(GLO)- Chiều 6-6, tại Hội trường Tỉnh ủy, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với các cơ quan, địa phương để nghe báo cáo tình hình và định hướng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: L.L |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã báo cáo về tình hình phát triển du lịch của tỉnh nói chung và của từng địa phương. Trên cơ sở đó, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển du lịch, công tác quản lý khu di tích lịch sử, khôi phục một số hoạt động du lịch để thu hút khách tham quan, phát triển du lịch trong cộng đồng. Dựa vào “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch của tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai lập 3 quy hoạch chi tiết và 5 đề án. Cụ thể, các quy hoạch gồm: Quy hoạch điểm du lịch Quốc gia hồ Ia Ly (huyện Chư Pah); Di tích căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong, huyện Kbang); Di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (quần thể Tây Sơn Thượng đạo). Các đề án gồm: Đánh giá tiềm năng, triển vọng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Gia Lai; Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Lâm viên Biển Hồ-Chư Đăng Ya; Đăng cai tổ chức Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 và tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Nguyên lần thứ I tại Gia Lai.
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như: xây dựng những sản phẩm du lịch cụ thể, ưu tiên công tác bảo tồn, khôi phục một số nhà rông, tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ cho du lịch văn hóa phát triển; đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh, đẩy mạnh phát triển hình ảnh du lịch Gia Lai nhằm thu hút sự quan tâm của khách du lịch và nhà đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: “Gia Lai là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... Do vậy, chúng ta cần vận dụng, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có để đưa ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển...”. Và để làm được điều đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các địa phương có liên quan nhanh chóng quy hoạch chi tiết từng điểm du lịch từ tỉnh, huyện đến xã. Trước mắt, cố gắng quy hoạch chi tiết 6 điểm du lịch, gồm: Tây Sơn Thượng đạo và đồ đá cũ (thị xã An khê), hồ Ia Ly (huyện Chư Pah), Kon Chư Răng (huyện Kbang), Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang) và Chư Đăng Ya-Biển Hồ (TP. Pleiku). Trong đó, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch về sinh thái, lịch sử, văn hóa… Mỗi địa phương chọn 1 làng văn hóa, riêng TP. Pleiku nhanh chóng hoàn thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Đồi Thông. Với tinh thần xã hội hóa, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cả tỉnh và các địa phương đều tích cực kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch cũng như có các chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế, đất để thu hút đầu tư. Đồng chí cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh kết nối tour du lịch cho tỉnh, liên kết các vùng. Các sở, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng trao đổi, qua lại học tập các tỉnh như Bình Định, Quảng Nam… Giao cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai vào tháng 12 tới. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu tham quan một số tỉnh để xúc tiến phát triển du lịch cộng đồng, tâm linh, lịch sử, sinh thái… Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy còn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thị xã An Khê phát triển khu du lịch Tây Sơn Thượng đạo.
Lê Lan