(GLO)- Báo cáo số 280/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá: Hiệu quả hoạt động phòng-chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong năm 2012 có tiến bộ hơn năm trước, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao. Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, một số lĩnh vực còn nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận như: quản lý bảo vệ rừng, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp…
Năm 2012, công tác phòng-chống tham nhũng được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện. Cùng với việc áp dụng hàng loạt giải pháp phòng ngừa, các ngành, địa phương tăng cường tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng-chống tham nhũng các đơn vị. Nhờ vậy, lượng đơn thư và số vụ việc tham nhũng phát sinh giảm nhiều so với năm trước, tính chất vụ việc cũng ít phức tạp hơn. Tình trạng tham nhũng chủ yếu xảy ra ở cấp xã, tập trung một số lĩnh vực nhạy cảm như: việc thu, chi tài chính; quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; quản lý bảo vệ rừng…
Theo số liệu của UBND tỉnh, trong năm 2012, ngành Thanh tra tiến hành 107 cuộc thanh tra tại 162 đơn vị, đã kết thúc 86 cuộc và có đến 74 đơn vị sai phạm. Qua thanh tra phát hiện trên 4,1 tỷ đồng sai phạm, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 3,8 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 23 cá nhân và 11 tập thể, chuyển sang Cơ quan Điều tra 2 vụ.
Cùng với đó, Thanh tra tỉnh và Thanh tra các huyện: Đak Pơ, Đức Cơ, Chư Pah, Mang Yang, Kbang, Ia Grai, Krông Pa triển khai 16 cuộc thanh tra phòng-chống tham nhũng tại 19 đơn vị. Nội dung thanh tra tập trung các lĩnh vực như: việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công tác quy hoạch quản lý và sử dụng đất đai và việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng-chống tham nhũng.
Qua thanh tra, ngành chức năng đã phát hiện 16 đơn vị sai phạm, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1,9 tỷ đồng. Phân tích cho thấy nội dung sai phạm chủ yếu gồm: dự toán, quyết toán sai khối lượng thi công; nộp tiền thuế tài sản nhà, đất và tiền sử dụng đất chưa đúng quy định, chưa nộp thuế VAT.
Cũng trong năm 2012, ngành chức năng đã tiếp nhận 153 đơn khiếu nại-tố cáo, trong số đó có 84 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 68/84 đơn đã được giải quyết; kết quả có 4 đơn tố cáo đúng; 32 đơn tố cáo vừa có chi tiết đúng, vừa có chi tiết sai; 32 đơn tố cáo sai. Cơ quan chức năng đã chuyển một vụ sang Cơ quan Điều tra làm rõ 1 vụ có dấu hiệu phạm tội. Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của địa phương, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố 5 vụ (9 bị can) phạm tội tham nhũng với số tiền thiệt hại hơn 858 triệu đồng…
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên mặt trận phòng-chống tham nhũng, tình hình tham nhũng và công tác phòng-chống trên thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức. Phân tích kết quả thanh tra cho thấy, tỷ lệ sai phạm của các đơn vị là khá cao (qua thanh tra phòng-chống tham nhũng tại 19 đơn vị thì có đến 16 đơn vị có sai phạm). Nếu lấy tỷ lệ này nhân tổng số các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh thì có bao nhiêu đơn vị sai phạm? Một vấn đề nữa đặt ra là liệu tình hình tham nhũng chỉ chủ yếu xảy ra ở cấp xã? Nếu quả thật như vậy thì liệu cấp huyện, cấp tỉnh có thật sự trong sạch? Có hay không sự nhẹ trên nặng dưới ở đây?
Một vấn đề rất đáng lưu ý là: Qua công tác tự kiểm tra, chưa phát hiện hành vi tham ô, tham nhũng. Đây cũng là “tình hình chung” của nhiều năm qua. Tự kiểm tra cho “kết quả” là vậy, nhưng nếu có đơn thư khiếu nại-tố cáo hoặc có quyết định thanh tra chuyên đề thì các đơn vị này liệu có “sạch”? Và công tác tự kiểm tra tại cơ quan, đơn vị có phát huy hiệu quả như chúng ta kỳ vọng?
Cùng với hàng loạt vấn đề đặt ra ở trên, công tác phòng-chống tham nhũng ở Gia Lai hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng-chống tham nhũng chưa được chính quyền các địa phương triển khai sâu rộng đến người dân. Đại bộ phận nhân dân chủ yếu tiếp cận các văn bản pháp luật và thông tin về phòng-chống tham nhũng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Kế đến, các cơ quan, đơn vị chưa chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc thuộc lĩnh vực quản lý. Công tác hậu kiểm trong cải cách thủ tục hành chính chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa cao, chưa đảm bảo tính minh bạch. Cùng với đó, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức triển khai triệt để, việc giải quyết đơn thư khiếu nại-tố cáo còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân…
Năm 2013 được xác định là “năm bản lề” của kế hoạch 5 năm (2011- 2015). Do đó, cùng với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, Gia Lai cũng đặc biệt chú trọng công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí. Theo chúng tôi, để nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống tham nhũng, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc triển khai công tác phòng-chống tham nhũng cần gắn liền với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Duy Danh