Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Nhịp cầu của phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ khi thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, không chỉ người dân địa phương hân hoan mà rất nhiều nhà đầu tư của các tỉnh thành phía Nam hồ hởi mong đợi tuyến cao tốc sớm được khởi công xây dựng.

Đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn đã hoàn thành
Đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn đã hoàn thành


 
Tổng thể Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200,3 km. Điểm đầu nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Đây là dự án giao thông nằm trong quy hoạch phát triển chung của mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, chia làm 3 giai đoạn. Sau khi đi vào hoạt động chính thức hệ thống cao tốc toàn tuyến sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên đến 100 km/giờ.
 
Bố trí ngân sách, sớm triển khai tuyến Tân Phú - Bảo Lộc
 
Ngày 4/2, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hôm 21/1. Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.
 
Theo kết luận, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng).
 
UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương, tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền. UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trong đó, làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật).
 
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các dự án BOT khác đã và đang được đầu tư, không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT có ý kiến bằng văn bản về việc bố trí ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 tham gia dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng làm căn cứ xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và "Báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2021. Đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của Nhà nước để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cân đối bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phần tham gia vốn vào dự án, sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội", thông báo nêu.
 
Tổng thể của Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200,3 km, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 60 km đi qua địa bàn huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn 2 dài 66 km tiếp nối từ Tân Phú - Bảo Lộc đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Giai đoạn 3 có chiều dài 73 km, bắt đầu từ TP Bảo Lộc đến huyện Đức Trọng, nối vào đường cao tốc Liên Khương - Prenn.
 
Giai đoạn 2 Tân Phú - Bảo Lộc, từ 51 km - 67 km, quy mô 4 làn xe sẽ sớm được khởi công trong năm 2021, tổng nguồn vốn khoảng 18.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 47%, tỉnh Lâm Đồng đối ứng 23%, nguồn vốn Chính phủ 24%; vốn BOT 53%.
 
Thủ tướng cũng đã đồng ý cho tỉnh Lâm Đồng huy động mọi nguồn lực, như tín dụng, phát triển quỹ đất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động nguồn vốn thực hiện dự án.


 

Tuyến Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 20 qua TP Bảo Lộc và rút ngắn đáng kể thời gian từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt cũng như các vùng khác trong tỉnh
Tuyến Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 20 qua TP Bảo Lộc và rút ngắn đáng kể thời gian từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt cũng như các vùng khác trong tỉnh


 
Điểm tựa tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
 
Sau nhiều năm phát triển, lưu lượng vận chuyển người và hàng hóa trên tuyến QL 20, tuyến giao thông chính nối Lâm Đồng với các tỉnh phía Nam tăng mãnh liệt, vận tải đường không, đường bộ đều rất căng thẳng và tạo ra áp lực vô cùng lớn. Trong khi đó, thực tế cho thấy rằng, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực "đánh thức" tiềm năng của nhiều vùng, miền trên cả nước. Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế ở đó phát triển, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này là rất lớn. Với nhiều ưu thế, đường cao tốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối về giao thông, thúc đẩy phát triển của mỗi địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Việc phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của tỉnh và được tỉnh thúc đẩy, kêu gọi đầu tư và xác định là một trong những công trình trọng điểm mang tính đột phá chiến lược mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra suốt nhiều năm qua.
 
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương chính là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ.
 
Việc Thủ tướng chỉ đạo đưa Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cụ thể là đoạn Tân Phú - Bảo Lộc vào dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển kinh tế cho tỉnh. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo đà chuyển dịch kinh tế - xã hội rất lớn cho Nhân dân Lâm Đồng; là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp...
 
Chính vì vậy mà thông tin sớm khởi công dự án này không chỉ người dân địa phương Lâm Đồng hân hoan mong chờ mà rất nhiều người dân, nhà đầu tư của các tỉnh thành phía Nam cũng đang vô cùng hồ hởi.
 
Giảm tải áp lực giao thông
 

Đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thuộc tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016.
 
Việc sớm triển khai dự án này ngoài lợi ích về kinh tế, sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20. Lâm Đồng vốn là tỉnh Tây Nguyên, có nhiều đoạn đèo quanh co, hiểm trở, có độ dốc lớn, hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong mùa mưa gây sạt lở đất, nhiều năm qua tuyến này dù được đầu tư cải tạo nhiều nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong giao thông.
 
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là một trong 7 tuyến đường thuộc hệ thống đường cao tốc quốc gia tại khu vực phía Nam, kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng của Lâm Đồng và các tỉnh lân cận, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực.
 
Khi hoàn thiện, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ trở thành tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa giảm tải cho Quốc lộ 20, đồng thời kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Dự kiến, thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh lên Bảo Lộc chỉ còn khoảng 2 giờ và từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh cũng chỉ mất 3 giờ đồng hồ, giảm một nửa thời gian so với di chuyển trên Quốc lộ 20 như hiện nay.
 
Hiện dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025.

 

Theo NGUYỄN NGHĨA (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.