Những nghệ nhân sử thi cuối cùng ở Ya Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê cách đây nhiều năm, đội ngũ nghệ nhân có thể hát kể sử thi của tỉnh còn khoảng 20 người. Ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) có 3 nghệ nhân sử thi là Nhưr, Đinh Yie và Đinh Tim, nhưng 1 trong 3 “báu vật nhân văn” ấy cũng đã theo những cánh hoa pơ lang về trời.
Chị Kram-con gái của cố Nghệ nhân Ưu tú Nhưr (làng Bung) mang ra kỷ vật cuối cùng mà cha để lại, nói trong sự tiếc nhớ: “Đây là bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú dành cho ông. Ông mất nhưng gia đình không bỏ theo mà giữ lại để mai này con cháu còn nhớ, còn biết ông là nghệ nhân sử thi”. Chị Kram cho biết thêm, các con cháu của ông Nhưr không một ai có khả năng hát kể sử thi hoặc chí ít là nhớ được trọn vẹn nội dung một câu chuyện thần thoại nào như cha ông mình.
Trong khi nghệ nhân Nhưr đã mang theo tài năng, những pho sử thi đồ sộ về với ông bà tổ tiên thì nghệ nhân Đinh Yie (làng Groi) và Đinh Tim (làng Kliêt) cũng như đốm lửa đang tàn dần. Nghệ nhân Đinh Yie từng là cán bộ xã nên ông hiểu rõ chỉ có sự trao truyền giữa các thế hệ mới giúp giữ lại những giá trị quý báu mà ông bà để lại. Nhưng tài năng, tâm huyết của các nghệ nhân cuối cùng không thắng nổi thời gian và sự thờ ơ của thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Đinh Yie thừa nhận: “Bây giờ, hơmon không hấp dẫn lũ trẻ bằng ti vi, điện thoại. Từ ngày về hưu, mình có nhiều thời gian nên ai muốn học, muốn nghe mình hơmon, mình đều sẵn sàng. Nhưng lũ trẻ giờ không thích người già kể chuyện nữa. Nó chỉ nhớ cái ti vi, điện thoại, mình kể nó thờ ơ không nghe nữa thì kể làm gì”. Dẫu vậy, từ sâu thẳm, nghệ nhân Đinh Yie vẫn luôn trăn trở, tìm cách để trao truyền lại vốn quý của cha ông trước khi trở thành một đóa pơ lang bay về trời.
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Tim. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Tim. Ảnh: Hoàng Ngọc
Được sự giúp sức của ngành Văn hóa và chính quyền địa phương, nhiều lớp truyền dạy sử thi đã được tổ chức. Tại đây, nghệ nhân Đinh Yie và Đinh Tim vừa là người cha, vừa là người thầy đầy nhiệt huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ ở làng. Hai ông giảng giải về ý nghĩa những pho sử thi, chỉ bảo cho từng đứa trẻ cách diễn xướng, cách lấy hơi, lấy giọng, ngữ điệu khi hát, cách ứng tác thơ ca... Mỗi buổi học, nghệ nhân đặt để bao hy vọng, niềm tin vào hành trình tiếp bước văn hóa của những đứa trẻ Bahnar. Thế nhưng, kết quả lại không như kỳ vọng.
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Tim cho hay: “Lớp gần đây nhất mời mình truyền dạy sử thi kéo dài 6 tháng. Một tuần học 4 buổi vào ban đêm. Nhưng qua 6 tháng không có ai hát được. Có người nhớ nội dung thì không biết hát kể, người có khả năng hát kể thì lẫn lộn nội dung chuyện nọ với chuyện kia”.

Trao đổi với P.V, ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội-cho biết: “Ngay cả việc vận động người dân đến với lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Các lớp truyền dạy sử thi chỉ thực hiện được vào ban đêm để phù hợp với không gian của loại hình này và tập quán lao động sản xuất. Vận động được người dân đến lớp thì họ cũng không học liên tục vì nỗi lo cơm áo gạo tiền. Hơn nữa, những hiểu biết của thế hệ trẻ Bahnar về vốn quý sử thi lại rất hạn chế, do đó, họ không hứng thú với lớp học.

Địa phương có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân gìn giữ văn hóa truyền thống, nhưng không có chính sách hỗ trợ người học lẫn sự đãi ngộ nào đối với nghệ nhân. Dù biết họ là những báu vật nhân văn sống, là người nắm giữ linh hồn sử thi nhưng chúng tôi cũng chưa tìm ra cách nào khả thi hơn để giúp họ trao truyền giá trị văn hóa đặc biệt này cho thế hệ trẻ”.

Tái hiện không gian hát kể sử thi của người Bahnar-di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tái hiện không gian hát kể sử thi của người Bahnar. Ảnh: Hoàng Ngọc
Mai này, ai sẽ là người giữ lửa cho di sản sử thi, sẽ đưa những bản trường ca tráng lệ trở lại trong đời sống buôn làng. Có lẽ cả nghệ nhân Đinh Yie và Đinh Tim không còn nhiều thời gian lẫn sức lực để thực hiện công việc ấy nữa.
Chính tình yêu văn hóa dân tộc đã đưa những nghệ nhân vượt lên mọi danh lợi vật chất để lặng lẽ, vô tư cống hiến với tâm nguyện những thiên anh hùng ca sẽ còn có cơ hội vang lên, làm đẹp cho cuộc sống tinh thần vô cùng phong phú của người bản địa Tây Nguyên. Nhưng có thể một ngày không xa nữa, những pho sử thi đồ sộ của người Bahnar sẽ chỉ còn là những câu chuyện thần thoại trên giấy, khi những nghệ nhân cuối cùng của loại hình này không còn.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.