Độc đáo lễ cúng bến nước của người Ê Đê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người Ê Đê quan niệm bến nước cũng có thần linh cư ngụ và cai quản. Do vậy, theo truyền thống, sau khi mùa màng kết thúc, người Ê Đê thường làm lễ cúng bến nước để tạ ơn các thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, đem lại nhiều may mắn cho cộng đồng.
Tiếng chiêng đồng vang lên rộn rã trong nhà cộng đồng buôn Ky (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) báo hiệu các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, thúc giục mọi người cùng tập trung lại để nghi lễ cúng bến nước được bắt đầu. Theo ông Y Bang Byă-già làng buôn Ky, đây là nét sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê đã có từ xưa. Theo đó, người Ê Đê thường lập buôn ở gần nguồn nước. Họ rất tôn trọng và gìn giữ nguồn nước luôn trong sạch. Hàng năm, sau khi kết thúc việc thu hoạch mùa màng, thường là vào tháng 3, cả buôn sẽ cùng tổ chức lễ cúng cảm tạ thần nước đã phù hộ cho buôn có được nguồn nước trong lành để sử dụng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người dân được no ấm. Đây cũng là dịp để bà con trong buôn tụ họp, chia sẻ về đời sống, công việc sản xuất trong một năm đã qua.
  Lễ cúng bến nước là nét đặc trưng văn hóa lâu đời của người Ê Đê, được tổ chức hàng năm hoặc vài năm một lần. Ảnh: H.H
Lễ cúng bến nước là nét đặc trưng văn hóa lâu đời của người Ê Đê, được tổ chức hàng năm hoặc vài năm một lần. Ảnh: H.H
Theo phong tục của người Ê Đê, trước đây, khi muốn lập một buôn mới, chủ buôn (thường là người phụ nữ, đại diện cho quyền lực mẫu hệ của cộng đồng) cùng những người anh em trai của mình làm lễ xin tổ tiên, ông bà và các vị thần linh của núi rừng để tìm bến nước mới. Người tìm ra bến nước được cộng đồng tôn vinh là chủ bến nước. Khi buôn mới được lập, người này đứng ra chủ trì việc cúng bến nước. Công việc này sẽ được tiếp nối cho các con cháu (người Ê Đê theo mẫu hệ nên người tiếp quản sẽ là vợ chồng con gái chủ bến nước). Bà HRôl H'Đơk-chủ bến nước buôn Ky-cho biết: Ngày nay, tùy vào điều kiện kinh tế của chủ bến nước và người dân trong buôn, lễ cúng bến nước có thể được tổ chức hàng năm hoặc vài năm một lần.
Để chuẩn bị lễ cúng, trước đó, già làng, chủ bến nước họp bàn với dân làng phân công thanh niên làm vệ sinh khu vực bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Người dân trong buôn tùy điều kiện có thể đóng góp công sức, vật chất, tham gia nấu rượu cần, tập luyện đánh chiêng, chuẩn bị lễ vật cúng.
Đến ngày đã định, mọi người sẽ cùng tập trung tại nhà cộng đồng, cột rượu cần, mổ heo, gà, treo chiêng trống, trang trí mâm lễ. Lễ cúng bến nước diễn ra gồm 3 phần: cúng mời tổ tiên về dự lễ, cúng đầu nguồn nước và cúng sức khỏe chủ bến nước. Mỗi phần lễ sẽ có lễ vật riêng là 1 con gà hoặc 1 con heo cùng 1 ché rượu cần.
Lễ cúng bắt đầu, thầy cúng khấn báo sự việc buôn tổ chức lễ cúng, mời tổ tiên, ông bà của chủ bến nước và các thần linh cùng về dự lễ. Sau đó, mọi người di chuyển ra bến nước đầu buôn, thầy cúng tiếp tục làm lễ cảm tạ Thần nước, cầu an cho buôn làng và dâng các lễ vật lên Thần nước. Tiếp đó, chị em phụ nữ được phân công lấy nước đưa về nhà cộng đồng để đổ đầy các ché rượu. Phần hội bắt đầu trong tiếng chiêng rộn rã, tiếng cười nói, hỏi thăm nhau của những người dự lễ.
Theo chị HSu Juê H'Đơk-cháu gái chủ bến nước buôn Ky, chị đã được tham gia 3 lễ cúng bến nước do dòng họ mình tổ chức. “Buôn Ky là một trong số ít các buôn ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột còn duy trì bến nước và nghi lễ cúng bến nước cho đến ngày nay. Mình rất vui và tự hào khi dòng họ được cai quản và duy trì lễ cúng bến nước. Qua lễ hội này mình đã hiểu thêm được nguồn gốc của cha ông mình, những truyền thống, nét văn hóa đặc sắc… giúp mình luôn nhớ về cội nguồn, biết ơn công lao của cha ông đi trước đã góp công xây dựng buôn làng”-chị H'Su Juê nói.
 H'XÍU HMOK

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.