Các văn kiện mới ký kết sẽ giúp tạo thành khung pháp lý quan trọng cho việc quản lý và phát triển đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia trong tình hình mới, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn ký văn kiện pháp lý về biên giới đất liền giữa hai nước. (Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 22/12, kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật và Lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đồng chủ trì kỳ họp. Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh tham dự kỳ họp tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế ở thủ đô Phnom Penh.
Báo Khmer Times số ra ngày 23/12 dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia (CBAC) Koy Pisey khẳng định hai nước đã chạm tới "thời khắc lịch sử" khi chính thức trao đổi Văn kiện Phê chuẩn "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc) được đại diện hai nước ký ngày 5/10/2019 tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự kỳ họp cùng Chủ tịch CBAC Var Kimhong, bà Koy Pisey nêu rõ: "Sau khi chúng ta hoàn tất công tác phân giới cắm mốc 84% biên giới trên đất liền với Việt Nam, Quốc hội và Thượng viện Campuchia đã phê chuẩn văn kiện này để Quốc vương ký sắc lệnh Hoàng gia ban hành trong năm nay."
Theo bà Koy Pisey, theo đúng thông lệ quốc tế, hai nước đã thông báo cho nhau về các thủ tục này và chính thức trao đổi văn kiện theo luật pháp quốc tế. Bà Pisey cho biết Ủy ban Hỗn hợp phân định biên giới đất liền hai nước sẽ tiếp tục đàm phán về 16% biên giới đất liền còn lại.
Bà Pisey nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đã thực hiện, đó là một nhiệm vụ khó khăn nhưng chúng tôi đã đạt được mục tiêu. Chúng tôi tự hào về công việc này vì sau khi hoàn thành, đó là di sản vĩnh viễn cho các thế hệ tương lai".
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nhận định, sự kiện ngày 22/12 đã góp phần củng cố và tiếp tục nâng quan hệ Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới. Theo thỏa thuận của hai nước, hai văn kiện pháp lý nói trên sẽ có hiệu lực ngay sau khi hai bên hoàn thành thủ tục trao đổi Văn kiện Phê chuẩn.
Như vậy, kể từ ngày 22/12/2020, “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” bắt đầu có hiệu lực và thực sự đi vào đời sống chính trị của hai nước.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, sự kiện này ghi dấu một thắng lợi lớn của cả hai nước và có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, thể hiện phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu tại Lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn vừa diễn ra, hai văn kiện pháp lý này có hiệu lực đã thể hiện quyết tâm và thiện chí của cả Việt Nam và Campuchia trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới chung.
Hai văn kiện pháp lý này cùng với Hiệp ước hoạch định năm 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005 sẽ tạo thành khung pháp lý quan trọng cho việc quản lý và phát triển đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia trong tình hình mới, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/TTXVN) |
Các văn kiện này cũng sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống cư dân biên giới, xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường đoàn kết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Theo Trần Long (TTXVN/Vietnam+)