(GLO)- Những ngày này, người dân hai xã Đak Hlơ và Nghĩa An (huyện Kbang) vô cùng phấn khởi khi cây cầu Nghĩa An, bắc qua sông Ba, nối liền hai xã được hoàn thành. Niềm vui ấy được thể hiện rõ trên từng nét mặt tươi tắn của họ khi nói chuyện với chúng tôi về cây cầu này. Từ nay, họ không còn phải chèo đò, lội nước qua sông và việc vận chuyển nông sản với họ cũng trở nên dễ dàng.
Dù tiết trời khá lạnh, nhưng ông Đặng Văn Hoàng ở thôn 4, xã Nghĩa An vẫn cùng mọi người dạo chơi trên cây cầu mới hoàn thành, được trang trí các lá cờ đủ màu sắc. Ai ai cũng vui vẻ nói chuyện và nhìn ngắm cây cầu với đôi mắt trìu mến, như thể cây cầu là một vật quý giá cần phải nâng niu, trông giữ cẩn thận. “Có cây cầu này, người dân chúng tôi mừng lắm. Bởi ngày chưa có cầu, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mùa nước cạn, muốn qua sông phải chèo đò, muốn chở nông sản về nhà phải thuê xe độ vượt sông. Mùa nước lớn, đò không qua sông được, còn hàng nông sản nếu không đi đường vòng xa hơn 7 km thì đành để nâm ở ruộng. Giờ, có cầu rồi, muốn thu hoạch nông sản lúc nào cũng được, chẳng phải lo”- ông Hoàng phấn khởi cho biết.
Đông đảo cán bộ, người dân đến chứng kiến ngày thông xe cầu Nghĩa An. Ảnh: H.T |
Có mặt tại cây cầu vào ngày tổ chức lễ thông xe, ông Đỗ Văn Hà-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cũng không khỏi vui mừng bày tỏ: “Cây cầu là niềm mơ ước của người dân hai xã Nghĩa An và Đak Hlơ bấy lâu nay. Bởi có cây cầu, không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi qua lại nơi này mà còn tạo thuận lợi cho việc sản xuất của hai xã. Riêng xã Nghĩa An có gần 400 ha mía, bắp, cây màu phía bên kia sông. Khi có cầu, người dân không còn phải chờ đến mùa nước cạn mới thu hoạch nông sản. Giá thuê chở nông sản vì thế cũng được giảm xuống rất nhiều. Thu nhập của người dân vì thế sẽ được nâng cao”.
Với người dân xã Đak Hlơ, sự có mặt của cây cầu không chỉ thuận lợi cho việc chuyên chở nông sản mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi, mua sắm hàng hóa ở trung tâm huyện. Cùng hai đứa con nhỏ dạo bộ trên cây cầu mới, anh Đinh Srây, làng Lợt, xã Đak Hlơ vui mừng nói: “Ngày trước, đường khó đi nên mình ít khi lên trung tâm huyện bán nông sản và mua sắm dụng cụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng giờ có cầu rồi, thỉnh thoảng mình sẽ tự mang nông sản lên huyện bán, hoặc đi mua sắm hoặc đi chơi. Nhất là dịp Tết Nguyên đán này, mình và một số người trong làng sẽ cho các con đi xem bắn pháo hoa ở trung tâm huyện”.
Ảnh: H.T |
Ông Vũ Văn Toan-Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ cũng cho hay: Xã Đak Hlơ có 1996 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây mía chiếm diện tích lớn nhất (1.545 ha), đến cây lúa và các cây trồng nông nghiệp ngắn ngày khác. Những năm qua, xã đã vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các cây trồng này đều cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, vì giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người dân. Do vậy, khi có cây cầu này, người dân xã Đak Hlơ rất phấn khởi. Ông nói: “Cây cầu không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân mà còn tạo niềm tin vào sự phát triển kinh tế của xã. Bởi, có cầu, việc lưu thông hàng hóa dễ dàng, nông sản dễ tiêu thụ và các nguồn lực từ bên ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế cho xã. Vì vậy, tôi tin là điều kiện phát triển kinh tế của địa phương sẽ mạnh lên gấp nhiều lần so với trước đây”.
Như vậy, ước mơ được đi trên cây cầu mới an toàn, sạch đẹp của người dân hai xã Nghĩa An và Đak Hlơ cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực. Cây cầu không chỉ là món quà lớn dành cho họ khi một năm mới nữa lại về mà còn hứa hẹn bao điều tốt đẹp về sự phát triển trong tương lai của hai xã…
Hồng Thương