Bài cuối: Ở một nghĩa trang vào ngày 27

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bí thư Huyện ủy Ia Grai Trần Thị Thủy cho chúng tôi hay, hiện ở nghĩa trang liệt sỹ của huyện có 952 ngôi mộ của các liệt sỹ, trong đó trên 200 mộ chưa xác định được danh tính, đó là nỗi đau của người thân và cũng là nỗi buồn của lãnh đạo huyện khi mà cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm mà việc tìm liếm, cất bốc, quy tập, tìm người thân thích, tìm tên cho liệt sỹ còn quá nhiều bất cập.

.

Tôi biết trong thời chiến tranh chống Mỹ, ở Khu 4 (Ia Grai) này cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ-Ngụy, nhất là vùng ven Pleiku, nơi có rất nhiều đồn bốt của chúng, chúng liên tục nống lấn, càn quét, bắn phá cả ngày lẫn đêm, và tại đây cũng có nhiều các đơn vị lực lượng vũ trang của ta đứng chân, thường xuyên có những trận đụng độ giữa ta và địch, nên sự thương vong cho quân và dân ta trong vùng là không ít.
 

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Đúng vào sáng ngày 27-7-2012, một buổi sáng hiếm hoi của mùa mưa Tây Nguyên mà trời ở đây vẫn hửng nắng, tôi đến nghĩa trang Ia Grai này để thắp cho người nhà của mình nén nhang, thì cũng là khi có rất nhiều người nhà của các liệt sỹ về đây hương khói cho linh hồn người thân.
 

Tôi đặc biệt chú ý đến hai người đàn ông, một trẻ một già, ngôi mộ của liệt sỹ- người thân của họ gần ngay cạnh mộ của người nhà tôi, họ chăm chú thì thầm khấn vái trước ngôi mộ đang nghi ngút khói hương và hoa quả còn tươi roi rói đặt trong mấy chiếc đĩa lớn trên nền mộ phần; hỏi ra mới biết đó là hai cha con vừa mới đến sáng 27-7 này từ thành phố Hồ Chí Minh, anh là Vũ Văn Phê, con trai Vũ Văn Phong vừa tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, chưa tìm được việc làm, theo cha lên thắp cho ông bác họ nén nhang.

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Vào dịp này và 23 tháng Chạp hằng năm của ba năm qua kể từ khi tìm được người anh mình đang ở nghĩa trang này anh Phê đã 6 lần đến đây chăm sóc cho ngôi mộ, nơi hương hồn của người anh con của ông bác ruột nằm lại. Quê tít tận Bắc Ninh, huyện Gia Bình, nhưng cả gia đình phải tìm kế sinh nhai tận thành phố Hồ Chí Minh đã 17 năm có lẻ. Nghèo lắm- anh Phê tâm sự, anh chỉ làm công nhân cho một xí nghiệp nhỏ, còn vợ thì buôn thúng bán bưng, hàng ngày chỉ kiếm được ít đồng ra đồng vào, khó khăn lắm mới tạm đủ nuôi hai người con ăn học.

Dù thế, khi tìm được ngôi mộ của người anh ở đây, anh Phê luôn vượt hàng trăm cây số mỗi năm hai lần đến “để anh mình khỏi tủi thân, phía gia đình ông bác chỉ sinh được mỗi một người con trai, anh ấy hy sinh ở đây rồi, bố mẹ của anh ấy cũng đã mất từ lâu, giờ mình phải là người trụ cột trong việc lo cho gia đình, chứ còn ai lo nữa”- anh Phê bảo vậy. Liệt sỹ Vũ Văn Nhạ, anh nằm đây chắc là yên lòng khi nghe người em họ của mình nói vậy. Anh Nhạ nhập ngũ năm 1964 và hy sinh năm 1972 tại mặt trận Chư Pah. 

 

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Anh Phạm Văn Dũng, người nhận lãnh nhiệm vụ quản trang chỉ mới hơn một năm lại đây nhưng anh cũng đã sớm làm quen với công việc của mình. Thấy tôi đến, anh biết ngay là người nhà của liệt sỹ nào. Anh bảo, những ngày lễ, ngày Tết anh thường xuyên túc trực ở đây, bởi những ngày ấy hàng ngày có rất nhiều thân nhân các liệt sỹ đến nghĩa trang, phần lớn là những người từ rất xa, tận các tỉnh phía Bắc, miền Trung, cả tận các tỉnh trong Nam Bộ… nếu không có người chỉ dẫn, giúp đỡ cho họ chắc là họ không vui, làm được việc gì cho thân nhân của các liệt sỹ cũng là góp một phần nhỏ giúp họ vơi đi bớt nỗi đau mất mát không lấy gì bù đắp được ấy.

Giữa chừng câu chuyện với chúng tôi, anh Dũng bảo “phải đi làm nhiệm vụ đã”, thì ra nhiệm vụ mà anh phải làm là sắp sửa lại các vòng hoa, chuẩn bị nơi đốt nhang, sắm đồ lễ… để trưa các đồng chí lãnh đạo của huyện đến cúng mâm cơm cho hương hồn các liệt sỹ. Anh nhất nhất bảo chúng tôi nán lại đợi việc cúng cơm ấy diễn ra. Tôi vòng qua mấy hàng mộ trong nghĩa trang, tất cả đều ấm cúng bởi hương hoa, nhang khói. Liên tục trong mấy ngày cận lễ 27-7, thiếu niên, đoàn viên thanh niên và cán bộ, công chức, bà con quanh vùng thường xuyên tổ chức thắp hương, đốt nến, dọn dẹp cho các phần mộ rất chu đáo, tươm tất. Thấy vậy những người ở xa như tôi khi đến đây với người thân của mình cũng có phần vợi đi bớt nỗi đau mất mát.

Tôi không bất ngờ mấy về chuyện các đồng chí lãnh đạo huyện tổ chức cúng cho các liệt sỹ mâm cơm trong ngày lễ trọng này vì anh Dũng đã cho hay việc ấy sẽ diễn ra vào buổi trưa. Mấy chiếc ô tô nhỏ đậu xịch trước cỗng nghĩa trang, việc sắm lễ cúng đã chuẩn bị từ trước đem đến, trong mấy phút các chàng trai, cô gái đã nhanh chóng làm xong công việc của mình. Từ Bí thư Trần Thị Thủy, Chủ tịch UBND Trần Trưng, đại diện Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của huyện, của lực lượng vũ trang… dâng hương, dâng hoa lên Đài tưởng niệm.

 

Tôi thầm nghĩ các liệt sỹ dưới suối vàng, trong đó có người cậu ruột của tôi ở đây sẽ rất vui khi Ngày của mình được quan tâm chân thành, nghiêm túc từ phía lãnh đạo của nơi mà trước đây mình đã chiến đấu và ngã xuống. Nói chuyện với tôi sau lễ dâng cúng, Chủ tịch Trần Trưng cho biết, việc này các anh chị đã làm từ 3 năm nay rồi, mỗi năm hai lần vào 27-7 và Tết Âm lịch.
 

Một anh đứng tuổi thầm thì với tôi rằng “do vậy mà mấy năm nay suốt chặng đường qua đây, trước nghĩa trang này không xảy ra một vụ tai nạn giao thông nào, thay vì trước đó chuyện này là thường xuyên”, không biết có phải vậy không nhưng tôi cho rằng việc tôn kính đồng chí đồng đội mình đã khuất vào những ngày lễ trọng và ngày Tết cổ truyền như lãnh đạo ở đây làm là việc cần thiết, nên duy trì thành nền nếp, nó sẽ góp phần giáo dục các thế hệ sau biết đến công ơn của những người đi trước đã không tiếc máu xương, chiến đấu cho độc lập tự do mà ngày nay chúng ta được hưởng thụ.

*
Ngày 27-7 đã qua, nhưng suốt trong tuần rồi, từ khắp nơi trong tỉnh, tại các nghĩa trang của các anh liệt sỹ an nghỉ, các gia đình người thân của các anh, các thương bệnh binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng… được các cấp các ngành, các tầng lớp xã hội chăm lo thăm hỏi, động viên, giúp đỡ về tinh thần và vật chất vẫn còn thấy ấm nồng. Công việc này mong sao dần đi vào thực chất với tấm lòng trung hậu, thủy chung, có trước có sau, “uống nước nhớ nguồn” của người Việt ta vốn là truyền thống lâu đời, nó sẽ không phải và không bao giờ là việc làm “phong trào”, “lấy lệ”.

Bích Hà
 

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.