Câu cá giải trí biến tướng cờ bạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cả trăm cần thủ mua vé với giá từ 1 - 4 triệu đồng để tham gia cuộc thi câu cá giải trí có thưởng. Với hàng trăm triệu đồng thu được từ bán vé, nhóm tổ chức sẽ dùng để chia thưởng, đồng thời bỏ túi một khoản kha khá.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… xuất hiện tình trạng câu cá giải trí có thưởng với số tiền thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhóm cần thủ sẽ thi thố trong vòng từ 4 - 7 giờ đồng hồ. Trong mỗi giờ, ai câu được con cá lớn nhất sẽ đoạt giải nhất tiếng. Sau khi kết thúc cuộc thi, cần thủ nào có con cá nặng nhất sẽ ẵm giải thưởng nhất ngày, tiền thưởng là vài chục triệu, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng.

Nhóm cần thủ câu cá có thưởng ở hồ cá C.Đ.S (P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào tối 10.2
Nhóm cần thủ câu cá có thưởng ở hồ cá C.Đ.S (P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào tối 10.2
Bên cạnh đó, nhóm tổ chức sẽ dùng chính số tiền bán vé để… mua lại số cá mà cần thủ câu lên (gọi là quỹ cá, thường dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/con). Ngoài ra, nhóm tổ chức sẽ treo thưởng từ 10 - 20 triệu đồng nếu ai câu được “cá heo” (tức con cá được chỉ định về số cân nặng mà nhóm tổ chức đưa ra trước giải - PV).
Hồ câu được ngăn ở giữa để chia thành khu A và khu B. Mỗi khu sẽ có vài chục cần thủ thi thố. Người điều hành ngồi ở đầu hồ để quan sát, bình luận về cuộc thi. Ở cả khu A và B sẽ có nhân viên kiểm tra, giám sát nhằm tránh gian lận…

Mỗi khi cần thủ dính cá, nam thanh niên (phải) sẽ đến giám sát, kiểm tra
Mỗi khi cần thủ dính cá, nam thanh niên (phải) sẽ đến giám sát, kiểm tra
Gần 100 cần thủ thi thố trong đêm
Khoảng hơn 20 giờ ngày 10.2, hồ câu cá C.Đ.S (P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) chộn rộn hẳn lên với tiếng cười nói của 99 cần thủ đang trổ tài câu cá tra có thưởng. Giá vé câu được người điều hành tự xưng tên C. giới thiệu là 1,7 triệu đồng/vé, giải nhất ngày 22 triệu đồng. Hàng dài ô tô nối đuôi cùng hàng chục xe máy của cần thủ dựng ngay trên bờ hồ. Theo tính toán của PV từ thông tin quảng cáo của hồ câu, sau khi chi tiền cho các giải thưởng, nhóm người tổ chức kiếm được trên dưới 40 triệu đồng.
Đang mải mê nhồi mồi câu ở khu B, anh V. (30 tuổi) bỗng hớn hở vì phát hiện chiếc cần rung liên tục. “Cá cắn câu rồi!”, anh V. thốt lên rồi bỏ mớ mồi câu xuống, chạy ra thu cần. Sau một hồi hì hục kéo câu, cuối cùng chú cá tra cũng “tiếp bờ” thành công. “Con này khoảng mấy ký?”, PV hỏi. Anh V. rầu rầu nói con này cao lắm chỉ hơn 7 kg, không đủ “vé” để cạnh tranh với cá của những cần thủ khác. Nói xong, anh V. thả cá lại xuống hồ. Ở phía bên khu A, tiếng trầm trồ, la hét chốc chốc lại vang lên khi ai đó câu dính cá. “Hồi hộp lắm, cuộc đọ sức diễn ra căng thẳng suốt 6 giờ đồng hồ mới biết ai thắng ai bại. Có khi tôi câu cả buổi không dính con nào, trắng tay ra về”, V. nói.

Thông tin về cuộc thi câu cá giải trí có thưởng được hồ câu C.Đ.S trên mạng xã hội Facebook
Thông tin về cuộc thi câu cá giải trí có thưởng được hồ câu C.Đ.S trên mạng xã hội Facebook
Trong khi đó, H. (khoảng 35 tuổi) tay cầm bộ đàm chạy như con thoi để thông báo với cần thủ và kiểm tra, giám sát tính hợp lệ của số cá được câu lên. “Ai dính cá phải hô to lên nha, để tôi chạy lại kiểm tra và báo cho người điều hành qua bộ đàm trước khi mang cá lên cân”, H. nhắc nhở liên tục và chia sẻ nếu cá to mới đem cân, cá nhỏ sẽ thả lại xuống hồ và ghi phiếu để cuối giờ nhận tiền từ quỹ cá.
Một cần thủ chia sẻ từ tết tới giờ anh ta đi câu không nghỉ bữa nào. Đi khắp các hồ câu ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… để săn giải. Tuy nhiên cần thủ này chưa ẵm giải lần nào, lỗ mấy chục triệu đồng. “Giá vé mỗi lần tham dự giải chỉ từ 1 - 4 triệu đồng, tuy nhiên việc tham gia liên tục và đổ tiền vào chế biến mồi câu (thường mỗi cần thủ sẽ có bí quyết riêng - PV), nếu không có tài chính vững thì có thể đổ nợ như chơi. Tụi tôi câu “ăn thua đủ” chứ giải trí cái gì!”, cần thủ này khẳng định.

Một cần thủ gỡ con cá tra vừa câu từ hồ C.Đ.S
Một cần thủ gỡ con cá tra vừa câu từ hồ C.Đ.S
Chơi “giải trí” nhưng thắng cả trăm triệu !
Ngày 13.2, chúng tôi tiếp tục theo chân một nhóm cần thủ đi thi câu ở hồ câu B.D (xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi, TP.HCM). Hôm nay sẽ có 108 cần thủ tham gia, với giá vé mỗi cần là 3,5 triệu đồng (tổng số tiền bán vé 378 triệu đồng). Người điều hành hồ câu tự xưng tên T. (khoảng 45 tuổi), giới thiệu giải nhất ngày là phần thưởng lên tới 100 triệu đồng, nhì là 30 triệu đồng; nhất mỗi tiếng sẽ được thưởng 4 triệu đồng… “Cá heo” hôm nay quy định nặng 13,5 kg, được treo thưởng hơn 10 triệu đồng. Theo tính toán của chúng tôi, trừ hết khoản chi thưởng, nhóm tổ chức sẽ bỏ túi trên dưới 50 triệu đồng.
Khoảng 14 giờ 20, không khí tại khu A của hồ khá căng thẳng. Ông Tư (khoảng 50 tuổi, ngụ H.Củ Chi), khom người kéo con cá tra nặng hơn 9 kg lên bờ. “Cá qua trái nha anh em ơi!”, vừa nói ông Tư vừa di chuyển nhanh qua trái. Thấy vậy, nhóm cần thủ vội vàng chỉnh lại cần câu để khỏi vướng phải dây câu của ông Tư. Rất nhanh chóng, nam thanh niên khoảng 30 tuổi, phụ trách việc kiểm tra, giám sát chạy lại rồi nói qua bộ đàm: “Cần số 12 mới dính cá!”. Ngay sau đó, người điều hành tên T. đang ngồi cách đó khoảng 200 m vội nói qua chiếc loa kẹo kéo: “Quá hấp dẫn luôn anh em ơi! Cá mới lên ở đầu khu A. Sắp hết tiếng thứ 6 rồi, hiện nhất tiếng là cá của cần số 91, cá nặng 10,55 kg…”.

Một cần thủ nhận tiền sau khi cuộc thi câu cá kết thúc
Một cần thủ nhận tiền sau khi cuộc thi câu cá kết thúc
Ngồi kế đó, nhóm cần thủ khoảng 5 người vẫn kiên nhẫn trông ngóng cá cắn câu. “Chỗ tụi tôi không biết sao cá ăn ít quá. Cả nhóm cùng rủ nhau đi, tính luôn tiền mồi cũng ngót nghét hơn 20 triệu đồng chứ ít đâu. Bữa nay chắc tụi tôi giương cờ trắng sớm”, nam thanh niên khoảng 25 tuổi rầu rĩ nói.
Khoảng 1 tiếng sau, khi chỉ còn vài phút là hết giờ câu thứ 7, ông P. (khoảng 55 tuổi, ngụ Bình Dương) và cả nhóm câu reo hò khi dính cá to. “Rồi xong, 1 con 2 phong bì là có thật (thưởng nhất tiếng và đoạt giải ngày - PV)”, ông P. cười ha hả. Sau khi vớt cá lên và cân được 10,65 kg, ông P. dự đoán bữa nay ông sẽ ẵm khoảng 12 triệu đồng (gồm nhất tiếng thứ 7 là 4 triệu đồng và giải tư ngày được 8 triệu đồng).

Nam thanh niên có nhiệm vụ giám sát và thông báo cho người điều hành mỗi khi cần thủ dính cá
Nam thanh niên có nhiệm vụ giám sát và thông báo cho người điều hành mỗi khi cần thủ dính cá
“10, 9, 8, 7… hết giờ nha anh em ơi!”, người điều hành đếm ngược từng giây cho các cần thủ chuẩn bị buông cần. Kết thúc buổi câu, những cần thủ đoạt giải được gọi tên lên nhận cờ, cúp và tiền. “Hôm nay nhất ngày là cần số 91, cá nặng hơn 11 kg”, ông T. thông báo. Chủ nhân giải thưởng là người đàn ông quê Bình Dương hân hoan nói: “Số tiền giải nhất ngày là 100 triệu đồng, hôm nay tôi quá may mắn”
(còn tiếp)
Theo Thanh Niên 

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.