Cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên: Cơ hội phát triển vùng rộng mở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tỉnh Phú Yên đang gấp rút xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư để tạo điều kiện phát triển hành lang kinh tế rộng lớn khi tuyến đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên được xây dựng.
Ngày 22-9, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Yên, cho biết hiện tỉnh này đang điều chỉnh lại quy hoạch Khu Kinh tế Nam Phú Yên cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên khi tuyến đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên được xây dựng.
Mở ra cơ hội rất lớn
Trước đó, Bộ GTVT có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên cho biết bộ này đã đưa vào quy hoạch bổ sung tuyến đường cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên vào mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ GTVT cho biết tuyến đường bộ cao tốc nối tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên được Bộ GTVT xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung.
Cụ thể, tuyến đường cao tốc này dài 220 km sẽ kết nối cảng biển loại II - cảng Vũng Rô (cảng tổng hợp, đầu mối địa phương), cảng nước sâu Bãi Gốc, Cảng Hàng không Tuy Hòa với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê (Việt Nam - Campuchia). Đây là tuyến giao thông quan trọng đi qua vùng đất đai rộng lớn có nhiều tiềm năng, nằm trong tam giác phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ Việt Nam.

Cảng Vũng Rô đang được lên kế hoạch nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển khi tuyến đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên được hình thành
Cảng Vũng Rô đang được lên kế hoạch nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển khi tuyến đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên được hình thành
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Phú Yên, cho hay trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây đã xác định Phú Yên là một trong những cửa ngõ quan trọng của khu vực Tây Nguyên ra biển Đông. Việc Bộ GTVT đưa tuyến đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên bổ sung vào quy hoạch giao thông quốc gia đã mở ra cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả vùng biên giới Việt Nam, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia. Vùng kinh tế động lực này càng có nhiều cơ hội mở khi tuyến đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên được mở ra.
Chuẩn bị để đón đầu
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang gấp rút các khâu chuẩn bị để tạo hành lang phát triển kinh tế, trong đó mở ra các điều kiện để giao lưu kinh tế khi tuyến đường cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên và cả khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Đông Bắc Campuchia. Đây là một hành lang kinh tế rất lớn tạo điều kiện phát triển rộng mở hơn không chỉ cho tỉnh Phú Yên, các tỉnh Nam Trung Bộ mà cả Tây Nguyên và cả khu vực biên giới 3 nước Đông Dương.
Ngoài việc điều chỉnh lại quy hoạch Khu Kinh tế Nam Phú Yên cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên khi đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên được xây dựng, Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên cũng đã phối hợp với Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cung cấp các thông tin để Bộ KH-ĐT lập đề án phát triển kinh tế vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa. "Hiện đề án này được Bộ KH-ĐT lập xong và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương. Theo đó, Khu Kinh tế Nam Phú Yên với Khu Kinh tế Vân Phong sẽ tạo nên vùng kinh tế động lực của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước để tạo điều kiện phát triển hàng hóa khu vực Tây Nguyên xuống đồng bằng và ngược lại" - ông Tiến nói.
Về cảng biển, theo ông Tiến, trước đây Bộ GTVT có quy hoạch cảng Vũng Rô tiếp nhận tàu công suất 10.000 tấn. Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đang rà soát để nâng cấp thêm cảng Vũng Rô. Ngoài ra, dự án thu hút đầu tư vào cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc và Khu Công nghiệp Hòa Tâm cũng đang được tỉnh Phú Yên giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên và Sở KH-ĐT xây dựng các tiêu chí để lựa chọn, mời gọi nhà đầu tư vào khu vực phía Nam Phú Yên.
Ông Nguyễn Phương Đông cũng cho biết để đón đầu cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên, hiện tuyến đường nối từ cảng Bãi Gốc lên Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên đang được triển khai. 
Nâng cấp sân bay Tuy Hòa
Ông Nguyễn Phương Đông cho biết tỉnh Phú Yên đã có đề nghị nâng cấp sân bay Tuy Hòa để đón 5 triệu khách/năm. Bộ GTVT đang giao cho tỉnh Phú Yên lập quy hoạch. Hiện tỉnh này đang kêu gọi và đã có sự đồng ý của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet tài trợ lập quy hoạch nâng cấp sân bay Tuy Hòa để trình Bộ GTVT phê duyệt. "Tuy khả năng là quy hoạch 5 triệu khách/năm nhưng giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 3 triệu khách/năm. Nếu lượng khách tăng thì sẽ mở rộng, nâng cấp thêm nữa" - ông Đông cho hay.
Bài và ảnh: Hồng Ánh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.