Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Nhà thầu chưa quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo vẫn chưa quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ.
Nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dù mốc tiến độ hoàn thành vào năm 2024, theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đến nay, tại hai Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo theo hình thức PPP (công-tư), các nhà thầu vẫn chưa quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ.

Nhà thầu chưa quyết liệt thi công

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đến nay, sản lượng trung bình của 2 dự án PPP này đạt 64,1% giá trị hợp đồng, chậm 6,3% so với kế hoạch.

Cụ thể, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt theo hợp đồng các gói thầu xây lắp phải hoàn thành tháng 5/2024, tính đến nay dự án đã thực hiện được 27,5 tháng/36 tháng (đạt khoảng 76,5% thời gian thực hiện) nhưng sản lượng mới đạt 53,51% (chậm 26,9% so với hợp đồng gốc); mặt bằng công trường nhiều nhưng có rất ít máy móc, thiết bị thi công hoạt động.

Khẳng định đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp và có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận các tồn tại vẫn chưa được doanh nghiệp dự án giải quyết triệt để, kéo dài như từ đầu năm 2023 đến nay các nhà thầu không quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ, còn thiếu ít nhất 4 mũi thi công theo yêu cầu của tiến độ điều chỉnh.

Các nhà thầu tiếp tục không kịp thời bố trí vốn để đáp ứng tiến độ thi công, dẫn đến không chủ động các nguồn vật liệu (đặc biệt là đất đắp); công tác nghiệm, thu thanh toán chậm do nhà thầu, doanh nghiệp dự án chưa tập trung nhân lực, chưa quyết liệt chỉ đạo để thực hiện (giá trị dở dang lớn khoảng 600 tỷ đồng).

Đặc biệt, Gói thầu XL-04 là gói thầu chậm nhất do nhà đầu tư VINA2 chậm đóng vốn chủ sở hữu theo quy định (chậm 4 tháng), ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; hiện nay doanh nghiệp dự án đã giải quyết được vướng mắc về giải ngân nhưng các nhà thầu chưa huy động đủ máy móc thiết bị theo yêu cầu để tập trung thi công bù tiến độ đã chậm trễ.

Phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng đánh giá các hạng mục tiếp tục chậm tiến độ như xử lý đất yếu (tất cả các nhà thầu) chậm khoảng 5 tháng, hầm Thần Vũ (Công ty Hòa Hiệp, CIENCO4) chậm khoảng 2,2 tháng, cầu Hưng Đức (Công ty Đại Hiệp) chậm khoảng 2 tháng.

Các nhà thầu chưa quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các nhà thầu chưa quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đến nay sản lượng đạt khoảng 76,2% hợp đồng (chậm 7,8% so với hợp đồng gốc), trong đó tiến độ chậm chủ yếu thuộc đoạn Km54-Km92+260 được chia thành 5 gói thầu xây lắp, trong thời gian qua thường xuyên chậm, tính đến nay các gói đều chậm từ 15-25%.

Một số hạng mục mang tính chất điểm nghẽn của dự án như đào đá nền đường còn khoảng 602.000m3, trong khi thiết bị thi công thường xuyên hư hỏng, khối lượng thi công trung bình chỉ đạt khoảng 5.000-7.000m3/ngày (dự kiến khoảng đầu tháng 12/2023 mới hoàn thành) nên sẽ không đáp ứng tiến độ hoàn thành của dự án.

Ngoài ra, còn một số điểm đường găng như cầu Km60, thi công móng, mặt đường,... đồng thời công tác đào hầm chậm nguyên nhân gặp đới địa chất yếu; công tác triển khai thi công hạng mục trạm thu phí Du Long và Phan Rang chưa triển khai thi công các hạng mục chính do thiết kế kỹ thuật điều chỉnh đang được doanh nghiệp dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế lập trình điều chỉnh thiết kế, chưa được phê duyệt.

Sớm giải quyết điểm nghẽn

Đưa ra giải pháp tăng tốc tiến độ Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tranh thủ điều kiện thời tiết khi thuận lợi tổ chức lại công trường, thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Trong tháng Chín này, chủ đầu tư phải rà soát làm rõ và có giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các tồn tại bổ sung đầy đủ mũi thi công, tương ứng thiết bị và nhân lực; kế hoạch bố trí nguồn lực tài chính của các nhà thầu, đặc biệt là nguồn lực để xử lý đất yếu (phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nền đất yếu hoàn thành trước mùa mưa lũ vì đây là các điểm nghẽn tiến độ), thi công cầu Hưng Đức, hầm Thần Vũ; rà soát, bổ sung đầy đủ nhân lực của doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công làm công tác nội nghiệp, đáp ứng việc nghiệm thu, thanh toán và giải ngân.

“Trong thời gian tới nếu Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt tiếp tục chậm tiến độ, đề nghị Ban Quản lý dự án 6 rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký kết, đề xuất giải pháp xử lý,” lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhấn mạnh.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với Dự án Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công; đặc biệt là cần có giải pháp bổ sung, thay thế nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với các nhà thầu thi công trên đoạn tuyến Km54-Km92+260 chậm tiến độ nhưng không có chuyển biến hoặc chuyển biến chậm.

Nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án cam kết tiến độ hoàn thành, có các giải pháp cụ thể triển khai thi công các hạng mục là điểm nghẽn của dự án; cam kết huy động máy móc, nhân công, vật liệu phục vụ các mũi thi công các hạng mục đường găng Km54-Km92+260 (đào đá, các cầu, móng mặt đường); chỉ đạo các cơ quan có liên quan, tiếp tục theo dõi công tác đào hầm, có các giải pháp xử lý kịp thời trong quá trình triển khai thi công, báo cáo bộ chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6, tư vấn thiết kế sớm có ý kiến đối với nội dung điều chỉnh đối với các hạng mục trạm thu phí làm cơ sở cho phê duyệt thiết kế để triển khai thi công đáp ứng tiến độ.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tổng giá trị khối lượng xây lắp của Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 hoàn thành đến ngày 15/9 đạt khoảng 51.731,88/58.484,02 tỷ đồng, tương đương 88,5% giá trị hợp đồng, chậm 2,1%.

Trong đó, 6 dự án đã thông xe đưa vào khai thác trong chín tháng của năm nay với chiều dài khoảng 405,6km gồm các đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (63,37km), Quốc lộ 45-Nghi Sơn (43,28km), Nghi Sơn-Diễn Châu (50km), Nha Trang-Cam Lâm (49,1km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (100,8km) và Phan Thiết-Dầu Giây (99km) sản lượng trung bình đạt 97,7% giá trị hợp đồng.

“Tuyến chính cao tốc của 6 dự án này đã đưa vào khai thác, hiện chỉ còn một số hạng mục phụ trợ (một số đoạn đường gom, đường ngang dân sinh, mương dẫn nước, vuốt nối nhánh nút giao,...) Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo hoàn thành các hạng mục còn lại trong tháng Chín, hoàn thành các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương trước ngày 31/12/2023,” lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.