(GLO)- Trước thềm năm mới 2014, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thăm, chúc Tết và vận chuyển hàng Tết từ đất liền ra các đảo-điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Điều bất ngờ cho những ai đã từng đặt chân lên các đảo của quần đảo Trường Sa là bị sức hút mê hồn một màu xanh giữa biển cả trùng khơi; bởi trước vẻ đẹp của hoa bàng vuông có sức sống mãnh liệt trước thời tiết khắc nghiệt của biển-đảo.
Qua phong ba, bão táp, cây bàng vuông vẫn sừng sững xanh tốt; trở thành loài cây biểu tượng trên quần đảo Trường Sa. Chính đây là niền tự hào và kiêu hãnh của người lính đảo, trở thành người bạn thân tình của cán bộ-chiến sĩ đảo Trường Sa.
Cây bàng vuông ở đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Văn Nghĩa |
Với đặc trưng và biểu tượng đó, mà ở hầu hết các đảo và điểm đảo đều chọn cây bàng vuông là cây phủ xanh đảo-để xây dựng quần đảo xanh-sạch-đẹp. Trung tá Nguyễn Trọng Khẩn-cán bộ Vùng 4 Hải quân, người đã từng trải nghiệm sống ở các đảo cho biết: Hầu hết các điểm đảo quanh năm đều nắng gió, mưa bão, hơi mặn của biển, nếu không có cây xanh tạo nên bóng mát, thì cuộc sống giữa biển cả càng thêm khốc liệt. Các điểm đảo cũng đã trồng rất nhiều loại cây có giá trị được mang từ đất liền ra, nhưng không chịu nổi với thời tiết khắc nghiệt của biển-đảo. Riêng chỉ có cây bàng vuông vẫn cắm rễ sâu vào nền đá san hô, vươn lên tươi tốt, sum xuê, một dáng đứng hiên ngang khỏe khoắn như vừa chở che vừa kiên cường có mặt nơi gian khó.
Cánh lính đảo cho rằng quả bàng vuông ngâm trong nước biển thì rất dễ ươm trồng, khi quả chín rụng xuống biển đuợc sóng đánh trôi dạt từ đảo này đến đảo khác còn mang vào đất liền hạt rất khó nảy mầm. Vì nó là cây biểu tượng cho Trường Sa nên cánh lính ở các đảo chìm mang cây về trồng vào các bồn. Bàng vuông có một đặc tính là cây càng bị táp mặn thì lá càng xanh mướt. Chính vì sự phù hợp này mà bàng vuông mới vươn mình khỏe mạnh, đơm hoa, kết trái giữa đảo Trường Sa-nơi không mấy loại cây có thể sống được.
Ảnh: Văn Nghĩa |
Cây bàng vuông quanh năm xanh tốt, có cây to người ôm không xuể, thế đẹp, tỏa bóng mát. Ở đảo Sinh Tồn Đông, ngay trước sân có cây to ngay cạnh cột mốc đảo, tỏa bóng che mát hàng hiên trụ sở chỉ huy đơn vị, khách đến đảo ai cũng xuýt xoa vì cây đẹp, hiện bàng vuông được trồng khắp nơi trên đảo, đứng xa nhìn vào đảo là một màu xanh ngút tầm mắt. Nghe những người lính đã từng đi nhiều đảo kể ở các đảo như Song Tử Tây, cây bàng vuông được trồng ở khắp nơi, nhiều cây trĩu quả. Ở đảo Sơn Ca thì khỏi nói, bàng vuông che bóng mát từ Trạm Hải đăng đi vào tận khu nhà ở, nhà ăn, khu chỉ huy. Sau giờ trực, rèn luyện, cán bộ, chiến sĩ thường ngồi dưới tán cây để ca hát.
Hoa bàng vuông mới thật là đặc biệt, đó là loài hoa cũng giống như hoa quỳnh chỉ nở vào ban đêm, hoa tỏa hương, khoe sắc rực rỡ nhất cũng chỉ vào ban đêm. Có người ví von hoa bàng vuông được ví là hoàng hậu của các loài hoa trên đảo. Hoa đẹp bởi sự kết hợp tinh tế giữa cấu trúc và sự phối hợp màu sắc. Nhị hoa hình sợi dài. Từ dưới chân nhị đến giữa thân khoe sắc trắng, phần thân trên nhị hoa ngả màu hồng đậm. Mỗi sợi nhị được phủ bởi một bao phấn vàng. Hàng trăm sợi nhị tủa ra từ trục hoa được bao bọc gọn gàng trong bốn cánh hoa trắng muốt.
Hoa bàng vuông nở về đêm. Ảnh: Văn Nghĩa |
Sự kết hợp kỳ diệu này khiến cho bông hoa rực rỡ như một đóm lửa đỏ giữa đêm đen. Nhìn nhị hoa mong manh thế nhưng lõi nhị cứng như có sợi thép bên trong nên hoa mới có thể chịu được sức gió giữa biển khơi. Hoa có mùi thơm nhẹ thanh tao, chỉ ai để ý đến hoa mới cảm nhận được hương thơm. Có lẽ chỉ có cánh lính gác đêm mới hiểu, mới thấy được khi nào hoa nở và cảm nhận hết được hương thơm của hoa, hoa với lính như những người bạn tâm giao. Trong điện thoại của bất cứ lính đảo nào cũng tràn ngập ảnh hoa bàng vuông. Hoa nở quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa Xuân.
Người lính già, Trung tá Nguyễn Trọng Khẩn-cán bộ Vùng 4 Hải quân kể, vì hoa là biểu tuợng của lính đảo nên có nhiều câu chuyện tình yêu của lính gắn liền với loài hoa này. Anh nào cũng khoe với người yêu, có anh ví người yêu với vẻ đẹp của hoa nhưng chả ai đem hoa về được thế nên thường trong ba lô hành trang rời đảo anh nào ít nhất cũng có vài quả bàng vuông đem về làm bằng chứng và cũng để làm kỷ niệm.
Sống giữa sự khắc nghiệt của đảo, bàng vuông không ra nhiều quả mà phải kiêm nhiều nhiệm vụ: khoe sắc đẹp cho quần thể thực vật trên đảo, kết trái để ươm trồng và làm quà tặng cho khách đến thăm. Lính đảo ở đây chỉ dám giữ cho mình một quả bàng vuông để làm kỷ niệm và tặng cho người mình yêu quý nhất. Còn lại phải để dành cho đồng đội khác chưa có.
Đêm tại đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi được cùng lính đảo ở đây thưởng ngoạn cảnh hoa bàng vuông nở, chốc chốc lại có người reo lên khi thấy một bông hoa nữa xuất hiện, anh em phóng viên cùng lính đảo máy quay, máy ảnh, điện thoại tập trung hết cỡ để ghi hình. Chợt nghĩ, lính đảo mình lãng mạn thật cứ nhìn cách họ đắm đuối với bông hoa, họ tự hào kể về loài hoa có một không hai mà chỉ lính đảo mới được tận hưởng nhiều nhất.
Một anh lính trẻ tâm sự, ngoài này chúng em làm gì có hoa để cắm Tết vì hành trình từ đất liền ra đảo hàng chục ngày, nếu có thì chỉ có hoa nhựa thôi. Nhưng vào dịp Tết hoa bàng vuông nở nhiều, phải chăng hoa hiểu lính đảo nên hoa cũng cố tô điểm cho sắc xuân trên đảo thêm tươi thắm.
Trần Văn Nghĩa