(GLO)- Ung thư não giai đoạn cuối đã khiến anh Lâm Quang Sơn (sinh năm 1978, trú tại tổ 10, thôn 1, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) bị mù mất một mắt, rã xương hàm, ung thư vòm hầu, không thể ăn được gì ngoài húp nước cháo. Thế nhưng anh vẫn có một sức sống mãnh liệt chống chọi căn bệnh ung thư để có thể sát cánh cùng 2 con và người vợ hiền.
Bé Lâm Thị Phượng-người chị lớn trong nhà thay mẹ vừa chăm sóc cha, vừa trông em. Ảnh: Ngọc Thu |
Gặp anh Lâm trong căn nhà tình thương do chính quyền địa phương xây dựng từ “Quỹ vì người nghèo”, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Căn nhà trống hoác, không một vật dụng giá trị nào có trong nhà. Anh Lâm phát bệnh từ năm 2013, từ đó trở đi một năm anh phải vào bệnh viện 4 lần, mỗi lần tốn gần 15 triệu đồng. Bao nhiêu của cải của gia đình tích cóp đều được vợ chồng anh bán đi để điều trị bệnh cho anh. Rồi đến cả con heo, con gà, con chó cũng bị vợ anh bắt bán hết lo cho anh. Nhưng rồi đến cuối năm 2015, anh Lâm bị Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh trả về vì căn bệnh đã ở giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa. Với niềm tin mãnh liệt là mình không thể chết, phải ở lại cùng ba mẹ con nên ai mách gì để chữa khỏi bệnh, anh đều tin kể cả ăn thân cây đu đủ, hoa giấy.
Dù thân thể đau đớn nhưng anh vẫn cố gắng đi lại, cùng hai con thơ làm công việc nhà. Anh không còn nói rõ được mà chỉ phát ra những âm thanh không chuẩn, hàng xóm thân tình dịch cho anh, tôi mới hiểu được điều anh muốn nói, anh chỉ có một ước mơ duy nhất: “Tôi ước mình khỏi bệnh để cùng vợ lo cho 2 con được đi học, có một cuộc sống bình thường như bao người. Hai vợ chồng đã mù chữ rồi nên không thể để hai con thất học, sống khổ cực như mình được”.
Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1976) cũng là lao động phổ thông, tần tảo sớm khuya nuôi chồng, nuôi con, một ngày làm gắng hết sức mới được 150 ngàn đồng. 2 con, đứa học lớp 1, đứa học lớp 2 ngơ ngác, chỉ biết ở nhà chăm cha giúp mẹ, để mẹ đi làm kiếm tiền về lo cuộc sống, vì thế học lực của hai em càng ngày càng yếu. Bao nhiêu tiền đều chữa bệnh cho chồng, lo cuộc sống của gia đình đều một vai chị Hạnh gánh vác, cơm không đủ ăn, 2 đứa con thơ có nguy cơ phải nghỉ học.
Hàng xóm láng giềng ai cũng thương cho hoàn cảnh gia đình anh Lâm, cố gắng giúp đỡ gia đình như trông con cho hai vợ chồng dẫn nhau đi chữa bệnh, gom góp ít cơm, gạo, tiền cho gia đình anh, thế nhưng chỉ như muối bỏ biển. “Trước khi phát bệnh, anh Lâm làm lao động phổ thông, anh làm việc chăm chỉ, luôn vui vẻ, hòa đồng, giúp đỡ bà con. Ở đây ai cũng thương gia đình nhà anh Lâm, quyên góp nhiều để cùng gia đình anh vượt qua hoạn nạn”-đây cũng là lời chia sẻ đầy xúc động của anh Nguyễn Văn Thọ-hàng xóm của anh Lâm.
Căn nhà tình thương do Ủy MTTQ tỉnh hỗ trợ giờ đây đã cũ kỹ, bên trong trống hoác. Ảnh: Ngọc Thu |
Ông Võ Văn Thọ-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 10, thôn 1, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa-cho biết: “Địa phương cũng đã tranh thủ mọi hỗ trợ đối với người nghèo và kêu gọi ủng hộ, từ thiện cho gia đình anh Lâm, tạo điều kiện cho hai bé đến trường. Thế nhưng gia đình quá khó khăn nên chỉ trông chờ vào các nhà hảo tâm, hy vọng sẽ giúp được gia đình, để gia đình giảm bớt khó khăn”.
Trong căn nhà trống này, người cha chưa biết đến khi nào sẽ lìa xa cõi đời để lại người vợ cùng hai con thơ không người thân thích, không nơi nương tựa và số tiền vay nợ khi chữa bệnh cho anh. Chúng tôi vừa thương anh, vừa xót thương cho số phận ba mẹ con. Bé Lâm Thị Phượng-người chị lớn trong nhà đang chăm sóc cha, đôi mắt đỏ hoe: “Con mong cha con mau khỏi bệnh, ở lại với ba mẹ con, tiếp tục cùng mẹ nuôi hai chị em con, cho hai chị em con được đến trường”.
Mong rằng các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân sẽ giang đôi tay gúp đỡ gia đình anh Lâm, tiếp thêm sức mạnh cho chị Hạnh, để 2 bé thơ tiếp tục cuộc hành trình tìm con chữ, không thất học như anh chị.
Ngọc Thu