(GLO)- Sông Ayun đoạn chảy qua địa phận 2 xã Ayun và Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) đang ngày đêm oằn mình chống chịu sạt lở bởi nạn “cát tặc”. Liên tục, cả ngày cũng như đêm xe tải, vòi rồng, máy Kobelco thi nhau công khai múc, hút cát dưới lòng sông. Đất đai, vườn rẫy của những hộ dân sống dọc 2 bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cây cối, hoa màu bị nước cuốn trôi trước sự bất lực của người dân lẫn chính quyền sở tại.
“Của trời” thi nhau hưởng
Cát tặc ngang nhiên đưa xe đào, xe xúc ra giữa lòng sông khai thác. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trải dài hơn 2 km dọc theo sông Ayun (xã Ayun), đoạn từ thôn 5 ngược lên thôn 3 cho đến địa phận xã Đak Jơ Ta, “cát tặc” đua nhau tập kết máy đào, máy xúc, máy bơm, thuê nhân công ngang nhiên khai thác cả ngày lẫn đêm từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, mỗi một khúc sông ở đây đều được các “ông chủ” ngầm phân chia lãnh thổ, khai thác mặc định như là của riêng.
Bắt đầu từ thôn 5, chúng tôi lội dọc theo dòng sông, ngược lên đến dưới chân cầu treo (thuộc thôn 3, phía bên kia cầu treo là địa phận xã Đak Jơ Ta). Càng vào sâu, tiếng máy nổ ầm ầm không dứt, cát hút lên được xe cẩu bốc ngay lên xe tải đợi sẵn, đưa đi tiêu thụ hoặc tập kết về các bãi.
Tại bãi cát của ông N.H.L. (trú thôn 3, xã Ayun), 2 nhân công đang hì hục thọc vòi rồng xuống lòng sông thản nhiên hút. Trên bờ, cát được đưa vào máng chuyền sàng lọc, tập kết thành đống. Một nhân công cho biết, họ được “ông chủ” L. thuê với tiền công 6 triệu đồng/người/tháng. Căn nhà tạm được dựng lên cạnh đó dùng làm điểm tập kết máy móc, trao đổi mua bán, nơi ăn nghỉ cho những người làm công.
Cát được hút lên đổ thành từng đống cao như núi dọc theo hai bên dòng sông. Ảnh: Minh Nguyễn |
Một người dân (đề nghị giấu tên) thông tin, bãi khai thác cát của ông Đ.V.H.-Chủ doanh nghiệp xăng dầu Đ.H. (thôn 3, xã Ayun) được xem là quy mô và tầm cỡ nhất so với các điểm khai thác cát ở đây. Máy cẩu, máy xúc, xe tải được ông chủ H. đưa ra tận lòng sông khai thác một cách triệt để hơn mà không cần dùng đến máy bơm. Không những trực tiếp làm “cát tặc”, ông chủ H. còn hưởng lợi bằng việc cung cấp xăng, dầu cho các xe này, ung dung “tiếp tay” cho nạn khai thác cát trái phép trên sông Ayun.
Tại thôn 5, một bãi khai thác cát của một ông chủ tên P. (trú thị trấn Kon Dơng) cũng đang rầm rộ khai thác. Cát được đổ thành từng đống cao như núi, xe ủi D5, máy Kobelco được huy động đến khai thác hết công suất. Hàng đoàn xe tải chở cát nối đuôi nhau chạy rầm rập, bất chấp dòng sông Ayun đang kêu gào bức tử.
Cũng chính vì nguồn lợi quá lớn từ việc khai thác cát trái phép mà ngay cả những người như ông Trưởng thôn L.V.H. cũng vội vã mua sắm máy móc, thiết bị khai thác để trở thành “cát tặc”, tận hưởng lộc của trời.
Chính quyền... “bất lực”?
Nhiều ông chủ cát tặc thuê nhân công đặt máy bơm hút cát trên sông Ayun. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tình trạng “cát tặc” ngang nhiên khai thác rầm rộ với quy mô lớn đã làm cho nhiều diện tích đất dọc hai bờ sông Ayun sạt lở nghiêm trọng, cây cối, hoa màu cứ dần bị nước cuốn trôi trong sự tuyệt vọng của người dân. Những ông chủ “cát tặc” với hàng loạt máy móc hiện đại khai thác kiểu “nhà giàu làm”… đã vơ vét cạn kiệt tài nguyên, tàn phá sông suối khiến người dân bức xúc đỉnh điểm.
Ông Trần Thật-thôn 3, xã Ayun-phản ánh: Nạn khai thác cát trái phép ở đây diễn ra một cách công khai, nếu bị “động” thì chỉ vắng 1 đến 2 ngày lại tiếp tục. “Mỗi lần họp thôn, họp xã đều có thông báo cho người dân là cấm khai thác nhưng cấm thì cấm máy bơm vẫn cứ bơm, vẫn cứ hoạt động bình thường. Chính quyền xã, huyện cũng ra chặn bắt nhưng rồi đâu lại vào đấy. Giờ chỉ còn khu vực gần cầu treo này là còn nhiều cát nên các xe đều tập trung về đây khai thác. Một số xe múc cát ở đây rồi chở thẳng về bãi đổ, nhưng cũng có xe múc cát đổ thẳng xuống lòng sông rồi đón ở phía dưới hạ lưu đặt máy bơm cát trở lại”-ông Thật nói.
Ông Thật cho biết, việc thác cát rầm rộ khiến cho vườn rẫy của ông nằm dọc theo dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi ngày đều có đến 3 xe máy múc và một xe xúc lật, hoạt động luôn cả ban đêm, cứ liên tục hết xe này đến xe kia mà chẳng thấy ai ngăn cấm, trong khi đất đai của ông ngày càng bị mất dần.
Mỗi một khúc sông ở đây đều được các “ông chủ” ngầm phân chia lãnh thổ. Ảnh: Minh Nguyễn |
Anh Huỳnh Tuấn Toàn-trú thôn 3, xã Ayun-lắc đầu nói: “Mỗi lần họp thôn người dân đều có ý kiến về việc sạt lở đất, khai thác cát trái phép. Người dân rất nhiều lần gửi đơn lên huyện, nhưng không thấy ai can thiệp”. Anh Toàn cho biết, thậm chí nhiều “ông chủ” còn công khai mua đất rẫy của người dân để khai thác kiểu tận thu.
“Cấp xã không có thẩm quyền chặn các xe tải chở cát. Huy động Công an xã, cán bộ địa chính ra chặn xe thì rất nguy hiểm. Cứ thấy lực lượng ra là các lái xe liền đổ ào cát xuống rồi bỏ chạy, bất chấp tính mạng của anh em”-Chủ tịch UBND xã Ayun, ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Theo ông Lộc, trước đây có xe vận chuyển cát là xã báo huyện chặn bắt triệt để, nhưng từ khi UBND tỉnh Gia Lai cấp phép cho Công ty TNHH Trang Đức (TP. Pleiku) khai thác thì các xe tải “cát tặc” trà trộn vào đoàn xe chở cát của công ty này cùng lưu thông nên chính quyền xã cũng chỉ biết đứng nhìn.
“Công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện vây bắt thì chủ xe nói là “của Công ty Trang Đức”, huyện cũng chịu chết chứ biết đường nào mà lần”-ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang nói. Ông Phi cho biết, huyện có nắm thông tin doanh nghiệp Đ.H. lén lút khai thác trộm khoáng sản, nhưng vì không có chứng cứ nên không thể bắt được? “Hiện tại, Công ty Trang Đức được quyền khai thác thì phải có trách nhiệm quản lý, không quản lý được thì thất thu, sao đổ cho huyện được”-ông Phi khẳng định.
Trong khi chính quyền xã, huyện “bất lực”, người dân gửi đơn “vượt cấp” cầu cứu tỉnh. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở TN-MT, UBND huyện Mang Yang tổ chức truy quét, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Ayun. Tuy nhiên, Sở TN-MT khẳng định, cứ mỗi lần đoàn liên ngành truy bắt, như có nội gián “cát tặc” đều biết trước, cất giấu máy móc, trốn hết nên rất khó xử lý. Ông Hồ Mậu Long-Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản Sở TN-MT khẳng định, huyện nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì người đứng đầu huyện đó phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng, còn chưa biết ai là người phải đứng ra nhận trách nhiệm này nhưng dòng sông Ayun thì vẫn đang oằn mình hứng chịu sự cày xới của xe đào, xe múc và từng đợt sạt lở, còn “cát tặc” đua nhau hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, chính quyền sở tại thì “bất lực”, đứng nhìn dòng sông Ayun bị bức tử.
Minh Nguyễn