(GLO)- Ngày 11-4, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã có chuyến công tác tại huyện Krông Pa. Cùng đi có Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở: Kế hoạch đầu tư, Công thương, LĐTB và XH, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải…
Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình tại công trình thủy lợi Ia Mlá, khu tái định cư thủy điện Sông Ba Hạ, Bến đò cầu Bung; hoạt động Nhà máy Chế biến nông sản Phú Túc..., đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Krông Pa.
Ảnh: Đức Phương |
Báo cáo của huyện cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân là 7.530 ha, đạt 98% kế hoạch. Công tác quản lí, bảo vệ rừng được tăng cường, đã giảm thiểu số vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng. Chương trình nông thôn mới đã hoàn thành việc thẩm định đồ án quy hoạch và báo cáo thuyết minh đồ án cho 13/13 xã. Công trình thủy lợi Ia Mlá chưa phát huy hiệu quả, mới chỉ phục vụ tưới 98 ha lúa trên tổng số diện tích theo thiết kế là 5.000 ha cây trồng các loại vì các tuyến kênh cấp 1 do Ban quản lý thủy lợi 8 làm chủ đầu tư hiện chưa thi công xong; toàn bộ hợp phần kênh cấp 2 do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư và kênh nội đồng cùng cánh đồng lúa do huyện làm chủ đầu tư chưa triển khai thi công. Nhà máy mỳ Phú Túc chỉ đáp ứng được một phần nhỏ tiêu thụ mì tươi cho dân (20% diện tích/11.000 ha mì).
Công trình thủy điện Sông Ba Hạ đã đi vào hoạt động ổn định, tuy nhiên hiện còn 320 đơn khiếu nại của các hộ dân liên quan đến đền bù đất sản xuất chưa thỏa đáng. Cầu Phú Cần chậm được thi công; mố cầu phía Nam của cầu Lệ Bắc có nguy cơ sạt lở đe dọa cắt đứt giao thông trên quốc lộ 25 nhưng chưa có hướng giải quyết.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2012 có 29 hộ, 56 khẩu di dân tự do đến phá rừng làm rẫy trên diện tích 17 ha tại vùng rừng thuộc xã Chư Drăng, giáp ranh với huyện Krông Năng (Đak Lak). Trong đó, dân tộc Tày, H’mông có 6 hộ, 31 khẩu đến từ tỉnh Sơn La, Lạng Sơn; dân tộc Ê đê có 23 hộ, 25 khẩu đến từ tỉnh Đak Lak. Huyện đã tổ chức kiểm tra, vận động số người này trở về nơi cư trú.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng ghi nhận những cố gắng của chính quyền và nhân dân huyện Krông Pa thời gian qua. Chủ tịch tỉnh lưu ý huyện phải phát huy vai trò chủ thể của người dân để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đầu tư xây dựng cơ bản phải chọn nhà thầu, chọn đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công đủ năng lực để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Thời gian qua huyện Krông Pa là một điểm nóng diễn ra tình trạng phá rừng, huyện phải lập đoàn kiểm tra, truy quét liên ngành để giải quyết dứt điểm, lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
Về những tồn tại ở công trình thủy lợi Ia Mlá, chủ tịnh UBND tỉnh chỉ đạo cần phải giải quyết dứt điểm để sớm thi công hoàn thành phần khối lượng rất ít còn lại của hệ thống kênh chính. Còn phần cánh đồng và hệ thống kênh cấp 2, kênh nội đồng do Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện làm chủ đầu tư cần phải tháo gỡ vướng mắc để nhanh chóng thi công, phát huy hiệu quả công trình. Hiện còn hàng trăm đơn khiếu nại của người dân về đền bù đất sản xuất ở lòng hồ sông Ba Hạ, huyện cùng với Ban quản lý Công trình thủy điện Sông Ba Hạ cần phải nhanh chóng tháo gỡ, không để sự việc kéo dài. Riêng cầu Phú Cần sẽ sớm thi công với kinh phí được phê duyệt cho năm 2012 là 30 tỉ đồng. Tình trạng trồng mì vượt quy hoạch quá lớn (11.000 ha so với quy hoạch là 8.000 ha), huyện cần phải từng bước chuyển đổi, thu hẹp diện tích, không để việc trồng mỳ quá nhiều gây hại cho đất sản xuất, nguy cơ phá rừng và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Đức Phương Hồng Sơn