Mùa ăn cơm mới trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện cổ tích M'Nông kể rằng, ngày xưa khi lúa chín, chỉ cần buộc sợi dây dài từ rẫy về tới nhà là lúa tự biết đường về. Hạt lúa rất to, chỉ cần bỏ vào nồi một hạt, nấu chín thì sẽ có một nồi cơm lớn đủ cho cả nhà. Hôm ấy, cô gái được giao ở nhà nấu cơm cho mọi người đi rẫy vì mải ngắm nhìn sắc đẹp của mình nên để nồi cơm sôi tràn nước xuống, tắt cả bếp lửa. Từ đó lúa giận, không tự về nhà nữa, con người phải dùng tay ngắt từng bông bỏ vào gùi mang về. Cũng từ đó, con người mới biết trân trọng hạt lúa. Mỗi năm, khi những bông lúa đầu tiên chín vàng, con người phải ngắt về làm lễ cúng cơm mới.
 Một thầy cúng người Bahnar trong lễ cúng cơm mới.Ảnh: H.N
Một thầy cúng người Bahnar trong lễ cúng cơm mới.Ảnh: H.N
Lễ cúng cơm mới thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 2 năm sau. Với người Ê Đê, trong đám rẫy thường có một khoảnh riêng do chính người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình tự gieo, tự suốt và tự mình giã thành những hạt gạo trắng tinh, nấu nồi cơm gạo mới thơm thảo cúng dâng lên các vị thần linh để bày tỏ lòng biết ơn các Yàng đã cho một vụ mùa no đủ. Tùy theo hoàn cảnh giàu nghèo của các gia đình mà con vật hiến sinh trong lễ cúng sẽ là gà, heo, trâu, bò; tương tự là số ché rượu nhiều hay ít. Mâm lễ phải có đầu và đuôi heo (hoặc bò, trâu nếu nhà khá giả), chén cơm, thịt (mỗi thứ một ít của con vật hiến sinh, nhưng phải đầy đủ), muối, bầu rượu, chén rượu huyết, trầu cau, ống vố… Thầy cúng sẽ khấn mời: “Ơ… Mời các Yàng từ phía Đông phía Tây về chứng giám. Mời Yàng ở dưới đất, Yàng trên trời… Xin cho năm sau lúa cũng được đầy kho…”. Rượu huyết sẽ được bôi lên bếp lửa, cầu thang kho lúa… để báo cho các thần linh việc gia đình đã tổ chức cúng lúa.                              
Người KHo cũng xem hạt lúa là món quà quý của Yàng cho nên luôn coi trọng (còn gọi là Mẹ Lúa). Cũng như người Ê Đê, lễ này của người KHo kéo dài cả tháng vì mọi vui buồn đều là việc chung, cứ diễn ra từ nhà này sang nhà khác. Lễ cúng mừng lúa được bắt đầu tại kho lúa rồi về nhà, với sự tham dự của cả buôn. Người ta lấy huyết con vật hiến sinh hòa với rượu cần và với một vài thứ rễ, củ giã nát bôi lên ngực, lên trán những thành viên trong gia đình và cả các vật dụng. Sau lễ cúng lúa trong gia đình, người KHo rủ nhau ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui.
Với người M'Nông Rlâm, trước ngày diễn ra lễ cúng lúa phải có lễ đón hồn lúa tại rẫy. Thầy cúng và gia đình mang theo 1 con gà, 1 ché rượu, làm 1 giàn nứa nhỏ trước chòi rẫy để đặt lễ vật, trong đó có túm lúa chín và 1 ống nứa đựng hồn lúa. Cúng trời đất xong, gia chủ phải buộc một sợi dây dài rước hồn lúa về nhà, treo trước cửa kho lúa. Nếu gặp vũng nước hay qua suối thì phải… bắc cầu cho hồn lúa đi qua. Ngày hôm sau, gia đình chuẩn bị các con vật hiến sinh, trong đó nhất thiết phải có vịt, heo, gà. Bà chủ nhà ngoài việc tự tay nấu nồi cơm cúng còn giã lấy một ít cám gạo hòa nước thành bột nhuyễn, sau đó bôi lên mặt mình và mọi người trong gia đình, nhất là trẻ em, như một hình thức lấy may. Trong các món ăn ngày lễ, nhất thiết phải có món măng chua làm từ các bụi tre quanh rẫy, quanh nhà từ hồi mùa mưa. Năm ấy nếu thu hoạch được 100 gùi lúa (nghĩa là được mùa lớn) thì bắt buộc vật hiến sinh phải là trâu. Nếu mời khách từ các làng khác đến dự, chủ nhà phải mang trầu cau, thuốc rê và ống nứa đựng rượu ra tận đầu buôn hay bên này con suối đón đợi, mời uống rượu, hút thuốc xong mới đưa khách vào nhà. Sau khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng ngồi trước kho lúa khấn mời các Yàng linh thiêng về chứng giám. Sau lời khấn, thầy cúng leo lên giữa kho lúa, mang theo chiếc đầu heo và bầu rượu. Một lần nữa, ông lại khấn vái và đổ rượu theo một lỗ nhỏ khơi giữa đám lúa cho chảy xuống. Người nữ chủ nhà đứng dưới gầm sàn giơ tay hứng rượu này xoa lên đầu và tay mình, xem như đã được Yàng ban phước. Xong phần lễ, chủ nhà và thầy cúng cùng bà con dòng họ, khách mời chung vui trong tiếng chiêng trầm bổng.                                
Người Bahnar và Xê Đăng cũng thường bắt đầu mùa ăn cơm mới từ đầu tháng 11 và gọi đây là mùa “khai ning nơng” (tháng nghỉ ngơi). Khi các gia đình trong làng đã suốt xong gùi lúa đầu tiên sẽ tiến hành lễ chung ở sân nhà rông. Ngoài việc chặt cây plang cột trâu (nếu có ăn trâu) và dựng cây nêu, các gia đình từ hôm trước đã vô rừng chặt ống nứa để nướng xôi, nướng thịt heo, gà. Sáng hôm sau, cả làng cùng mang ghè rượu, cơm, thịt đã chuẩn bị ra bày xung quanh nhà rông. Mâm cúng cũng không thể thiếu những con chuột mùa lúa béo mẫm, nướng chín thơm. Nếu có khách, già làng sẽ dẫn đầu đội chiêng và đội xoang nữ ra đầu làng hoặc bên này suối đón đợi. Tiếng ching chiêng nâng bước chân khách tiến vào sân nhà rông. Khi mọi người đã an vị, tiếng chiêng lại nổi lên cùng đội xoang nữ đi một vòng quanh cột nêu. Rồi thầy cúng bắt đầu khấn vái, cảm tạ thần linh đã cho một vụ mùa no ấm, cầu xin năm mới cũng được an lành và no đủ. Thế là xong phần lễ để vòng xoang được tiếp nối theo âm thanh bổng trầm của ching chiêng; những ché rượu, ống cơm, ống thịt được trao tận tay nhau. Khi bóng đêm choàng xuống, lễ tại các gia đình bắt đầu. Ấy là mùa no ấm đã đến. Đặc biệt, người Xê Đăng trước kia còn có tục sau lễ ăn cơm mới, cả làng mang theo lửa kéo nhau vào rừng, bỏ hết quần áo, giày dép ở cửa rừng để đi kiếm rau, cá, bẫy chim thú, sống nguyên thủy như thời xa xưa đến vài ba ngày mới trở về làng.            
Ngày nay, với sự khuyến khích của Nhà nước về phục dựng các lễ hội cổ truyền, ở một số vùng, bà con vẫn giữ tập quán ăn cơm mới theo truyền thống. Và trong không khí chung của cả nước, người Tây Nguyên cũng “ăn Tết” vào dịp Nguyên đán. Mặc dù đang mùa tưới cà phê nhưng nhiều gia đình vẫn nghỉ việc nhà nông vài ngày, dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng nhà cửa, dán tờ lịch mới, mua ít bánh kẹo, gói vài chục đòn bánh tét, làm vài ghè rượu cần để đón khách. Nếu điều kiện kinh tế khá giả, có những gia đình còn rủ dòng họ, xóm giềng thuê chiếc xe du lịch đưa nhau đi đến những khu du lịch ở Nha Trang, Đà Lạt… “đổi gió”. Đó chính là nét mới trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.
H'LINH NIÊ

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.