(GLO)- Cuối năm 2013 nhiều tổ chức và chuyên gia nhận định giá cà phê sẽ giảm xuống mức thấp trong cả năm 2014, sau khi năm 2013 đã giảm khoảng 20% so với năm trước đó. Ngân hàng Commorzbank, Macquarie, Rabobank dự báo giá cà phê chè (Arabica) xuống 95-105 cent/lb, tương đương 46-47 triệu đồng Việt Nam cho 1 tấn vào quý 4-2014, và do đó giá cà phê vối khoảng 35-36 triệu đồng/tấn.
Trên thực tế, thị trường cà phê 6 tháng đầu năm 2014 đã có những diễn biến trái chiều với những dự báo của các tổ chức và các chuyên gia, khi giá cà phê trên thị trường thế giới quay đầu tăng từ cuối năm 2013, sản lượng sản xuất cà phê, lượng cà phê tồn kho đều giảm, tiêu dung cà phê vẫn tăng ổn định.
Nhưng liệu giá cà phê những tháng cuối năm 2014 diễn biến ra sao vẫn là mối quan tâm lớn và là ẩn số khó lường của các nhà sản xuất kinh doanh cà phê.
Giá cà phê thế giới sau khi xuống mức thấp nhất vào tháng 11-2013 đã tăng mạnh và dao động khá mạnh trong quí I-2014. Chỉ trong 5 tháng , giá cà phê ICO (qui đổi của các loại cà phê trên thị trường thế giới) trung bình tháng 4-2014 đã tăng 68,9% so với tháng 11-2013, giá cà phê Robusta tăng 32,4%, cà phê Arabica tăng mạnh hơn tới 86%. Giá cà phê hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ tháng 3-2012 tới nay, nhưng mới chỉ bằng khoảng 70% so với giá trung bình tháng 4-2011. Mức chênh lệch giữa giá cà phê Arabica Brazil so với cà phê Robusta theo tính toán của ICO đã tăng từ 18,1%, đã tăng lên 44,6%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch 156% vào tháng 4 năm 2011.
Theo dự báo về giá cả hàng hóa bố công gần đây của IMF, giá cà phê Arabica từ nay đến năm 2015 tương đối ổn định theo hướng tăng nhẹ 1,5-2% trong mỗi quý, hoặc tăng khoảng 7% trong 12 tháng tới. Cụ thể giá cà phê Arabica phổ biến sẽ ở mức 195-198 cent/ld, tương đương 4300-4400 USD/ tấn giá cà phê Robusta có thể giảm nhẹ từ mức 95-100 cent/lb hiện nay xuống 94-98 cent/lb, tương đương 2000-2100 USD/tấn. Đồ thị giá cà phê đi ngang và ổn định trong năm 2014 và 2015 có xác xuất lớn nhất. Mức giá giao dịch trên thị trường sẽ có biến động mạnh do thông tin về nguồn cung sản xuất thay đổi và do các hoạt động đầu cơ chi phối. Tuy nhiên những dự báo thường được thay đổi và cập nhật hàng tháng.
Giá cà phê thế giới phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như nguồn cung sản xuất, sản lượng tồn kho, sản lượng tiêu dùng, tỷ giá tại các nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới.
Thông tin về nguồn cung sản xuất cà phê thế giới niên vụ 2013-2014 phụ thuộc nhiều vào kết quả thu hoạch tại Brazil, Indonesia kết thúc vào tháng 7-2014. Nhiều khả năng hạn hán có thể làm giảm sản lượng cà phê Arabica Brazil và ảnh hưởng của bệnh gỉ sắt tiếp tục làm giảm sản lượng cà phê vùng Trung mỹ, do đó đã hỗ trợ giá cà phê tiếp tục tăng nhẹ, nhưng không tạo ra mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu để tạo áp lực đẩy giá cà phê tăng mạnh và ổn định. Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định Việt Nam có thể đạt 29,4 triệu bao (60 kg/bao), tăng hơn 5 triệu bao, tương đương tăng hơn 20% so với vụ trước, tương đương dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chủ yếu do thời tiết thuận lợi cho cây cà phê phát triển và tăng năng suất.
Kinh nghiệm và những thông tin cho thấy, hạn hán tại Brazil, bệnh gì sắt trên cây cà phê tại các nước vùng Trung Mỹ sẽ ảnh hưởng đến cây cà phê cả trong niên vụ 2015-2016, do đó phần nguồn cung sản xuất quan trọng nhất của thế giới chưa có khả năng tăng nhiều trong năm 2015 và cả năm 2016. Trong trường hợp thời tiết tại Tây nguyên của Việt Nam không có biến động bất thường, sản lượng cà phê Robusta từ Việt Nam bổ sung cho thị trường sẽ tăng khá trong năm 2015 và là cơ sở cho các dự báo giá cà phê Robusta trên thị trường giảm nhẹ trong năm 2014 và năm 2015.
Do nguồn cung sản xuất chưa thặng dư nhiều, thậm chí vẫn thiếu hụt nên khả năng nguồn cung cà phê tồn kho, dự trữ tại các nước sản xuất, tại các nước nhập khẩu sẽ không có nhiều thay đổi và vẫn ở mức rất thấp so với nhu cầu tiêu dùng cà phê hàng năm. Thống kê của ICO, tổng lượng cà phê tồn kho và dự trữ thế giới niên vụ 2013- 2014 tăng lên 44 triệu bao, tương đương tăng 21,3% so với niên vụ trước, trong đó dự trữ tại các nước sản xuất khoảng 22 triệu bao, tăng mạnh với 33,7% so với niên vụ trước; dự trữ tại các nước nhập khẩu đạt mức cao nhất kể từ năm 2000 đến nay, với khoảng 22 triệu bao, tăng 11% so với niên vụ trước, tỷ lệ dự trữ, tồn kho so với tiêu dùng cà phê chỉ đạt khoảng 29%. Trong bối cảnh đó, các hoạt động đầu cơ sẽ có cơ hội thao túng thị trường trong những thời điểm nhất định, làm cho giá cả có những biến động bất thường.
Tiêu dùng cà phê thế giới vẫn tăng trưởng 2,4% trong năm nay. Giá bán lẻ tiêu dùng cà phê giảm tại Mỹ, Nhật Bản, một số nước châu Âu chưa có tác động nhiều tới giá cà phê nguyên liệu trên thị trường, do đó giá bán lẻ cà phê giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục sẽ kích thích tăng tiêu dùng và hỗ trợ giá bán cà phê nguyên liệu ổn định hơn.
Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Giá cà phê Robusta trên thị trường từ giữa tháng 4-2014 quay đầu giảm trước những thông tin trái chiều về dự kiến sản lượng niên vụ sắp tới, trong khi Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ nhận định sản lượng vụ tới có thể thì hãng Volcafe lại dự kiến sản lượng cà phê Việt Nam có thể giảm 2 triệu bao; nhu cầu sử dụng cà phê trong mùa hè giảm, các nhà buôn bán cà phê hàng thật rút dần khỏi sàn giao dịch. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà sản xuất và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cần sớm có kế hoạch ứng phó với những biến động thị trường, kể cả kế hoạch mua tạm trữ ngay đầu vụ; cần thường xuyên cập nhật diễn biến của thị trường để điều tiết lượng cà phê xuất khẩu hàng tháng phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới.
Nguyễn Viết
(Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội quốc gia)