Chàng cử nhân khởi nghiệp với mô hình nuôi dế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tự học hỏi kỹ thuật nuôi dế, La Văn Quý (26 tuổi, ở Sơn La) quyết định thử sức mình với việc nuôi dế và đạt được những thành công nhất định. Từ mô hình này, Quý có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.

La Văn Quý chăm sóc trại dế của mình NVCC
La Văn Quý chăm sóc trại dế của mình NVCC

Vượt lên nghịch cảnh

Từ lúc 6 tháng tuổi, La Văn Quý đã không may mồ côi cả cha và mẹ, may mắn được bác ruột nhận làm con nuôi, cho ăn học đến đại học. Nhưng không may khi anh Quý chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì bác anh đột ngột tai biến và không qua khỏi. Ra trường, Quý xin được việc làm tại một công ty tư nhân trên địa bàn tỉnh, nhưng sau một thời gian đi làm, thấy công việc không phù hợp nên anh quyết định bỏ việc.
Trong khoảng thời gian nghỉ việc, Quý lên mạng tìm hiểu những mô hình ý tưởng lập nghiệp, làm giàu và cơ duyên dẫn anh đến với nghề nuôi dế.
"Chi phí đầu tư cho việc nuôi dế thấp và phù hợp với điều kiện của bản thân, thêm nữa là thời điểm ấy trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa có mô hình nuôi dế này”, Quý cho biết.

Trải qua nhiều khó khăn, La Văn Quý đã phát triển và xây dựng mô hình nuôi dế với 20 chuồng trại NVCC
Trải qua nhiều khó khăn, La Văn Quý đã phát triển và xây dựng mô hình nuôi dế với 20 chuồng trại NVCC
Khi bắt đầu khởi nghiệp, ngoài nguồn vốn, Quý còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chưa nắm được kỹ thuật nuôi dế. Nhưng với quyết tâm của mình, Quý đã tự mày mò tìm hiểu từ sách báo, internet những kiến thức, kinh nghiệm nuôi dế, đi tham quan học hỏi từ những trang trại nuôi dế ở Hà Nội..., anh đã vượt qua. Thời gian đầu khởi nghiệp, ban ngày Quý dành trọn thời gian bên những chú dế, ban đêm thì anh đi làm để kiếm thêm thu nhập.
Kiên trì với mô hình khởi nghiệp từ dế
Khi chuẩn bị thực hiện mô hình, Quý đến tìm gặp và nhờ sự tư vấn của thầy giáo của mình tại Trường ĐH Tây Bắc. Được sự khích lệ từ thầy, Quý bắt tay vào làm với số tiền ít ỏi là 2 triệu đồng. 5 khay trứng dế với giá mỗi khay là 200.000 đồng mua được từ các trại ở Hà Nội là bước khởi đầu của Quý.
Giai đoạn đầu, Quý bắt đầu nuôi dế trong 5 thùng bìa carton nhỏ tại phòng trọ của mình. Sau một thời gian nuôi, thấy dế phát triển tốt, Quý bắt đầu mở rộng mô hình. Nhờ sự giúp đỡ từ câu lạc bộ khởi nghiệp Trường ĐH Tây Bắc, Quý thuê khu đất diện tích là 240 m2 để mở rộng mô hình chăn nuôi. Tháng 3 năm 2018, Quý vay mượn được từ bạn bè và mọi người thêm được 10 triệu đồng tiền vốn và bắt đầu làm chuồng trại và tiến hành nuôi dế với với quy mô lớn hơn.
Thời gian đầu khi nuôi dế, do chưa có kinh nghiệm nên dế chết gần hết, có lúc gần như thất bại hoàn toàn, không còn vốn để tiếp tục. Nhưng nhờ sự động viên, ủng hộ từ mọi người mà Quý đã có thêm động lực để quyết tâm làm lại từ đầu.
Hiện nay, Quý đã phát triển mô hình lên 20 chuồng nuôi với sản lượng dế bán trong khu vực tỉnh trung bình mỗi tháng khoảng 1.500 đến 2.000 kg, doanh thu dao động từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng. Dự định của Quý là tiếp tục mở rộng chuồng trại trong thời gian tới.
Theo Quý, để dế phát triển tốt là đảm bảo 3 tiêu chí “Ăn sạch, ở sạch và uống sạch”. Thức ăn của dế phải đảm bảo nguồn thức ăn rau an toàn, không sử dụng nguồn thức ăn có sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu. Nguồn nước cho dế uống phải đảm bảo không có mùi clo hoặc mùi hóa chất. Sau cùng, môi trường ở của dế phải lúc nào cũng sạch sẽ thoáng mát, không ẩm mốc, dư thừa thức ăn.
Nhắn gửi đến những bạn trẻ với mong muốn khởi nghiệp, Quý cho biết điều quan trọng cần phải có chính là niềm đam mê, nhiệt huyết và sự kiên trì. Không có con đường trải sẵn thảm cho ta bước qua dễ dàng, đam mê mà không có lòng quyết tâm thực hiện và sự kiên trì thì cũng khó có được thành công. 
Theo Quang Khánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.