Huyền bí chiêng Mlem

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau bức phù điêu Phật thuộc văn hóa Champa được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với bộ chiêng Mlem bởi giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của hiện vật này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết: “Bộ chiêng Mlem được Bảo tàng tỉnh sưu tầm năm 1986, là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị khoa học, lịch sử cao. Đây cũng là bộ chiêng có hình thức độc đáo, nhỏ gọn, cho đến nay chưa thấy xuất hiện bộ chiêng nào có kích thước nhỏ như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Xét về giá trị cổ vật, đây là tài sản quý của một gia đình, một tộc người và cũng là chiêng thiêng, chỉ được dùng trong những dịp quan trọng, cúng tế thần linh với những nghi lễ đặc biệt kèm theo”.
Chiêng quý Mlem còn có tên gọi khác là chiêng Ơi Yăh, đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Bộ chiêng bằng đồng, niên đại được xác định ở khoảng thế kỷ XIX, gồm 7 chiếc, trong đó có 6 chiếc chiêng và 1 chiếc cồng. Chiếc lớn nhất có đường kính 17 cm, chiếc nhỏ nhất có đường kính 12 cm. Mỗi chiếc cồng, chiêng đều được đục 2 lỗ để luồn dây đeo.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng-nhân viên Phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Sưu tầm cách đây 34 năm, bộ chiêng được lưu giữ cẩn thận và trưng bày tại Bảo tàng để giới thiệu đến khách tham quan những giá trị đặc biệt cũng như dòng chảy văn hóa tinh thần của tộc người thông qua bộ chiêng quý.
Bộ chiêng Mlem gồm 7 chiếc bằng đồng có kích thước độc đáo, nhỏ gọn. Ảnh: Minh Châu
Bộ chiêng Mlem gồm 7 chiếc bằng đồng có kích thước độc đáo, nhỏ gọn. Ảnh: Minh Châu
Theo hồ sơ hiện vật, trước khi giao về cho Bảo tàng, chiêng Mlem thuộc sở hữu của ông Rmah Hanh, thuộc dòng họ Rmah Yăh-đứng đầu chi nhánh lớn nhất của dòng họ Rmah, sinh sống giữa vùng biên giới huyện Đức Cơ và huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Câu chuyện về chiêng thiêng được ông Rmah Hanh kể lại và được cán bộ Bảo tàng tỉnh ghi chép, lưu giữ cẩn thận.
Chuyện kể rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, dòng họ Rmah làm chủ cả một vùng đất đai rộng lớn từ Hàm Rồng đến An Phú (nay thuộc TP. Pleiku). Có năm mất mùa, dân làng rơi vào cảnh đói kém, ông Rmah Yăh đã đem bộ chiêng này cùng voi và nô lệ dự định bán cho người Campuchia hoặc Lào, Thái Lan. Nhưng khi đang đi trên đường, thấy măng đã mọc, cho rằng mùa đói sắp qua, ông đem voi, chiêng và đoàn nô lệ trở về.
Đến nhà, ông nói với người nhà và dân làng rằng: Đây là bộ chiêng thiêng, chỉ những người trong dòng họ mới được giữ và chỉ dùng trong lễ cúng dòng họ, lễ cúng thần linh ở nhà rông. Vào thời kỳ người Xê Đăng lớn mạnh, họ đã kéo đến đánh người Jrai, giết 8 người con trai trong dòng họ rồi chôn ở 8 cột nhà rông để thị uy dân làng và phô trương sức mạnh của mình. Những người còn lại trong dòng họ phải đem bộ chiêng này chạy trốn. Sau nhiều đợt di cư, ngày nay, một bộ phận của dòng họ Rmah đã định cư tại làng Sâm (xã Ja Gor, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia).
Chị Hằng cho biết thêm, truyền thuyết và những thông tin thú vị về bộ chiêng thiêng Mlem luôn được thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh cố gắng chuyển tải đến khách tham quan để lan tỏa các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa. Cồng chiêng không chỉ là công cụ vật chất mà còn mở cánh cửa để bước vào đời sống văn hóa thăm thẳm của các tộc người.
Chiêng Mlem đã được UBND tỉnh công nhận là cổ vật không chỉ bởi giá trị vật chất, mà còn bởi đằng sau đó là những câu chuyện kể đầy màu sắc, quyến rũ, biểu hiện đời sống tinh thần vô cùng rực rỡ, phong phú của con người. Nếu được công nhận là Bảo vật quốc gia, giá trị của cổ vật chiêng Mlem sẽ được quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn đến với những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên cũng như các nhà nghiên cứu.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.