Chàng sinh viên mở hai công ty để… học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm thứ 3 đại học, chàng sinh viên ĐH RMIT Việt Nam Lưu Thái Quang Khải đã có 3 năm kinh nghiệm làm thiết kế đồ họa, chụp ảnh, làm phim, làm đồ handmade... và đã mở hai công ty.

 Lưu Thái Quang Khải (phải) trong ngày tốt nghiệp ĐH - Ảnh: NHÃ TRÂN
Lưu Thái Quang Khải (phải) trong ngày tốt nghiệp ĐH - Ảnh: NHÃ TRÂN


Lưu Thái Quang Khải là một trong số các sinh viên làm tốt nhất việc sớm áp dụng kiến thức được học ở giảng đường vào thực tế".

 

Bà Manuela Spiga (trưởng phòng hướng nghiệp
và quan hệ doanh nghiệp của RMIT Việt Nam)




Lưu Thái Quang Khải - chàng sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi top 4 ngành marketing Trường ĐH RMIT Việt Nam hôm 2-12 - đã thực sự trở thành gương mặt trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới sinh viên.

Nhiều người ngạc nhiên khi biết ngay từ năm thứ 3 đại học, Quang Khải đã có kinh nghiệm 3 năm làm đủ thứ việc cho các công ty, từ thiết kế đồ họa, chụp ảnh, làm phim, làm đồ handmade... và đã mở hai công ty.

Lớp 12 có "vốn trong tay" là IELTS 7.0

Từ năm lớp 12, Quang Khải đã rất muốn được đi du học nên đã làm hồ sơ dự định gửi một số nơi. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin du học, cậu học trò chuyên Pháp Trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt, Lâm Đồng) rất băn khoăn về khoản chi phí quá lớn nếu chọn con đường này.

Nhờ tìm hiểu thông tin về các trường quốc tế, Khải biết đến chương trình học bổng của Trường ĐH RMIT Việt Nam nên nộp hồ sơ với suy nghĩ "nộp cho vui thôi chứ chắc không có khả năng cạnh tranh nhiều bạn ở TP.HCM" nhưng nhà trường lại gọi đến phỏng vấn và "đậu thiệt" với học bổng toàn phần khóa ĐH, có lẽ vì Khải có "vốn trong tay" là IELTS 7.0, kết quả học tập đạt trên 9,0.

Nhập học, Khải chọn ngành logistics - ngành mới của trường này - nhưng vào học các học phần về marketing căn bản, Khải bị cuốn hút bởi những môn học hấp dẫn này và quyết định chọn học ngành marketing.

Từ kinh nghiệm bản thân, Khải cho rằng đối với ngành marketing việc chọn học ở Việt Nam sẽ tốt hơn so với du học vì ngành này đòi hỏi phải hiểu thị trường, văn hóa xung quanh mình.

"Chọn học marketing ngay tại Việt Nam, sinh viên sẽ được trực tiếp trải nghiệm các công việc, có được nhiều thông tin và đến khi ra trường với kiến thức được học chỉ cần tìm cách ứng dụng vào thực tế, từ đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm" - Khải chia sẻ.

Mở công ty để... học

Trong khi sinh viên các trường ĐH VN thường phải học trong 4 năm mới hoàn tất chương trình ĐH nhưng ở RMIT, sinh viên chỉ học trong thời gian 3 năm. Ngay đầu năm cuối ĐH, Lưu Thái Quang Khải đã lập 2 công ty và trực tiếp điều hành. Chia sẻ về việc này, Khải cho hay mở công ty không chỉ kinh doanh mà còn mục đích để học.

Nguyễn Anh Phương, sinh viên năm 4 Trường ĐH RMIT, cho biết luôn khâm phục chàng trai tài hoa "có máu nghệ sĩ, mê kinh doanh", người cùng mình nhận học bổng RMIT ba năm trước.

"Tôi khâm phục Quang khải ở chỗ bạn ấy không bao giờ nói trước về dự định của mình. Khi nào hoàn thành việc gì bạn ấy mới nói cho người khác biết. Khải còn rất thích tham gia các hoạt động cộng đồng, các cuộc thi lớn dành cho sinh viên. Đó là nơi bạn ấy thể hiện tài năng và ý chí.

Năm ngoái, tình cờ biết tin Khải mở công ty hạt mắc ca, tôi tìm hiểu thì biết bạn ấy đã chuẩn bị rất kỹ cho dự án kinh doanh này hơn một năm trước đó khá bài bản: quảng bá thương hiệu, thiết kế nhận diện thương hiệu khác biệt, chiến lược marketing...

Vừa học vừa kinh doanh mà Khải tốt nghiệp loại giỏi, ra trường sớm một năm là điều khiến mình vô cùng ngưỡng mộ" - Anh Phương chia sẻ.

Tại lễ tốt nghiệp ĐH đầu tháng 12-2019, Lưu Thái Quang Khải cho biết: "Năm cuối, tôi bắt đầu một lần nữa, một dự án kinh doanh của riêng mình. Thật buồn cười khi mình nói về điều này khi vừa đóng xong con dấu giải thể công ty làm về thương hiệu do không đủ thời gian tập trung làm tốt được cả hai công ty. Hiện nay tôi chỉ còn theo đuổi, điều hành công ty bán hạt".

 

Theo TRẦN HUỲNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.