Trong văn bản, Sở GTVT Gia Lai đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.
phối cảnh cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dự kiến sẽ đầu tư theo phương thức đầu tư công |
Dự án có điểm đầu tại nút giao với QL19B (Km39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ (TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định), điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (QL14), thuộc TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) với tổng chiều dài tuyến 122,9 km.
Sở GTVT Gia Lai đề xuất thực hiện quy mô quy hoạch 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 37.621 tỉ đồng. Dự kiến, công trình sẽ chuẩn bị đầu tư từ năm 2024 - 2025, triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành trước năm 2030.
Theo đề xuất, Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, UBND mỗi tỉnh tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính. Sở GTVT Gia Lai cho biết đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bình Định, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định rà soát các nội dung được các đơn vị chức năng của Bộ GTVT tư vấn.
Sau khi rà soát nghiên cứu, đoạn tuyến qua tỉnh Bình Định có một số nội dung điều chỉnh về điểm đầu, hướng tuyến để phù hợp với quy hoạch các xã, phường đảm bảo không gian phát triển đô thị, vùng nội và ngoại thị của TX.An Nhơn.
Về nút giao liên thông sau điều chỉnh, trên đoạn tuyến qua tỉnh Bình Định dự kiến bố trí 3 nút giao liên thông, gồm nút giao với QL19B (Km39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ (TX.An Nhơn), nút giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (xã Tây An, H.Tây Sơn) và giao với QL19 (xã Bình Tường, H.Tây Sơn).
Sở GTVT Gia Lai dự kiến phân chia dự án thành 3 đoạn. Đoạn 1 bắt đầu từ điểm đầu (Km0+000) đến hầm An Khê (Km39+300) dài 39,3 km, nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Bình Định. Đoạn 2 bắt đầu từ hầm An Khê (Km39+300) đến hết hầm Mang Yang (Km79+700) dài khoảng 40 km, nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Gia Lai.
Đoạn 3 bắt đầu từ Km9+ 00 đến cuối tuyến (Km122+900) dài khoảng 43,2 km nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai.
Theo tính toán sơ bộ, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của luật PPP, dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định.
Trường hợp để dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kỳ vọng dưới 20 năm, nếu phân chia thành các dự án thành phần thì mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ chiếm tỷ lệ từ 75% đến 85%. Tuy nhiên, mức vốn hỗ trợ này là rất lớn, không phát huy được hiệu quả.
Trước đó, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đang triển khai theo hình thức đầu tư công, quá trình triển khai ban đầu, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhưng để dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản 22 năm, 18 năm và 15 năm, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ chiếm tỷ lệ từ 82% đến 87% tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, số liệu khảo sát cho thấy, lưu lượng xe của dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku chỉ bằng khoảng 60 - 75% so với lưu lượng xe khảo sát tại cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Vì vậy, việc đầu tư theo hình thức PPP không hiệu quả, khó khả thi.