Lễ báo hiếu của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vòng đời người Jrai từ lúc nhận được ánh sáng mặt trời cho đến lúc về với cõi Atâu (cõi ma) trải qua nhiều nghi lễ cho mình, cho người thân. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn đấng sinh thành và người nuôi dưỡng mình, người Jrai có hẳn lễ báo hiếu cha mẹ (tiếng Jrai là Pơ pủ kơ amí ama).

Người Jrai quan niệm, lễ báo hiếu giúp cho tổ ấm gia đình nhỏ thêm hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, làm ăn khấm khá; cha mẹ sống vui, sống khỏe, sống thọ cùng con cháu. Vì vậy, với người con trưởng thành thì việc quan trọng và trước hết là tiến hành lễ báo hiếu, đầu tiên là với cha mẹ vợ (theo chế độ mẫu hệ), sau đến cha mẹ mình. Ngày nay, có gia đình tổ chức gộp cho cả cha mẹ đôi bên. Cá biệt, với người có công nuôi dạy là anh/chị còn có lễ báo nghĩa (nội dung lễ, vật giống như lễ báo hiếu). Chương trình lễ được thống nhất với bà mối (Tơ Granh kơi bơ nai) gồm: thời điểm tiến hành, vật dâng tặng, quy mô tổ chức.

  Trong lễ báo hiếu, người con trai tặng cha chiếc áo truyền thống. Ảnh: Tấn Vịnh
Trong lễ báo hiếu, người con trai tặng cha chiếc áo truyền thống. Ảnh: Tấn Vịnh


Xin được nói thêm, trong các cuộc hôn nhân từ truyền thống cho đến hiện đại, bà mối giữ vai trò quan trọng. Ngoài việc kết duyên đôi trẻ (dù chúng đã hẹn hò) còn giúp kết nối hai gia đình, thành viên cộng đồng hai làng; thông tin cuộc hôn nhân tương lai đến với già làng, từng hộ dân trong làng; tháo gỡ mọi rào cản (nếu có) từ phía chàng trai/cô gái hay ở cả hai phía. Khi mọi việc đã hanh thông, theo ngày định từ bà mối, cô dâu tương lai sang nhà chàng trai “thử việc” nhà như: gùi nước, giã gạo, nấu cơm. Nói là “thử việc” vì có sự thẩm định chất lượng, đánh giá mức độ hoàn thành công việc từ những người phụ nữ trong gia đình. Ngoài ra, cô gái còn ngủ lại một đêm với em gái hay mẹ chồng tương lai để kiểm tra… nết ngủ. Kết thúc mối lương duyên tốt đẹp là lễ cưới theo phong tục, có sự hiện diện, góp vui cả cộng đồng làng. Tất nhiên, nhân vật quan trọng là bà mối không thể vắng mặt trong ngày cưới.

Trong lễ báo hiếu, sau lời cảm ơn, cầu xin các Yàng đem đến cho gia đình những điều may mắn, tốt đẹp, người con sẽ nói lời cảm ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với họ. Vợ chồng người tổ chức lễ báo hiếu nhận lại từ cha mẹ lời chúc tương tự.

Lễ vật không thể thiếu trong lễ báo hiếu là con gà nướng và ghè rượu trước mặt cha mẹ có sự chứng giám của bà mối. Ngoài ra, còn có phẩm vật, tùy theo năng lực kinh tế của vợ chồng người con mà dâng tặng cha mẹ. Thông thường, phẩm vật là món mà cha mẹ thích hay còn thiếu. Ngày nay, đi kèm phẩm vật còn có tiền. Lễ thì phải có hội. Trong hội không có chiêng khua, vòng xoang khép mở mà vẫn đầy đủ thành viên cộng đồng làng. Họ góp ghè rượu, con gà, túi gạo… cùng vui, say.

Trước đây không lâu, tôi được gia đình anh Ksor Tân (làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) mời dự lễ báo hiếu cha mẹ, đúng hơn là dự liên hoan sau lễ báo hiếu, được tổ chức hoành tráng nhờ đến dịch vụ nhà hàng tiệc cưới với rạp che ngoài trời, cỗ hơn 50 bàn, thức món phong phú, sang trọng; sân khấu trang hoàng, MC lưu loát song ngữ Jrai-Kinh; khách mời góp lời ca tiếng hát có ban nhạc chuyên nghiệp đệm theo. Dễ hình dung, nó như đám cưới quy mô tổ chức ngoài trời. Điểm khác biệt ở đây là trong buổi liên hoan có ông bà mối treo phần xương đuôi heo lên cây nêu thấp cạnh hàng rượu ghè bên hông cửa vào. Trước khi dời chân, khách có món tiền tùy hỷ mừng người mai mối (ngoài phong bì góp vui cùng gia chủ), đứt chân can rượu. Sau đó, khách nhận phần quà gồm miếng thịt heo sống, vài ống cơm lam mang về. Ông mối Ksor Huyn cho biết, món tiền quà nhận từ khách được chia đều cho họ hàng đôi bên, ông chỉ nhận lại phần nhỏ tượng trưng. Cả thức món trên bàn tiệc, tất thảy đã thuộc về khách, phần còn lại khách cứ tự nhiên mang về.

Lễ báo hiếu cha mẹ là nét đẹp truyền thống đáng gìn giữ trong đời sống tinh thần của người Jrai. Tuy nhiên, nếu phần hội tổ chức linh đình, tốn kém sẽ là gánh nặng cho vợ chồng người tổ chức.

 

RƠ Ô TRÚC

 

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.