Cát sông ở Tây Nguyên bị khai thác bừa bãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình trạng khai thác cát trái phép dọc các tuyến sông trên địa bàn Tây Nguyên đang diễn ra hết sức phức tạp, mỗi ngày có cả ngàn mét khối cát bị khai thác bán ra thị trường. Khai thác cát còn làm xuất hiện cả chục điểm sạt lở dọc 2 bên bờ sông.

Bất chấp lệnh cấm

Sông Krông Nô chảy qua địa phận 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tuyến sông này có trữ lượng cát khá lớn. Ngoài những điểm đã được cơ quan chức năng cấp phép, đa số các điểm khai thác cát do cá nhân, tổ chức tự ý khai thác trái phép để thu lợi bất chính.

Tại đoạn sông Krông Nô chảy qua xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) tiếp giáp với xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), tình trạng khai thác cát lậu diễn ra rầm rộ với quy mô không khác gì những điểm được cấp phép. Cụ thể, tại điểm khai thác ở thôn Tân Tiến (xã Đạ Rsal), cách chợ Đạ Rsal khoảng 500m, xuất hiện một công trường khai thác cát lậu náo nhiệt với máy hút dưới sông chạy hết công suất, còn trên bờ máy múc hoạt động liên tục để xúc cát đổ lên xe tải vận chuyển đi tiêu thụ hoặc tập kết ở các bãi giáp tuyến Quốc lộ 28.

Ông Thái Viết Phúc, Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal, cho biết: “Các điểm khai thác cát dọc tuyến sông Krông Nô đoạn qua địa bàn xã Đạ Rsal đều là điểm khai thác chưa được cấp phép. Hiện xã đã thành lập tổ tuần tra kiểm soát việc khai thác cát trái phép trên dòng sông Krông Nô, do phó chủ tịch làm tổ trưởng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát lậu vẫn diễn ra, các đối tượng lợi dụng ngày nghỉ khai thác lén lút”.


 

 Ngang nhiên dùng xe đào múc cát trái phép ở sông Krông Nô.
Ngang nhiên dùng xe đào múc cát trái phép ở sông Krông Nô.



Do bị khai thác cát vô tội vạ và kéo dài nên nhiều khúc sông bị sạt lở trầm trọng, nhiều thửa ruộng bị lở dần, trôi theo con nước. Dọc 2 bên bờ sông Krông Nô, đoạn qua huyện Krông Nô và đoạn qua huyện Đam Rông xuất hiện rất nhiều vết nứt kéo dài, có nhiều đoạn bề mặt đất bị biến dạng do đứt gãy.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của huyện Krông Nô, tính từ năm 2014 đến nay có hơn 80 ha đất sản xuất nông nghiệp của 150 hộ dân sống dọc sông Krông Nô bị sạt lở và sụt lún. Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, xác nhận: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông là do tình trạng khai thác cát quá mức, tập trung tại một điểm trong thời gian dài, dẫn đến lòng sông bị khoét sâu, gây sạt lở đất.

Mặc dù địa phương cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng đi tuần tra, kiểm soát nhưng rất khó xử lý. Nguyên nhân, do khu vực sông Krông Nô nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, nên khi bị phát hiện thì các tàu khai thác cát lậu liền di chuyển qua địa phận tỉnh kia. Hiện công tác phối hợp xử lý giữa 2 tỉnh vẫn chưa thống nhất”.
 
Kiên quyết xử lý


Để hạn chế vấn nạn này, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản. Cục thuế yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan, địa phương tăng cường biện pháp trong quản lý khai thác, rà soát đối chiếu để xác định những tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa đăng ký, kê khai nộp thuế để đưa vào quản lý thuế. Thường xuyên kiểm tra, giám sát trên địa bàn để kịp thời phát hiện những trường hợp thực tế có khai thác khoáng sản, đối chiếu với kết quả quản lý của ngành thuế và tài nguyên môi trường để phối hợp xử lý vi phạm.

Lãnh đạo các tỉnh tại Tây Nguyên đều mong muốn có sự phối kết hợp giữa các tỉnh với nhau nhằm giải quyết triệt để vấn nạn khai thác cát lậu đang hoành hành dọc các tuyến sông. Ông Bùi Văn Hởi, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, ra quân xử lý, trong đó gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND xã để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô. UBND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk sớm tổ chức một buổi họp chung giữa 2 tỉnh để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép và thống nhất về việc thu hồi giấy phép tại những điểm gây sạt lở. Ngoài ra, 2 tỉnh cần có chủ trương thu hồi cả 2 bên tuyến sông để tránh tình trạng lợi dụng giấy phép khai thác cát phía bên sông này nhưng lại cho tàu sang hút cát phía bên kia.

PHẠM GIA (ĐTTCO)

Có thể bạn quan tâm