mỹ Vị đứng ra làm chủ hôn cho 2 người với một đám cưới đơn sơ mà vô cùng hạnh phúc.

Yêu bóng đá đến hơi thở cuối cùng

“Nói thật, nếu không có ông Mỹ Vị thì sẽ không có những danh thủ như: Phan Kim Lân, Tống Anh Hoàng, Nguyễn Văn Bảo, Phạm Văn Thìn, Trần Dũ Sanh, Phạm Hồng Thái, Phạm Văn Tuấn, Đỗ Văn Bính, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Phú Cường”-Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Anh Tiến (103 Hùng Vương, TP. Pleiku), nguyên cầu thủ đội tuyển bóng đá thanh niên thị xã Pleiku và đội tuyển Gia Lai-Kon Tum khẳng định.

Ông Hồ Anh Tiến cho hay, ông gặp ông Mỹ Vị lần đầu vào năm 1976. Lúc này, đội bóng của ông Mỹ Vị đã giải thể, vai trò của ông bầu này không còn như trước nhưng uy tín vẫn rất lớn. Để vực dậy phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà sau giải phóng, ông Lê Tiến Hồng-lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thị xã Pleiku-đã chỉ đạo Phòng Thể dục Thể thao thị xã phối hợp với ông Mỹ Vị thành lập đội bóng thanh niên thị xã Pleiku. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Anh Tiến hồi tưởng: “Lúc đó tôi 17 tuổi, đang học lớp 12. Ấn tượng của tôi về ông Mỹ Vị là ông rất tâm huyết với bóng đá nên đã xây dựng được đội bóng mạnh trong khu vực. Trong các giải vô địch của tỉnh, đội bóng thị xã Pleiku khi đá với các đội của An Khê, Ayun Pa, Kon Tum thì luôn thắng đậm. Ông Mỹ Vị không qua trường lớp nhưng rất hiểu về bóng đá. Điểm đặc biệt là ông… hút thuốc rất nhiều, ngồi trên sân chỉ đạo đội bóng mà ông đốt thuốc liên tục, mỗi ngày phải hút hết 3 gói thuốc Đà Lạt. Nhưng ông lại không uống một giọt rượu và rất ghét những người uống rượu, đặc biệt là cầu thủ. Ai uống rượu thì bị ông mắng không kịp vuốt mặt. Ông thường nói: Uống rượu thì mất khéo…”. Không chỉ huấn luyện về chuyên môn, ông còn uốn nắn, dạy dỗ cầu thủ từng li từng tí về tác phong sinh hoạt cũng như ứng xử.

 

Ông Hồ Kỳ Thi (bìa phải) xem lại tấm ảnh chụp tập thể đội bóng thị xã Pleiku. Ảnh: P.D
Ông Hồ Kỳ Thi (bìa phải) xem lại tấm ảnh chụp tập thể đội bóng thị xã Pleiku. Ảnh: P.D

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Kỳ Thi (90 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku)-từng công tác ở Phòng Thể dục Thể thao thị xã, một cầu thủ của đội bóng thị xã Pleiku ngày ấy-cũng không quên được những ngày gần gũi với ông bầu đình đám và chịu chơi này. Ông kể: Sau 1975, ông Mỹ Vị hùn hạp mua chiếc xe Ford 16 chỗ chạy tuyến Quy Nhơn-Pleiku. Song, trong những lần ông được giao nhiệm vụ dẫn đội của thị xã đi thi đấu giao lưu thì chiếc xe lại được trưng dụng để… chở cầu thủ. Ông Mỹ Vị hòa đồng, giản dị, gần gũi nhưng cũng rất nguyên tắc. Ông Thi nhớ lại: Có lần “bố già” dẫn đội bóng đi đá giao lưu ở tỉnh Phú Khánh (nay là 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), ông không “duyệt” cho cầu thủ nào đi chơi quá 9 giờ đêm. Đến giờ “giới nghiêm”, ông ngồi canh ngay cầu thang khách sạn, ai về trễ thì không những bị mắng mà còn không được đưa vào đội hình thi đấu vào ngày hôm sau!

Chính vì tiếng tăm từ sự nghiệp làm ông bầu bóng đá, ông Mỹ Vị cũng như đội bóng thị xã Pleiku được rất nhiều tỉnh trong khu vực biết đến. Sau giải phóng, cả nước có nhiều giải thi đấu lớn như: Giải Hồng Hà (miền Bắc), Trường Sơn (miền Trung), Cửu Long (miền Nam) thì hầu như giải nào ông cũng từng dẫn quân đi tham dự. Nhiều đội bóng khi đến Gia Lai đá giao lưu đều được ông tiếp đón hậu hĩ.

Ăn, ngủ, thở cùng bóng đá, trước khi nhắm mắt, ông bầu ấy cũng không thôi nghĩ về quả bóng. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Anh Tiến bùi ngùi kể: “Nhà tôi gần nhà ông. Trước khi mất, ông gọi tôi sang nhà và dặn: quan tài của ông phải do các cầu thủ khiêng chứ không phải là ai khác, và khi xe tang đi ngang sân vận động thì dừng lại 1 phút để mặc niệm. Trên mộ ông phải đặt tượng 6 trái bóng…”.

Đến giờ, vào ngày giỗ ông, rất nhiều cựu cầu thủ, kể cả những người đã về lại Bình Định sinh sống, vẫn đến dự đông đủ. Còn tại Nghĩa trang Pleiku, nếu vô tình gặp một ngôi mộ có 2 trái bóng (thay vì 6 như di nguyện của ông), nhiều người sẽ biết ngay đó là nơi an nghỉ của một con người yêu bóng đá đến hơi thở cuối cùng…

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.